Cực chẳng đã giúp chồng cai nghiện… bóng đá
Cực chẳng đã, chị quyết định gõ cửa phòng bác sĩ tâm lý xin tư vấn: "Bác sĩ ơi, chồng em bị bệnh nghiện bóng đá mà dạo này anh ta chẳng ngó ngàng gì đến em. Bác sĩ có cách gì giúp em không ạ?".
Sau một hồi đăm chiêu, bác sĩ kết luận: "Chữa bệnh này không khó, chị biết đấy, phụ nữ còn hấp dẫn hơn cả bóng đá...". Bác sĩ tâm lý chưa nói xong, chị đã "chồm" lên, khẳng định: "Em thề với bác sĩ, chồng em quên ăn quên ngủ, suốt ngày ôm tivi, thậm chí xem đi xem lại một trận mà không biết chán".
Bác sĩ tâm lý xua tay: "Chị nghe tôi phân tích đây này, bóng đá chỉ hấp dẫn theo mùa, còn phụ nữ thì quanh năm suốt tháng ở bên đàn ông cơ mà. Chị phải tự tin lên, chị có nhan sắc, có đầu óc.
Tôi hỏi chị, chị hay bóng đá mới là vợ của anh ta? Chị biết vai trò của mình trong gia đình đúng không nào? Thế thì từ bây giờ chị hãy lấy lại phong độ của một người vợ, giành lại chồng cho mình".
Nghe lời tuyên bố hùng hồn của bác sĩ tâm lý, chị bỗng rưng rưng xúc động: "Bác sĩ có cách nào giúp em với ạ, trăm sự nhờ bác sĩ".
"Thế này nhé, từ hôm nay chị nên chú ý đến trang điểm và ăn mặc gợi cảm hơn. À mà chị nói chồng chị hâm mộ cầu thủ Messi đúng không? Nếu thấy cần thiết, chị có thể sắm một chiếc áo in tên và số của cầu thủ này để mặc nhé. Tôi đảm bảo anh ta sẽ không thể rời mắt khỏi chị".
Chị thắc mắc: "Ở nhà cũng phải mặc đẹp và trang điểm hả bác sĩ?". "Đương nhiên, lúc nào chị cũng phải rực rỡ và chói chang, hơn nữa, khi chị đẹp lên, anh ta sẽ cảm thấy mình đang bị đe dọa".
Chị tròn mắt: "Đe doạ nghĩa là sao hả bác sĩ?". "Tức là anh ta sẽ nghĩ nhiều gã đàn ông khác đang nhòm ngó chị, anh ta lại chẳng tức điên lên ấy chứ, lúc đó thì bóng với bánh gì nữa. Lo mà giữ vợ thôi". Nghe bác sĩ nói xong, chị cười ngất: "Bác sĩ quả là cao tay, em sẽ áp dụng chiêu này của bác sĩ ngay hôm nay".
***
Trên đường về nhà, chị tạt qua chợ để sắm áo Messi. Tối hôm đó, anh ngồi xem bóng đá, chị mặc áo Messi, cố tình lượn qua lượn lại trước mặt anh. Đầu tiên anh không để ý, cất giọng khó chịu: "Mẹ nó tránh ra đi, vướng quá". Chị quyết tâm "quyến rũ" anh bằng được: "Anh không thấy em hôm nay có gì khác à? Em đang mặc chiếc áo cầu thủ anh ngưỡng mộ đây này, em cũng sẽ ủng hộ cho Messi hết mình".
Anh liếc sang chị, cười khẩy: "Cô hay nhỉ! Tôi đang xem EURO, mà giải bóng đá châu Âu thì đào đâu ra Messi? Hố hố".
Bị anh chọc quê một vố, chị xấu hổ không để đâu hết, tất cả cũng chỉ tại chiêu trò cổ lỗ sĩ của bà bác sĩ tâm lý. Lần này chị không nhờ bà ta tư vấn mà lên Internet tham khảo cách giúp chồng cai nghiện bóng đá.
Sau một hồi lần mò, chị thấy có người chia sẻ cách "chọc tức" chồng bằng điện thoại thông minh. Chiêu này dễ ợt, chỉ cần một vài thao tác kết nối là có thể bật, tắt và chuyển kênh tivi bằng điện thoại.
Đợi đúng trận đấu quan trọng, chị ngồi trong phòng ngủ, cầm điện thoại và giả vờ như không quan tâm đến anh. Nhưng đúng lúc gay cấn, chị "tắt" tivi khiến anh tức điên.
"Tắt - bật" tivi khoảng chục lần thì chị nghe thấy tiếng hét đầy giận dữ của anh. Chị nghĩ lúc này là thời điểm chị nên ra ngoài giả vờ hỏi han xem có chuyện gì xảy ra với anh.
Nhưng những gì diễn ra ngoài phòng khách vượt quá sức tưởng tượng của chị. Chiếc tivi màn hình cong nhà chị mới sắm và đồ đạc xung quanh đều bị đập nát. Chiếc iPad "vô tội" cũng gãy làm đôi. Anh đang xỏ dép, không rõ định đi đâu.
Chị điên tiết, gọi giật anh lại: "Anh đứng đấy cho tôi, anh vừa làm cái gì thế này?". Anh thản nhiên đáp: "Có chuyện gì thì đợi tôi về nói sau. Tôi phải sang hàng xóm xem nốt trận này đã".