"Cuộc sống một mình nhưng tinh tế": Khái niệm sống của phụ nữ Hàn để thoát khỏi sự ám ảnh "Địa ngục Joseon" và những tiềm tàng hiểm nguy khi về già
Ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc gạt bỏ suy nghĩ về hôn nhân, thậm chí đến hẹn hò cũng cảm thấy rất phiền phức.
"Khi nào bạn sẽ kết hôn?".
Kiểu quan tâm "đau đầu" này không chỉ là cơn ác mộng đối với các cô gái Hàn Quốc mà còn là sự ám ảnh kinh hoàng lên những người đến tuổi cặp kê. Và sự quan tâm đó dần trở thành gánh nặng với thế hệ trẻ, ngày càng nhiều thanh niên Hàn Quốc gạt bỏ suy nghĩ về hôn nhân, thậm chí đến hẹn hò cũng cảm thấy rất phiền phức.
Theo khảo sát, 40% thanh niên Hàn Quốc trong độ tuổi từ 20 đến 30 không muốn yêu đương vì lý do kinh tế.
Ondo là một nhân viên văn phòng bình thường ở Hàn Quốc. Năm nay Ondo 29 tuổi, cao 1m63, độc thân và sống một mình trong căn hộ thuê rộng khoảng 20 mét vuông ở Seoul (Hàn Quốc).
Nhưng, trên mạng cô là một vlogger với gần 1 triệu lượt theo dõi. Vlog, có nghĩa là Video và Blog, chính là viết blog (nhật ký) bằng video. Và một vlog của Ondo có nội dung như thế này:
Mỗi sáng sớm cuối tuần, Ondo dậy muộn và tự nấu mì.
Đến buổi trưa, cô đến Chợ Dongdaemun mua một vài xấp vải.
Sau khi về nhà, Ondo bắt đầu may chúng thành một chiếc túi nhỏ.
Từ đầu đến giây cuối cùng của video, Ondo không hề lộ diện. Nhưng video tưởng chừng rất "nhạt nhẽo" như thế lại có hơn 1,1 triệu lượt xem.
Rất nhiều cô gái Hàn Quốc giống như Ondo đã trở thành vlogger nổi tiếng bằng cách chia sẻ "cuộc sống một mình nhưng tinh tế". Ăn uống được xem là thể loại hấp dẫn nhất của "cuộc sống một mình nhưng tinh tế".
Nhiều vlogger khác lại chọn hướng giới thiệu cách trang điểm, cách chọn quần áo, giày dép, túi xách hoặc chia sẻ về một sản phẩm vừa ra mắt hay một quan điểm nào đó.
Sự nổi tiếng của những vlogger như Ondo không phải là ngẫu nhiên, bởi có hàng nghìn hàng triệu phụ nữ Hàn Quốc không muốn kết hôn và yêu thích trải nghiệm "cuộc sống một mình nhưng tinh tế" như vậy.
Cuộc sống một mình nhưng tinh tế
Trên thực tế, tỷ lệ dân số độc thân ở Hàn Quốc đã tăng gấp 8 lần sau 30 năm, số người chưa kết hôn chiếm đến 40% tổng dân số, thậm chí vượt qua cả Nhật Bản, đứng đầu trong số 34 quốc gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh Tế (OECD).
Trong nhiều báo cáo, nguyên nhân chính dẫn đến sự lan tỏa của "cuộc sống một mình nhưng tinh tế" xuất phát từ áp lực sinh tồn từ "Địa ngục Joseon".
"Địa ngục Joseon" là một thuật ngữ châm biếm ở Hàn Quốc, phổ biến từ năm 2015 và được dùng để chỉ trích thực trạng kinh tế xã hội ở đất nước này. Với giới trẻ Hàn Quốc, "Địa ngục Joseon" ám chỉ về tình trạng thất nghiệp và điều kiện làm việc trong xã hội hiện đại.
Vào tháng 8/2018, tỷ lệ thất nghiệp ở những người trẻ từ 15 - 29 tuổi ở Hàn Quốc cao đến 10%, chỉ đứng sau tỷ lệ thất nghiệp trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1999. Nói cách khác, cứ 10 thanh niên Hàn Quốc sẽ có 1 người thất nghiệp.
Tuy nhiên, gần một nửa trong số 9 người may mắn kia lại làm những công việc phi chính thức (là những công việc không được pháp luật lao động bảo vệ, không phải đóng thuế thu nhập hoặc không được hưởng các chế độ bảo trợ xã hội và chế độ việc làm khác).
Những người trẻ tuổi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc ổn định thì làm sao dám nghĩ đến những kế hoạch đắt đỏ như yêu đương, hẹn hò, kết hôn hay mua xe mua nhà.
Kết quả là, như các quân cờ Domino, từng thanh niên Hàn Quốc bước vào "cuộc sống một mình nhưng tinh tế" trong những căn hộ thuê. Nhưng, có đến 70% trong số 2100 người độc thân ở Hàn Quốc hài lòng với hiện trạng này.
"I Live Alone" là một chương trình thực tế nổi tiếng ghi lại "cuộc sống một mình nhưng tinh tế" của những người nổi tiếng. Trong một tập chương trình, Hwasa (thành viên nhóm nữ Mamamoo) thường xuyên mặc đồ ngủ rộng thùng thình, không trang điểm hay mặc áo lót, và nằm ngủ nướng trong những ngày không phải làm việc. Hwasa chia sẻ: "Tôi dường như rất thích cách sống thế này, làm bất cứ việc gì khi ở nhà".
Năm 2018, khoảng 2,84 triệu phụ nữ ở Hàn Quốc chọn cuộc sống một mình, chiếm 11% tổng số phụ nữ ở đất nước này. Với tốc độ đó, đến năm 2035, cứ 3 phụ nữ sẽ có 1 người chọn sống một "cuộc sống một mình nhưng tinh tế".
Trên thực tế, với sự cải thiện trình độ học vấn và sự độc lập về kinh tế của người phụ nữ Hàn Quốc đã khiến nhu cầu kết hôn của họ giảm dần. Hôn nhân không còn là thứ cần thiết mà chỉ là một trong những sự lựa chọn trong đời.
Một công ty mai mối nổi tiếng ở Hàn Quốc đã thực hiện một cuộc khảo sát và kết quả cho thấy đến 82,6% phụ nữ tin rằng thời gian sống một mình là khoảng thời gian hạnh phúc và thoải mái nhất.
Nền tảng dịch vụ mang đi cũng giúp những người đang sống một mình càng thuận tiện hơn. Theo thống kê, có khoảng 5,6 triệu người Hàn Quốc ăn uống một mình trong khoảng thời gian dài.
Nhưng những nguy hiểm tiềm ẩn vẫn tồn tại...
Những người đang theo đuổi "cuộc sống một mình nhưng tinh tế" dễ trở thành mục tiêu của bạo lực tình dục và các dạng tội phạm khác. Chính cô vlogger trẻ tuổi Ondo cũng chia sẻ kinh nghiệm sống của mình: "Mỗi lần có chuyển phát nhanh hoặc gọi đồ ăn về, tôi sẽ yêu cầu shipper để mọi thứ ở trước cửa rồi rời đi". Vì lý do bảo mật, Ondo cũng hiếm khi lộ mặt trên nhiều nền tảng xã hội.
Khi tuổi tác tăng lên, những lo lắng của người phụ nữ sống một mình cũng tăng lên. Điều đầu tiên cần được xem xét là vấn đề chăm sóc người cao tuổi. Theo điều tra của chính quyền Seoul, chỉ có 36,9% phụ nữ ở độ tuổi 40 -50 chuẩn bị nghỉ hưu. Hơn 80% số người được phỏng vấn cho biết họ không thể chi trả các khoản chi phí về già do tình hình kinh tế hiện tại.
Thêm vào đó, chính sách phúc lợi và hệ thống bảo hiểm y tế của Hàn Quốc chỉ thiết kế cho các gia đình, bỏ qua nhu cầu của những người độc thân. Một người chia sẻ: "Nếu tôi cần làm phẫu thuật, chỉ cần thành viên trong gia đình ký xác nhận là được. Nhưng người bạn thân mà tôi tin tưởng nhất lại không có quyền làm điều này".
Chính vì thế, Kim Hyun Joo, một phụ nữ 39 tuổi, đã lập nhóm nhỏ những phụ nữ độc thân hỗ trợ lẫn nhau khi khó khăn.
Rất nhiều người cao tuổi ở Hàn Quốc e ngại về chủ nghĩa cá nhân của thế hệ thanh niên ngày nay: "Tôi có 3 người con gái nhưng không ai đồng ý kết hôn hoặc sinh con. Nếu cứ thế này mãi thì Hàn Quốc sẽ biến mất".
Nhưng lập luận trên lại không thể thuyết phục nổi những người trẻ tuổi lớn lên trong "Địa ngục Joseon". Các chuyến tàu điện ngầm vẫn đầy những vết giày cao gót của các cô gái độc thân. Hằng ngày khi trở về nhà, sau khi dọn dẹp nhà cửa họ lại chuẩn bị bữa ăn ngon lành chỉ dành cho một người.
Nguồn: Zhihu, Baidu, Renjian, QQ