Cứu sống trường hợp mắc tai biến sản khoa hiếm gặp
Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang vừa cấp cứu thành công trường hợp 38 tuổi mắc hội chứng HELLP, cứu sống sản phụ và bé gái.
Các bác sĩ Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang vừa cấp cứu thành công trường hợp 38 tuổi mắc hội chứng HELLP, cứu sống sản phụ và bé gái có cân nặng 1.500 gram. Đây là biến chứng của tiền sản giật nặng.
Sản phụ Bùi T.V. (38 tuổi, trú tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) mang thai thai 31 tuần, nhập viện trong tình trạng huyết áp cao 230/140mmHg, phù 2 chân.
Sản phụ được chẩn đoán là mắc hội chứng HELLP. Bệnh nhân có tiền sử mang thai con lần thứ 5 (4 lần trước đều lưu thai ở tháng 6, 7 hoặc sinh cực non yếu và hiện tại chưa được bé nào).
Ngay khi tiếp nhận, các y bác sĩ sử dụng thuốc hạ áp để kiểm soát huyết áp, dự phòng cơn sản giật và làm tối khẩn cấp các xét nghiệm cần thiết.
Qua xét nghiệm, các bác sĩ xác định sản phụ mắc hội chứng HELLP và đã có biến chứng vô niệu, đặc trưng bởi các triệu chứng tan máu nặng, men gan tăng cao, số lượng tiểu cầu giảm mạnh, nước tiểu có nhiều protein.
Sau khi hội chẩn nhanh, các bác sĩ chỉ định bệnh nhân mổ khẩn cấp, hồi sức tích cực, hạ huyết áp.
Ca phẫu thuật thành công, bé gái có cân nặng 1.500 gram chào đời, trẻ sinh non yếu nên được chăm sóc đặc biệt.
Sau 9 ngày, sức khỏe sản phụ dần hồi phục, huyết áp được kiểm soát tốt, các xét nghiệm cải thiện dần về giá trị bình thường, vết mổ khô. Chị V. hiện đã được xuất viện. Con gái chị V. cũng đã qua cơn nguy kịch, sức khỏe tiến triển tốt và tiếp tục được điều trị, chăm sóc.
BSCKII Lê Minh Hải – Phó Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết: Hội chứng HELLP là một biến chứng sản khoa rất nguy hiểm của bệnh lý tiền sản giật với tỷ lệ tử vong mẹ và bé cao. Do vậy, việc khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín là vô cùng cần thiết.
Đặc biệt, trong quý I thai kỳ, sản phụ cần được làm xét nghiệm tầm soát nguy cơ tiền sản giật. Từ đó, nhằm phát hiện những trường hợp có nguy cơ tiền sản giật để theo dõi, xử trí kịp thời và đúng cách, giúp bảo vệ an toàn “mẹ tròn con vuông”.