Ra mà xem họ yêu nhau "kì diệu" thế này đây: Hơn 60 năm vẫn coi vợ như em bé, không chịu ngủ 1 mình, nằm viện cũng phải "facetime" mới ăn ngon
"Có đợt ông thiếu ngủ quá, mọi người bảo ông lên lầu ngủ cho khỏe, dì mình ngủ với bà ngoại nhưng bà nằng nặc không chịu vì: 'Sao bỏ ba mày trên đó một mình ông ấy lạnh đó'", Thái Ngân kể.
Những câu chuyện tình yêu "yêu đến bạc đầu" luôn mang đến cho người ta thật nhiều cảm xúc. Những người có tuổi yêu nhau, đến bên nhau từ cách đây cả nửa thế kỷ rồi gắn bó đến lúc mái đầu đã bạc trắng.
Cuộc hôn nhân đến từ một giấc mơ
Mấy chục năm, tình cảm ấy vẫn không đổi thay, luôn mặn nồng, son sắt. Đó cũng là câu chuyện do cô gái Thái Ngân chia sẻ về ông bà mình. Hơn 65 năm là vợ chồng, ông bà Ngân luôn khiến con cháu xúc động vì sự yêu thương dành cho nhau.
Ông ngoại Ngân tên Lê Văn Tể, 86 tuổi. Bà là Phan Thị Điệp, 85 tuổi. Ông bà hiện sinh sống tại huyện Tri Tôn, Tỉnh An Giang.
Hiện tại, ông bà đều đã già không kể được nhiều cho con cháu chuyện ngày xưa. Thế nhưng Ngân vẫn được biết về cơ duyên hai ông bà đến với nhau.
Ngày đó, ông bà là người chung làng, có quen biết. Bà ngoại cô sinh ra trong gia đình giàu có, có của ăn của để. Một lần, cụ ngoại nằm mơ. Không rõ giấc mơ là gì song sau khi tỉnh dậy, cụ quyết định hỏi cưới con gái cho chàng trai Lê Văn Tể. Vậy là từ một giấc mơ, tiểu thư nhà giàu nghiễm nhiên có chồng.
Vào thời đó, hôn nhân vẫn thường diễn ra nhanh chóng như vậy, cả hai cảm thấy thích hợp, gia đình ưng đối phương thì đến với nhau thôi.
Ông bà Tể hiện tại đã già, chẳng nhớ rõ đám cưới vào năm bao nhiêu. Tuy vậy, con đầu của họ hiện tại 65 tuổi nên con cháu cho rằng họ bên nhau đã hơn 65 năm rồi.
"Ngày cưới nhau còn chiến tranh nên ông bà cực khổ lắm. Ông bà sinh 9 người con, mẹ mình là Út, sinh năm 1973 đấy. Gia đình ông bà bán nước mía, bánh lọt để kiếm tiền nuôi nấng các con. Cuộc sống những ngày đó khó khăn vô cùng", Thái Ngân kể.
Tuy vất vả là vậy nhưng hai vợ chồng ông bà ngoại Ngân vẫn luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Đặc biệt nhất là sự chiều chuộng của ông dành cho bà ngần ấy năm không đổi.
"Từ ban đầu, ông đã chiều chuộng bà, sau này còn chiều hơn. Cả nhà ông kiên nhẫn với bà nhất, lúc nào cũng quấn quýt không rời", Ngân nói thêm.
Sau này, ông bà Ngân mở tiệm kim khí kinh doanh, cuộc sống khấm khá hơn. Họ và 9 người con cũng nhờ đó có cuộc sống đủ đầy. Gắn bó với công việc mấy chục năm, ông bà Ngân về hưu, để tiệm kim khí họ gắn bó cho bố mẹ Ngân kinh doanh.
65 năm vẫn xem vợ như em bé để yêu thương
Ngân kể: "Bây giờ ông bà già yếu lắm rồi, ông vẫn chăm bà cẩn thận lắm. Bà quên và lẫn nhiều, tên con cháu cũng hay quên. Mỗi lần thấy vợ quên gì là ông lại đứng kế bên nhắc, giải thích đủ thứ. Thậm chí bà xem Tivi không hiểu gì, xem 5 phút sau là quên, ông ngoại lại giải thích chút một để bà nghe".
Bà Ngân ốm yếu, một tay ông ngoại chăm sóc, xoa bóp. Cứ chiều chiều, khi ăn cơm tối xong là ông lấy thuốc, lấy nước để vợ uống. Ông cũng chẳng nề hà gì từ chuyện bóp chân cho vợ, tỉ mẩn chăm sóc hay kể các câu chuyện hài hước để vợ vui vẻ hơn.
Ngân tâm sự: "Có nhiều lúc ông chiều bà quá đến con cháu cũng 'bó tay'. Ví dụ như mọi người đưa bà đi khám. Ông cũng đi theo bà luôn. Đến bệnh viện bà lại muốn về, không muốn vào khám nữa. Dỗ dành không được, ông chiều luôn, bảo mọi người đưa bà về. Cứ làm điều gì khiến cho bà không vui là ông không thích. Ý ông đã quyết chắc chỉ có bà mới thay đổi được thôi".
Ở tuổi 86, ông ngoại Ngân cũng yếu và hay bệnh. Thế nhưng ông chưa bao giờ muốn nằm viện, đau thì chích thuốc rồi đi về nhà vì sợ vợ mong. Có lần ông đau ốm quá phải nhập viện, bà ngoại không biết nên cứ liên tục hỏi thăm chuyện ông đi đâu.
"Bữa đó bà không ăn cơm, cứ hỏi ông hoài, mọi người đút cơm mà bà cũng không ăn nghĩ có gì đó mọi người giấu. Sau đó con cháu cho bà gọi facetime xuống viện với ông. Thấy ông, nghe ông dặn dò, bà đỡ nhớ rồi nên mới ăn uống", Ngân kể thêm.
Hồi còn trẻ, ông bà Ngân vẫn thường đi du lịch cùng nhau. Đến sau này khi bà già yếu thì họ mới cùng nhau ở nhà, không đi đây đi đó nữa.
"Người già hóa trẻ con", bà ngoại Ngân cũng như thế, trong mắt ông ngoại, vợ mình lại càng giống một em bé cần được chăm bẵm, yêu thương. Nhiều lúc ông ngoại cô đạp xe đi chùa Cao Đài, bà không thấy là lại bắt đầu giận dỗi, trách chồng suốt ngày đi chơi.
Ngân nhớ lại: "Bà ốm bệnh vậy nên gia đình mình cũng định mua cái giường giống bệnh viện để bà dễ nằm nhưng bà không chịu. Lúc nào bà cũng muốn nằm ngủ kế ông. Bà tối không ngủ được toàn thức đến sáng, bà gọi rồi hỏi ông đủ thứ.
Ông mất ngủ nặng nhưng vẫn nói không sao vì sợ bà một mình đêm hôm lại buồn. Có đợt ông thiếu ngủ quá, mọi người bảo ông lên lầu ngủ cho khỏe, dì mình ngủ với bà ngoại nhưng bà nằng nặc không chịu vì: 'Sao bỏ ba mày trên đó một mình ông ấy lạnh đó".
Từ những chuyện nho nhỏ, ai cũng biết được rằng tình cảm của ông bà Ngân vô cùng thắm thiết, bền chặt và đáng yêu vô cùng. Từ cuộc hôn nhân có được do một giấc mơ đến bây giờ, cặp đôi đã chung sống với nhau hơn 6 thập kỷ. Tình cảm và sự gắn bó của họ chắc chắn là một tấm gương lớn khiến nhiều người nhìn vào rồi mong mỏi được như thế!