Cuộc đời bi kịch của Nữ hoàng Anne: 17 lần mất con, bị bệnh tật hành hạ và mối tình đồng tính gây tranh cãi
Trong thời gian trị vì ngắn ngủi, bà đã đưa nước Anh trở thành một quốc gia tôn sùng đạo, hoàn toàn đặt niềm tin vào tương lai “đã được định đoạt từ trước”.
Trang The Daily Beast gần đây có đăng tải một bài viết phân tích khá chi tiết cuốn hồi ký về Nữ hoàng Anne - nhân vật cuối cùng của triều đại Stuart, từng trị vì Vương quốc Anh trong giai đoạn 1702 - 1714. Thời gian cầm quyền của Nữ hoàng Anne chỉ kéo dài 12 năm nhưng rất đáng ghi nhớ, và đánh dấu sự nổi lên của Anh là một vương quốc hùng mạnh nhưng lại chìm đắm trong những cuộc chiến vô tận về tranh quyền đoạt vị ở châu Âu. Hãy cùng tìm hiểu về vị Nữ hoàng đặc biệt này.
Tuổi thơ bất hạnh và mất mát
Anne sinh ngày 6 tháng 2 năm 1665 tại Luân Đôn, là con gái thứ hai của vua James II – Công tước xứ York - anh trai của Vua Charles đệ nhị, cùng người vợ đầu tiên Anne Hyde. Bà là người con cuối cùng trong dòng tộc Stuarts. Mặc dù gia đình của Anne là một tín đồ Công giáo, nhưng từ nhỏ Anne và chị gái Mary của mình đều được hướng theo đạo.
Ngay từ khi còn nhỏ, bà đã phải chứng kiến nỗi đau mất mát khi lần lượt nhiều người thân qua đời. Ban đầu, vào những năm còn nhỏ, Anne được gia đình cho sinh sống với bà ngoại của mình tại Pháp, nhưng đến năm Anne 4 tuổi, bà ngoại của bà qua đời. Sau đó, Anne được dì ruột của mình nuôi dưỡng, nhưng chưa tròn một năm, người dì này cũng qua đời bởi căn bệnh về dạ dày. Năm 1671, không lâu sau khi Anne trở về từ Pháp, mẹ của bà qua đời vì ung thư vú.
Vua James II nhanh chóng tái giá với cô dâu 15 tuổi Maria Beatrice ở Modena. Những năm tháng sau đó, Anne phải sống trong sự thiếu thốn tình cảm của gia đình, vì thực chất sinh ra trong một gia đình cao quý đồng nghĩa với chuyện phải thường xuyên đối mặt với các cuộc tranh quyền đoạt vị, bị xoáy vào những cuộc chiến ngầm giữa những gia tộc với nhau, và cha của Anne cũng thế, ông vì mải mê tìm kiếm quyền lực mà để hai cô con gái của mình chịu cảnh cô đơn, thiếu thốn hơi ấm.
Năm 18 tuổi, Anne được gả cho Hoàng tử George của Đan Mạch như một cuộc hôn phối chính trị như bao cuộc hôn phối khác trong giới quý tộc, hoàng tộc thời đó. Vẻ ngoài lãng tử, đẹp trai nhưng thực chất Hoàng tử George lại là kẻ nát rượu. Vì vậy, những bước tiến quyền lực của anh ta không có gì nổi bật, suốt ngày chỉ biết đắm mình trong rượu chè bê tha.
The History Magazine miêu tả “George là một nhân vật thô lỗ và lố bịch. Ngay cả Vua James II cũng nhận xét rằng khi tỉnh táo, anh ta cũng là một người rỗng tuếch”. Là một cuộc hôn nhân sắp đặt nhưng hai vợ chồng Anne và George khá êm ấm, hòa thuận, không có mâu thuẫn gì khác.
Năm 1685 cha của Anne lên ngôi trở thành Vua của nước Anh sau khi em trai Charles II (tức chú ruột của Anne) của mình thoái vị. Tuy nhiên, chỉ cầm quyền được 3 năm, cha của Anne bị chính con rể và con gái ruột Mary của mình lật đổ, sau đó họ nắm giữ ngôi báu, lên ngôi trị vì Vương quốc Anh. Đến năm 1702, sau cái chết của người anh rể là William và chị gái Mary, bà Anne chính thức trở thành Nữ vương của Anh, Scotland và Ireland ở tuổi 37. Bà cũng là nữ hoàng đầu tiên của Vương quốc Anh.
Tin đồn đồng tính
Xuất phát điểm cho tin đồn đồng tính là tình bạn giữa nữ hoàng nước Anh và Sarah Churchill, nữ công tước xứ Marlborough. Tình bạn giữa Anne và Sarah Churchill cũng được ghi chép lại. Họ luôn thân thiết và sóng bước cùng nhau trong nhiều sự kiện lớn nhỏ của giới hoàng tộc. Đôi bạn còn sử dụng nhiều biệt danh “huyền ảo”. Tuy nhiên, sau này tình cảm của cả hai rạn nứt sau khi có những bất đồng quan điểm về tôn giáo.
Theo Tạp chí History of Royals số 17, khi cả hai trực diện đối đầu nhau, hàng loạt cuốn sách như The Rival Dutchess, Or Court Incendiary (1708), King Abigail: Or, The Secret Reign Of The She-Favourite (1715) và A New Ballad, To The Tune Of Fair Rosamond (1708) ra đời như một lời tuyên bố, nhạo báng, buộc tội Vương triều của Nữ hoàng Anne đồng tính luyến ái. Hành động này là âm mưu hạ bệ uy tín của người đứng đầu. Tuy nhiên, không có bất kỳ lời khẳng định nào về mối quan hệ đồng giới giữa Anne và Sarah Churchill.
17 lần mang thai nhưng không có con nối dõi
Suốt cuộc đời ngắn ngủi, Nữ hoàng Anne phải chịu đựng rất nhiều bệnh tật và những đớn đau hành hạ thể xác. Giáo sư James Anderson Winn (Đại học Boston), tác giả cuốn Queen Anne: Patroness of Arts (Nhà xuất bản Oxford University, năm 2014) cho biết lên 3 tuổi, Anne đã được gửi sang Pháp để điều trị mắt vì bệnh bẩm sinh. Một số nhà sử học đặt giả thuyết rằng bà còn bị trầm cảm sau những mất mát từ nhỏ. Không những vậy, bà còn bị gout và béo phì.
Bệnh tật liên miên khiến Nữ hoàng đầu tiên của nước Anh có sức khỏe rất kém. Từ 1685 đến 1700, bà mang thai 17 lần nhưng có tới 12 người con chết ngay trong bụng mẹ. Năm 1687, hai công chúa sơ sinh tử vong vì bệnh đậu mùa. Hai người con khác chỉ sống được vài phút sau khi chào đời.
Hoàng tử William, niềm hy vọng cuối cùng của bà sống trong cảnh bệnh tật đeo bám. Bẩm sinh hoàng tử bị tràn dịch màng não và co giật. William đã phải chịu nhiều đau đớn về thể xác và không thể đi lại. Đến năm 1700 khi mới 11 tuổi, người con duy nhất của Nữ hoàng Anne trút hơi thở cuối cùng vì bệnh não úng thủy.
Theo History, các chuyên gia y tế hiện đại nghi ngờ Nữ hoàng Anne bị một dạng lupus ban đỏ, gây viêm khớp mạn tính và đau khớp tay, chân. Đây chính là lý do khiến bà sảy thai nhiều lần.
Vào khoảng 7 giờ rưỡi sáng ngày 1 tháng 8 năm 1714, Anne đã qua đời tại Cung điện Kensington vì bệnh tật, cơ thể của bà thậm chí đã béo phì đến mức phải được chôn trong một quan tài gần như là hình vuông to lớn. Bà được chôn cất bên cạnh chồng mình tại tu viện Westminster, Anh Quốc, kết thúc một cuộc đời đầy bi kịch đằng sau ánh hào quang mang tên "Nữ hoàng".
Có quan điểm cho rằng Nữ hoàng Anne là người thiển cận, không phân rõ đúng sai. Giáo sư Edward Gregg trong cuốn nghiên cứu Queen Anne (Đại học Yale xuất bản năm 2001) kết luận rằng Anne đã thường xuyên bị giật dây từ phía sau. Sức khỏe kém khiến bà bị Nghị viện lấn át và suy giảm quyền lực hoàng gia. Tuy nhiên, điều này vẫn là một giả thuyết gây tranh cãi.
Nhiều tài liệu khác khẳng định Nữ hoàng Anne tuy là một người phụ nữ chịu nhiều bi kịch và sức khỏe yếu nhưng đã đạt được nhiều thành tựu về chính trị. Bà là người thống nhất lãnh thổ giữa Anh và Scotland vào năm 1707 – điều mà các vị vua trước theo đuổi rất nhiều thế kỷ. Bà cũng là người có công giải quyết những vấn đề xung đột tôn giáo, sắc tộc và giữ hòa bình cho đất nước.
(Nguồn tổng hợp)