Đăng ký kết hôn và những câu chuyện buồn
Chỉ tổ chức lễ cưới mà không đăng ký kết hôn (ĐKKH) nên những cuộc hôn nhân đề cập trong bài viết dưới đây không được pháp luật công nhận. Vì vậy khi chia tay, người trong cuộc phải gánh chịu thiệt thòi.
1. Anh là con một trong gia đình nông dân khá giả, chị bán tạp hóa ở chợ. Cả hai đều cùng ở TP Cần Thơ. Họ tổ chức đám cưới khá rình rang, tuy nhiên không ĐKKH bởi không biết luật. Họ cứ nghĩ đã có đám cưới là tất nhiên thành vợ chồng hợp pháp rồi.
Sau ngày cưới, anh kêu chị nghỉ bán ở nhà lo chuyện nội trợ, anh lo việc đồng áng. Vào mùa vụ, chị thức sớm tất bật cơm nước cho thợ thầy. Tuy vất vả và không có đồng ra đồng vô như lúc bán tạp hóa nhưng lòng chị rất hạnh phúc bởi được chồng yêu thương. Nhưng rồi sống với nhau được bốn năm mà vẫn chưa có con, cha mẹ chồng cứ thở dài thườn thượt mỗi khi có đứa trẻ nào đến nhà chơi. Chồng bắt đầu rượu chè, lạnh nhạt với vợ. Rồi hẹn hò với một phụ nữ khác. Và chị quyết định ly hôn khi tình cờ thấy người phụ nữ đó ôm lưng chồng mình trên xe máy...
Họ ra tòa ly hôn và do không ĐKKH nên không được pháp luật công nhận là vợ chồng mặc dù cả hai có tổ chức lễ cưới rình rang và sống chung với nhau gần năm năm. Vì vậy, tòa án tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng. Đến phần chia tài sản thì chuyện đời đắng chát. Nhà cửa của cha mẹ chồng.
Năm công đất mua được trong thời kỳ hôn nhân cũng chỉ đứng tên chồng và anh nói rằng do chính mình vất vả làm ra nên đất đó là của riêng anh. Anh còn phũ phàng khi nói rằng vợ chẳng làm gì cả, suốt ngày chỉ lo ăn ngủ, bỏ mặc chồng cực nhọc với chuyện đồng áng...
Người vợ không chứng minh được tài sản nào là của mình cả nên chị ra đi tay trắng. Phiên tòa bế mạc, chị thất thểu bước về. Giờ chị mới biết quyền lực của ĐKKH nhưng tất cả đã quá muộn...
Người vợ không chứng minh được tài sản nào là của mình cả nên chị ra đi tay trắng. Phiên tòa bế mạc, chị thất thểu bước về. Giờ chị mới biết quyền lực của ĐKKH nhưng tất cả đã quá muộn...
2. Yêu nhau được gần hai năm, anh ngỏ lời cầu hôn nhưng chị còn ngần ngừ bởi sợ tính anh hơi tủn mủn chuyện tiền bạc, nhưng rồi chị chậc lưỡi nghĩ khó mà tìm người toàn diện, anh có nhiều mặt tốt như không cờ bạc, rượu chè, lăng nhăng... Chị đồng ý lấy anh. Lễ cưới được tổ chức khá trang trọng tại nhà hàng.
Sau ngày cưới, hai người ra riêng, mua căn nhà 300 triệu đồng trong con hẻm nhỏ ở TP Cần Thơ, mỗi người hùn một nửa. Sống chung một thời gian, điều lo sợ của chị ngày càng lớn ra. Chị mua đồ ăn hơi dư một chút là anh cằn nhằn, đưa tiền cho chị anh tính từng đồng. Điều chị đau lòng là có lúc anh nghi ngờ chị giấu tiền riêng để đem về nhà mẹ. Ngày càng thấy mệt mỏi và nghĩ không thể chung sống với nhau được nữa nên chị đề nghị ly hôn.
Tại phiên tòa không khí khá ngột ngạt khi đến phần chia tài sản, người chồng rất rạch ròi, chi li. Đồ đạc trong nhà như tivi, tủ lạnh... anh đều đòi liệt kê tính giá rồi chia đôi, không sót một món. Nhưng điều chị không thể ngờ nổi là anh lật lọng, nói ngôi nhà là tài sản riêng của anh. Anh đưa ra bằng chứng ngôi nhà đứng tên mình và mua trước thời kỳ hôn nhân. Đến lúc này chị mới nhớ ra do bận rộn nên sau khi tổ chức lễ cưới gần ba tháng chị và anh mới đi ĐKKH, mà theo Luật hôn nhân và gia đình thì thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, tính từ ngày ĐKKH đến ngày chấm dứt hôn nhân.
Căn nhà không được xem là tài sản chung bởi nó đã được mua trước ngày ĐKKH gần hai tháng và do anh đứng tên. Ngoài ra không có giấy tờ gì để chứng minh chị đã đưa 150 triệu đồng cho anh mua nhà. Vì vậy tòa án tuyên căn nhà là của anh, còn chị mất trắng...
Tình ngay nhưng lý không ngay Bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng, phó chánh án TAND Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cho biết: Trong số các cặp không ĐKKH thì nông dân, công nhân chiếm 60%, còn lại là giới công chức, buôn bán... Nguyên nhân họ không ĐKKH là do không biết luật, hoặc biết luật nhưng làm mất hộ khẩu, mất giấy chứng minh nhân dân rồi làm biếng làm lại... Còn công chức biết luật nhưng có trường hợp do cha mẹ một bên không chấp nhận hôn sự vì không môn đăng hộ đối nên họ chỉ làm đám cưới chứ không ĐKKH. Việc không ĐKKH sẽ gây thiệt thòi cho các đương sự, nhất là phụ nữ. Bởi không ĐKKH thì không được pháp luật công nhận là vợ chồng cho dù lễ cưới có tổ chức rình rang đến mấy. Chẳng hạn khi có người thứ ba chen ngang vào chuyện tình cảm của hai vợ chồng thì người vợ không có quyền ngăn cấm bởi trên mặt pháp lý người vợ và người phụ nữ này đều như nhau. Ngoài ra, do phụ nữ thường làm công việc nội trợ nên khi ly hôn tài sản riêng không có, vì vậy bao nhiêu năm đầu tắt mặt tối lo chuyện bếp núc, cuối cùng chỉ có đôi bàn tay trắng với một sức khỏe giảm sút...
Vì vậy, nên ĐKKH để được pháp luật bảo vệ, tránh chuyện tình ngay nhưng lý không ngay và những thiệt thòi khác. Mặt khác, việc ĐKKH sẽ tạo tâm lý nghiêm túc, ràng buộc về mặt pháp lý khiến cả hai thấy mình phải sống có trách nhiệm hơn đối với người bạn đời. |