Đặc sản nửa triệu đồng/kg khiến nhiều chị em sợ hãi nhưng khi ăn ai cũng mê
Rươi đất là loài động vật không xương sống, sinh sôi ở vùng nước lợ và cũng là loại đặc sản được nhiều người săn lùng.
Rươi được người dân gọi với tên khá thú vị: "rồng đất" - là loài động vật có giá trị dinh dưỡng cao, giàu đạm lại vô cùng sạch và từ nhiều năm nay trở thành đặc sản khiến giới nhà giàu săn lùng mua bằng được những dịp cuối năm.
Video: Cận cảnh đặc sản "rồng đất"giá nửa triệu đồng/kg khiến nhiều người săn đón.
Ở miền Bắc, rươi ngon và đạt chất lượng cao nhất phải kể đến rươi An Định (xã An Thanh - huyện Tứ Kỳ - Hải Dương). Theo những thương lái nhiều năm kinh doanh mặt hàng này cho biết, rươi An Định thường có màu hồng, to, béo, nhiều bột... Chính những điều đó đã khiến giá rươi tại An Định luôn có giá cao nhất, dao động từ 450-550 ngàn đồng/kg.
Khoảng 4-5 năm trở lại đây, tại thôn An Định có khoảng 80 hộ gia đình đã chuyển đổi diện tích trồng lúa sang làm rươi, tạo môi trường tốt nhất để rươi sinh sôi, nảy nở.
Điều đặc biệt nhất đối với loại đặc sản này là chỉ sinh sống ở môi trường sạch hoàn toàn, không bị ô nhiễm. Người dân không hề phải chăm sóc, không phải cho ăn, chỉ cần cải tạo mặt nước tạo môi trường tốt nhất để rươi sinh trưởng.
Từ nhiều năm nay, rươi được biết đến là một loại đặc sản xuất hiện nhiều nhất tại huyện Tứ Kỳ. Dù mỗi kg bán ra với mức giá từ 450-550 ngàn đồng/kg nhưng các thương lái tranh nhau mua và mang đi bán khắp nơi.
Theo những người nông dân tại đây cho biết, rươi là loài động vật không xương sống, sống trong môi trường nước lợ, sạch và không cần phải chăm sóc, cho ăn. Người dân chỉ tạo môi trường tốt nhất cho rươi sinh trưởng.
Các ruộng, đầm tại đây phụ thuộc vào con nước lên/xuống của thủy triều, vì vậy khi đến dịp thu hoạch, người dân canh nước, tháo cống rồi dùng lưới chặn bắt rươi dễ dàng.
Nước chảy, rươi sẽ theo con nước di chuyển và chui vào túi lưới, người dân chỉ việc đưa hàng chục kg rươi từ trong túi ra.
Trao đổi với chúng tôi, chị Phan Thị Ly cho biết: "Cứ tầm 6-7 phút là phải mở túi ra đưa rươi lên kẻo rươi bị ngạt".
Rươi được đổ ra những chiếc thau lớn, với trọng lượng khoảng 27-30 con/lạng khiến rươi An Định luôn được hàng trăm thương lái từ khắp nơi săn đón.
Trao đổi với chúng tôi, anh Phạm Văn Điệp cho biết: "Gia đình tôi có 6 sào mặt nước, dự tính năm nay thu hoạch khoảng 80kg rươi, giá đổ buôn cho các thương lái là 460 ngàn đồng/kg".
Sau khi các thương lái thu mua sẽ vận chuyển lên Hà Nội, các nhà hàng nổi tiếng và thị trường tiêu thụ nhiều nhất là Trung Quốc.
"Gia đình nào ít thì vài sào, mang lại thu nhập ngót 100 triệu, nhưng cũng có những gia đình thu về vài tỷ đồng là chuyện bình thường", một người dân cho biết.
Việc rươi bất ngờ xuất hiện tại An Định nhiều năm nay khiến người dân xem đây như là "lộc trời" nên gần như hàng trăm ha trước kia từng trồng lúa đã được cải tạo làm nơi cho rươi sinh trưởng.
Nhìn những hình ảnh này nhiều người khá sợ hãi và liên tưởng đến loài đỉa, tuy nhiên rươi chứa nhiều chất béo, chất đạm và bổ dưỡng. Các món ăn ngon người dân có thể chế biến từ rươi gồm: Chả rươi, nem rươi, rươi kho nồi đất, mắm rươi, rươi rang muối, rươi cuốn lá lốt...
Sau khi vớt rươi lên người dân treo rươi trên những chiếc túi lưới lớn nhằm loại bỏ nước trước khi đưa lên cân trọng lượng.
Do giá cao nên khi đặt lên cân tính trọng lượng những người nông dân phải cẩn thận cân thật đúng, thậm chí bỏ ra/cho vào 1-2 con.
Để rươi được tươi sống, thương lái phải có những chiếc thùng xốp chuyên dụng đựng rươi thế này để bảo quản được lâu. Trao đổi về điều này, bác Phạm Văn Khi (56 tuổi) cho hay: "Rươi là động vận không xương sống, sống được lâu nhưng nếu không bảo quản cẩn thận rươi chết khi đó ăn sẽ không ngon".
Những ngày này, các xe ô tô tải, xe con từ khắp nơi đổ về Tứ Kỳ để "săn rươi". Hầu hết tất cả các đầm đều được các thương lái "xí chỗ" từ nửa năm trước.
Mỗi tạ rươi có giá trị khoảng 45 -55 triệu đồng, mỗi ngày các hộ gia đình có thể bỏ rúi từ vài chục triệu đến vài tỷ đồng nhờ tháo nước bắt rươi.