Đã xấu lại còn mất nết

Hoàng Anh ,
Chia sẻ

Thấy em dâu ngỗ ngược, Thúy to tiếng hơn: “Mợ thật quá quắt! Ông bà ở với vợ chồng mợ, lo cho con cái mợ mà mợ nói thế rồi dạy con nói thế à?”. Cứ lời qua tiếng lại như thế, Hiền một mình mà gào thét át cả 4 người còn lại.

Minh làm lái xe trong quân đội, công việc thường xuyên phải xa nhà. Lấy Hiền, một cô giáo. Cứ tưởng người con gái ngày ngày đi dạy chữ, dạy người ấy sẽ giúp anh vun vén gia đình, chăm sóc 2 ông bà, và nuôi dạy 2 đứa con nhỏ nên người trong những lúc anh công tác xa nhà. Nào ngờ, tất cả chỉ là mộng!

Người con gái ấy không có một ngoại hình bắt mắt như nhiều cô gái “tương tư” Minh. Thấp, gầy gò, mặt không đẹp. Lúc dẫn về ra mắt gia đình, ai cũng phản đối vì Minh đẹp trai ngời ngời thế kia. Đành rằng lúc này yêu nhau thế, nhưng sau này sống với nhau rồi, có nhiều mối quan hệ khác Minh lại bồ bịch thì làm khổ con gái nhà người ta. Ông bà Đoan hiền lành chất phác, cũng chỉ vì nghĩ cho hạnh phúc hai đứa, nghĩ cho Hiền nên mới khuyên Minh thế. Nhưng Minh cố gắng thuyết phục, rằng “chúng con yêu nhau thật lòng, cô ấy hiền lành, lại là giáo viên, sau này việc dạy dỗ con cái cũng thuận tiện”. Ông bà nghe thế, rồi lại thương thương cái bề ngoài không lấy làm đẹp đẽ gì của Hiền nên đồng ý cho 2 đứa làm đám cưới.

Những ngày đầu sống với nhau, Minh hạnh phúc với người vợ mặc dù không xinh đẹp nhưng lại thảo hiền, ngoan ngoãn. Bố mẹ Minh nghĩ lại cũng thấy cái ác cảm ban đầu của họ với Hiền dường như có vẻ vô lý.

Rồi đợt nghỉ phép cũng hết, Minh về doanh trại, Hiền lại sống cùng với bố mẹ chồng. Cũng chẳng có điều tiếng gì xảy ra, vì ông bà Đoan là người hiền lành, chứ không xét nét con dâu như nhà người khác. Thi thoảng, bà Đoan thấy con dâu xách túi hoa quả, bánh trái vào phòng riêng, rồi cũng chẳng thấy mang ra mời ông bà. Bà Đoan nghĩ ngợi, rồi lại lẩm nhẩm “chắc mắt mình kèm nhèm nên nhìn nhầm, chứ làm gì có chuyện nó “ăn mảnh” với bố mẹ”.
 

Lương tháng của giáo viên với bộ đội thì không nhiều nhưng cũng không đến nỗi đói kém. Vậy mà bữa ăn của 2 ông bà với một cô con dâu lúc nào cũng như nhà túng thiếu. Độc có một món rau canh, rồi khi cải thiện thì được vài miếng đậu phụ, lúc vài con cá khô cong. Thôi thì con dâu được nết tiết kiệm tiền nuôi con, ông bà già rồi cũng không đòi hỏi. Nhưng nghĩ đến cảnh dọn cơm ra, con dâu kéo mấy đĩa thức ăn về phía mình rồi gắp lấy gắp để cho vào bát mình và hai đứa con cho đến khi sạch đĩa còn ông bà thì bỏ mặc, bà Đoan không khỏi nghĩ ngợi…

Thi thoảng Minh có đợt nghỉ phép về nhà. Lúc ấy, con dâu bà thay đổi hoàn toàn. Nàng trở thành vợ hiền dâu thảo. Minh hạnh phúc và tin tưởng rằng mình không nhầm khi lấy Hiền làm vợ. Bà Đoan không muốn nhà cửa ầm ỏm lại càng không muốn con trai phải lo nghĩ nhiều nên cũng không nói gì với Minh.

Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Hiền sinh bé Thảo. Từ ngày sinh con, Hiền thản nhiên dành việc nhà cho… mẹ chồng. Khi phải dọn dẹp nhà cửa, thì Hiền tỏ rõ thái độ bực tức với bố mẹ chồng. Hiền quăng cái này, ném cái kia, rồi lẩm bẩm những câu đủ để ông bà nghe thấy: “Ở nhà suốt ngày mà có cái nhà cũng không thèm dọn dẹp. Già rồi chứ có phải mấy đứa trẻ ranh đâu mà bừa bãi”, rồi “Chỉ được cái thêm việc cho người khác là giỏi, tôi sắp thành con ở cho cái nhà này rồi”. Ông bà nghe mà tủi thân. Nào có phải ông bà chỉ ngồi chơi xơi nước đâu. Việc nào cũng đến tay. Quét dọn, đi chợ, nấu nướng. Con dâu về chỉ việc dọn cơm ra ăn. Có khi chẳng những hai đứa nhỏ mà cả Hiền cũng bày bừa ra, khổ cho bà Hiền có đau, có ốm cũng gắng dậy mà dọn dẹp.

Cũng chẳng hiểu oan gia ngõ hẹp thế nào mà Hiền lại ghét ông bà ra mặt. Dù ông bà cũng chẳng động chạm gì đến cô con dâu này cả. Hay chỉ cái sự tồn tại của hai cái bóng già nua này cũng đủ làm cho con người có học thức ấy phải nổi cơn điên rồi? Hai đứa bé học mẹ cũng mất nết, ghét ông bà ra mặt.

Nghĩ cho hạnh phúc gia đình nên ông bà cũng gắng chịu, không dám nói ra ngoài. Ông bà vẫn nghĩ có ai vạch áo cho người xem lưng, chứ đâu nghĩ rằng “dạy” dâu sớm ngày nào hay ngày ấy.
 

Một hôm, Thúy và Hòa là chị chồng của Hiền về thăm bố mẹ. Bốn người đang cười đùa vui vẻ thì thằng bé Phong - con của Hiền và Minh chạy đến đòi ông nội dẫn đi chơi. Ông đang bị đau chân nên không dẫn được thằng bé đi. Thằng bé lăn ra giữa nhà làm loạn cả lên: “Mẹ cháu nói chả sai! Ông đúng là chẳng làm được việc gì cả, chỉ vô tích sự thôi!”.

“Cái thằng bé này! Ai dạy cháu ăn nói hỗn láo như thế! Mau xin lỗi ông đi!”, Thúy quát và chưa hết sững sờ trước thằng cháu mới có 5 tuổi.

Vừa lúc đó thì Hiền từ nhà trong đi ra, lớn tiếng: “Phong! Phải mấy người mới dạy được mày hả con? Mình mẹ mày chưa đủ à? Đúng là vô tích sự, chỉ khổ con này thôi!”. Thấy em dâu nói hỗn, Hòa hỏi lại không hết ngạc nhiên. Từ trước giờ có ai biết nàng dâu này quá quắt thế đâu: “Mợ Hiền, mợ nói ai vô tích sự?”.

“Chị cũng không cần quan tâm làm gì cả. Em nói một số người suốt ngày chỉ biết ăn không ngồi rồi làm nhọc xác người khác”. Nói rồi Hiền đưa ánh mắt nhìn liếc xéo về phía ông bà Đoan.

Thấy em dâu ngỗ ngược, Thúy to tiếng hơn: “Mợ thật quá quắt! Ông bà ở với vợ chồng mợ, lo cho con cái mợ mà mợ nói thế rồi dạy con nói thế à?”. Cứ lời qua tiếng lại như thế, Hiền một mình mà gào thét át cả 4 người còn lại. Thấy bố mẹ bị xúc phạm, ức chế quá nên Hòa có đẩy vào người Hiền bảo Hiền sống cho tử tế. Chẳng ngờ nàng dâu bù lu bù loa lên: “Ối giời ơi! Cả nhà nó đánh tôi. Còn đứa nào không thì gọi nó ra đây! Để tôi gọi công an thì các người đi tù một thể!”, rồi Hiền lăn vào túm tóc bà chị chồng này, xé áo bà chị chồng kia…

Minh được gọi về. Cháy nhà mới ra mặt chuột. Anh không ngờ mình đã cưới phải một người đàn bà đã xấu lại còn mất nết như thế. Hiền còn ngang nhiên chia đôi nhà vì: Hai ông bà ấy không bỏ xu nào xây căn nhà đó nên không có quyền ở”. Đến nước này Minh chỉ còn nước đi cho biệt tăm tích…

Chia sẻ