Cuộc đời gây tranh cãi của hoàng hậu xinh đẹp ăn chơi phóng túng, được ngưỡng mộ nhưng cũng bị căm ghét

Quỳnh Trang,
Chia sẻ

Cuộc đời của vị hoàng hậu được mệnh danh là hoang phí và phóng đãng nhất nước Pháp này hiện tại vẫn gây nhiều tranh cãi cho nhiều học giả, với nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Marie-Antoinette (1755 - 1793) là hoàng hậu cuối cùng của triều đại quân chủ cuối cùng trước giai đoạn cách mạng dân chủ Pháp vào thế kỷ 18. Bà là con gái út trong số 16 người con của Hoàng đế Francis I của Đế quốc La Mã Thần Thánh với Hoàng hậu Maria Theresia của Áo. Cuộc đời của vị hoàng hậu được mệnh danh là hoang phí và phóng đãng nhất nước Pháp này hiện tại vẫn gây nhiều tranh cãi cho nhiều học giả, với nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Thời niên thiếu, Marie-Antoinette đã được giáo dục kỹ lưỡng với các môn học nhảy múa, diễn kịch, lịch sử, hội họa, đọc và viết, kiến thức chính trị, toán học và ngôn ngữ. Có một giai thoại về cuộc gặp gỡ giữa Công chúa Marie Antoinette và Mozart, nhạc sĩ Áo thiên tài vào năm 1762, khi cả hai còn là những đứa trẻ. Năm đó, lời đồn về tài năng thiên bẩm giúp Mozart mới 6 tuổi đã được mời lên kinh đô Vienne trình diễn trước văn võ bá quan triều đình Áo. Buổi trình diễn của cậu bé đã khiến toàn thể người dự khán kinh ngạc và nhiệt liệt tán thưởng. Khi được Nữ hoàng hỏi muốn nhận được phần thưởng gì sau buổi biểu diễn, cậu bé Mozart đã đề nghị xin được cưới công chúa Marie Antoinette làm vợ!

1

Quá đỗi bất ngờ và không thể nén cười trước lời thỉnh cầu độc đáo của cậu bé nhạc sĩ thiên tài, Nữ hoàng đành khất: "Ta sẽ xét lại lời thỉnh cầu này khi ngươi đã đủ tuổi trưởng thành" nhưng trong thâm tâm, bà rất tự hào vì dung nhan cô công chúa nhỏ của bà đã trở thành niềm ngưỡng mộ rộng khắp trong nhân gian. Sau này Mozart thường kể lại về hồi ức của mình với trang giai nhân chỉ lớn hơn mình một tuổi và không thể tin được rằng trong tương lai, đó sẽ là một bà hoàng để lại nhiều tai tiếng.

Trong lịch sử hôn nhân chính trị châu Âu, các con của nữ hoàng nước Áo đều phải kết hôn với các vương triều khác, hoàng hậu Maria-Theresia cương quyết nối kết hai dòng vua Bourbon (Pháp) và Habsburger (Áo) với nhau bằng hôn phối giữa con gái bà là công chúa Marie-Antoinette và hoàng thái tử Pháp.
 
Marie-Antoinette, hoàng hậu cuối cùng của nước Pháp.

Chân dung Nữ hoàng Marie Antoinette
 
 Khi Marie Antoinette lớn lên, quan hệ giữa Pháp và Áo hết sức căng thẳng bởi họ muốn giành quyền thống trị Âu châu. Thấy được sự vô nghĩa của cuộc chiến tranh kéo dài này, nữ hoàng Theresa đã nghĩ ra một cách đó là ghép duyên giữa Antoinette và cháu trai của Loius XV, tương lai sẽ là Louis XVI. Khi nàng ra mắt triều đình của Vua Louis XV, nhà vua hết sức tán thưởng vẻ đẹp lộng lẫy và thanh lịch của nàng, không tiếc lời ca ngợi. Nàng trở thành thái tử phi được cả triều đình cũng như người dân Pháp lúc bấy giờ ngưỡng mộ. 
 
Năm 1770, Marie Antoinette chính thức thành hôn, trở thành Thái Tử Phi khi mới 14 tuổi. Pháp lúc này là quốc gia hùng mạnh nhất châu Âu, với cung điện hoàng gia ở Versailes đẹp huy hoàng. Những năm tháng tràn trề sức thanh xuân lại phải ép mình vào bao nhiêu khuôn phép cung đình nghiêm ngặt cùng các phép tắc xã giao, lễ nghi rườm rà kéo dài suốt từ thời vua Louis XIV khiến Marie Antoinette luôn cảm thấy tuổi trẻ phơi phới của mình bị đánh cắp. Hoàng hậu trẻ tuổi không giấu được vẻ mệt mỏi và chán nản với những luật định khắt khe vây bọc lấy địa vị của chính mình.

Cuộc đời nàng lên tới đỉnh cao của danh vọng khi nhà vua qua đời và chồng nàng trở thành Vua Louis XVI vào năm 1774. Marie Antoinette, lúc này chưa đầy 20 tuổi đã chính thức lên ngôi Hoàng hậu nước Pháp.
 
Vẻ xinh đẹp duyên dáng của Marie-Antoinette thuở thiếu thời.
 
Tiếc thay, người con gái được số phận ưu đãi đến như thế lại không được hạnh phúc với cuộc hôn nhân của mình. Trong khi Vua Louis XV, các anh em trai của Louis XVI, và tất cả triều đình đều ngay lập tức ngưỡng mộ vẻ ngoài xinh đẹp và duyên dáng, yêu kiều của Marie Antoinette, thì chồng nàng lại phải mất một thời gian khá dài để hiểu được hết diễm phúc của đời mình. Theo thông lệ, hai người phải động phòng ngay trong đêm tân hôn, nhưng điều này đã không xảy ra, gây tổn hại cho thanh danh của Louis-Augustus và Marie Antoinette trong suốt 7 năm kế tiếp. Marie Antoinette thường xuyên nhận được những bức thư "trách cứ" từ mẹ. Bà thường nhắc nhở con gái vì cô không đủ sức "khơi gợi đam mê" nơi người chồng, khiến nhà vua hiếm khi gần gũi vợ mà dành nhiều thời gian cho những sở thích riêng như chế tạo khóa hoặc săn bắn.Trên thực tế, 7 năm sau đám cưới, vua Louis XVI mới thực hiện bổn phận làm chồng của mình vào ngày 30.08.1777, lúc nhà vua 23 tuổi, và hoàng hậu 22 tuổi. 

Vua Louis XVI trong những ngày huy hoàng
Vua Louis XVI trong những ngày huy hoàng

Để bù đắp cho sự lạnh nhạt của chồng và những nhắc nhở liên tục của mẹ, Marie Antoinette bắt đầu dành nhiều thì giờ hơn cho bài bạc và mua sắm trang phục, chơi bài và cá cược đua ngựa, cũng như những chuyến đi vào thành phố với trang phục luôn thay đổi với giầy, sáp thơm bôi tóc, và phấn hồng. Theo thông lệ, bà có thể tiêu nhiều tiền cho trang phục để nổi bật hơn những phụ nữ khác trong triều, và để trở nên một mẫu mực thời trang tại Versailles. 

Năm 1978, cũng vào tháng 8, triều đình mới thông báo hoàng hậu mang thai đứa con đầu tiên. Sau này, Louis XVI cũng sẽ giống như những người khác, cảm nhận được vẻ đẹp bề ngoài cũng như tính cách của Marie Antoinette, trở thành một người chồng hết lòng tận tụy. Nhưng trong thời gian đầu về làm dâu xứ người, Marie Antoinette phải chịu đựng sự thờ ơ của chính người chồng mình.
 
Marie-Antoinette cùng chồng là vua Louis XVI.
 
Trong khi đó, Marie Antoinette còn phải đối mặt với vai trò và nhiệm vụ nặng nề. Những tháng ngày làm thái tử phi và sau đó là hoàng hậu trẻ là những tháng ngày bất tận trong các nghi lễ cung đình và những quy định, phép tắc xã giao nghiêm ngặt kéo dài suốt từ thời vua Louis XIV. Bà hoàng hậu trẻ tuổi mệt mỏi và chán nản với những yêu cầu và đòi hỏi do địa vị của nàng mang lại. Nàng nhớ tiếc bầu không khí tự do và thoải mái của Triều đình quê hương. Sự buồn chán ấy sẽ kéo theo một loạt những biến cố tiếp sau đó, mà kết thúc sẽ là sự chấm dứt của cả vương triều.

Quá buồn chán và thất vọng, Marie Antoinette tìm cách trốn tránh cuộc hôn nhân thất bại và đời sống tẻ ngắt của cung đình. Hoàng hậu phung phí tiền bạc và không tiếc bạn bè mình các chức vụ trong triều, bỏ qua tất cả những quy định của hoàng gia Pháp. Marie Antoinette buông thả trong cuộc sống thoải mái và xa hoa. Nàng đắm chìm trong những vui chơi của Paris, đánh bạc, nhà hát và những cuộc rong chơi thâu đêm ngoài đường phố, trang hoàng cung điện bằng những khoản kinh phí khổng lồ lấy từ ngân sách trong khi tình hình tài chính của đất nước ngày càng tồi tệ. 

Cùng nàng tham gia những trò chơi này còn có gã em trai nhẹ dạ của Louis XVI là bá tước Artois, những quý ông "rửng mỡ" vung tiền qua cửa sổ như công tước de Ligne, bá tước Dillon, Vaudreuil…

Đám bạn bè và những trò giải trí ngông cuồng của hoàng hậu trở thành sự lãng phí khủng khiếp như chuyện Hoàng hậu có sở thích ngâm mình trong bồn tắm đổ đầy rượu champagne thượng hạng hay chuyện cung điện Petit Trianon được xây theo lệnh hoàng hậu bên cạnh cung điện Versailles.
 
Bức tranh thể hiện lối ăn chơi xa xỉ, vô tội vạ của nàng vương hậu trẻ tuổi. 
 
Sắc đẹp và sự duyên dáng của Marie Antoinette không còn chinh phục được người dân Pháp nữa mà ngược lại, càng ngày họ càng nảy sinh mối ác cảm nặng nề cùng những cáo buộc về cuộc sống xa hoa, phóng đãng của bà. Người dân Pháp cho rằng Marie Antoinette có thiện cảm với những kẻ thù của Pháp, lấy tiền của ngân khố gửi về quê hương, âm mưu giết công tước Orléans và liên quan đến nhiều vụ án khác trong đó có vụ án "Chuỗi kim cương". Mặc dù đây chỉ là một vụ lừa đảo và Marie Antoinette hoàn toàn vô tội nhưng bà vẫn bị gán cho biệt danh "Phu nhân chúa chổm". Và vụ án này cũng chính là nguyên mẫu cho bộ tiểu thuyết trứ danh "Ba chàng lính ngự lâm" của đại văn hào Alexander Dumas. 

Ngoài việc xây dựng ngôi làng Hameau de la reine trong khu vườn của Petit Trianon với nhà nông thôn, trại sữa, máy xay, tháng 8/1784, hoàng hậu đã mua thêm một lâu đài trị giá 6 triệu livre như tài sản thừa kế cho các con khiến nợ nần của nước Pháp càng thêm chồng chất, người dân càng thêm bất bình. Thậm chí, người ta cho rằng Bá tước Axel von Fersen (một trong số những người được đồn là tình nhân của hoàng hậu) mới chính là cha đẻ của đứa con trai thứ hai của bà bởi vì đứa bé chào đời đúng 9 tháng sau khi Fersen đến thăm hoàng hậu khiến thanh danh của bà ngày càng bị tổn hại nghiêm trọng.
 
 Cái tên bá tước Axel von Fersen luôn gắn liền hình ảnh hoàng hậu Marie Antoinette cùng nhiều tai tiếng.
 
Một trong những scandal để đời khác liên quan đến hoàng hậu Marie Antoinette đó là việc bà từng nói: "Nếu họ không có bánh mì để ăn, hãy để họ ăn bánh kem" khi nghe tin những người nông dân chết đói do không đủ bánh mì để ăn. Với câu nói này, hoàng hậu trẻ tuổi đã trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận. Tuy nhiên, một số sử gia cho rằng, hoàng hậu Marie Antoinette không nói câu nói trên. Lời nói của hoàng hậu Marie Antoinette có thể đã bị Jean-Jacques Rousseau sống vào thế kỷ XVIII dịch sai. Một số sử gia khác suy đoán rằng, chủ nhân của câu nói bị chỉ trích trên có thể là Maria Theresa chứ không phải hoàng hậu Marie Antoinette. Maria Theresa là một phụ nữ quý tộc gốc Tây Ban Nha, đã kết hôn với Louis XIV. Mặt khác, một số chuyên gia lại cho rằng, hoàng hậu Marie Antoinette thực sự đã nói câu nói gây tranh cãi trên. Điều này càng khiến hình ảnh của hoàng hậu Marie Antoinette bị ảnh hưởng. 

Tháng 7/1789, Cách mạng Pháp bùng nổ và giành thắng lợi. Ngày 21/1/1793, Louis bị hành quyết. Ngày 14/10/1793, Marie Antoinette bị đem ra xét xử trước Tòa án Cách mạng. Trong số những cáo buộc (hầu hết xuất phát từ những tin đồn) có tội tổ chức những cuộc truy hoan ở Versailles, lấy từ ngân khố hàng triệu livre để gửi sang Áo, âm mưu giết Công tước Orléans, loạn luân với con trai, tuyên bố con trai là vua nước Pháp và tổ chức cuộc tàn sát đội Vệ binh Thụy Sĩ năm 1792. Sáng sớm ngày 16/10/1793, bà bị kết án phản quốc, bị cắt tóc, diễu qua khắp các con đường ở Paris trên một chiếc xe kéo và bị chém đầu tại Quảng trường Cách mạng khi đang ở tuổi 37.
 
Cuộc đời người phụ nữ hồng nhan bạc mệnh kết thúc trong sự tiếc nuối và đẫm máu. 
 
Khi còn sống cũng như sau khi qua đời, Marie Antoinette thường được công luận chú ý và được xem là một nhân vật lịch sử quan trọng. Bà là đối tượng của nhiều cuốn sách, điện ảnh, và các phương tiện truyền thông. Một số học giả quan tâm đến bản tính phù phiếm, nông nổi của bà, xem bà là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc Cách mạng Pháp, trong khi những học giả khác tin rằng bà đã bị đối xử bất công, vì vậy họ dành cho người phụ nữ hồng nhan bạc mệnh này một cái nhìn thiện cảm hơn.
 
Chia sẻ