Cụ bà 86 tuổi chia sẻ những chuẩn bị cho hậu sự của mình: Hiểu được điều này, chuyện sinh tử chẳng còn đáng sợ
Liệu bạn có thể nói về cái chết một cách tự nhiên và vui vẻ như cụ bà 86 tuổi này?
Một bà cụ 86 tuổi ở Trung Quốc đã chia sẻ trên mạng xã hội về kế hoạch sắp xếp hậu sự của mình. Trong câu chuyện của bà, cái chết dường như ít đáng sợ hơn rất nhiều.
Chia sẻ này không chỉ ghi lại một thông điệp quý giá dành cho các con của bà, mà còn mang đến "bài học sinh tử" quý giá cho hàng nghìn bạn trẻ.
Là một người cao tuổi, bà đã chứng kiến sự ra đi của nhiều đồng nghiệp, từ bạn bè đến người bạn đời thân thương. Vội vàng và thậm chí chẳng có lời trăn trối.
Vì vậy, bà quyết định tận dụng lúc cơ thể còn khỏe và khả năng nói chuyện lưu loát để chia sẻ nhiều hơn về những “điều cấm kỵ” trong mắt người khác.
Đối với bà, chia tài sản thừa kế phải được giải quyết càng sớm càng tốt để tránh rắc rối sau này.
Đôi vợ chồng già sở hữu hai ngôi nhà, một trong số đó ban đầu được mua cho con trai của họ. Biết quy trình xử lý thừa kế và chuyển nhượng tài sản rất rắc rối, nên bà đã bán đi căn nhà còn lại và đưa tiền cho con gái.
Bà xử lý tài sản thừa kế một cách rạch ròi và công bằng để con cái sau này không mâu thuẫn vì tranh chấp.
Sau khi chồng mất, bà sống một mình và quyết không làm phiền đến con cái. Cũng không nhận tiền từ con vì bản thân bà có lương hưu và tiền tiết kiệm. Bà cũng đã viết di chúc từ trước đối với phần tài sản còn lại, chuẩn bị tất cả trước khi nhắm mắt xuôi tay.
“Cuộc đời có hạn, đặc biệt là khi con người ta bước vào giai đoạn gần đất xa trời, tốt hơn hết là đừng để bản thân đau khổ quá nhiều nữa và ra đi trong bình yên”, bà chia sẻ trong đoạn video.
Có hai điều bà dặn dò và yêu cầu các con phải đáp ứng nguyện vọng của mình:
Điều 1: Nếu bà gặp tai nạn bất ngờ hoặc bệnh nặng, tuyệt đối không được cứu.
Bà cảm thấy cuộc đời là một chuyến hành trình, sống không mang đến, chết không mang đi. Nếu đã đi đến điểm cuối cuộc đời, thôi thì chấp nhận mọi kết cục, giằng co cũng chỉ thêm mệt nhọc.
Điều 2: Tang lễ càng đơn giản càng tốt.
Hũ cốt đơn giản hơn chiếc hòm, chỉ cần có thể chứa là được. Buổi lễ càng đơn giản càng tốt, không cần phô trương. Đừng gây thêm phiền phức cho người khác.
Cái chết đối với bà cụ hơn 80 tuổi này rất "bình thường", như thể nó không phải là chuyện nặng nề và trang trọng trong khái niệm truyền thống.
Song không phải vì thế mà bà sống một cách hời hợt, tùy tiện. Bà cho biết:
"Bây giờ còn sống, tôi sẽ sống hạnh phúc mỗi ngày, cố gắng chăm sóc cơ thể của mình. Nếu có tai nạn xảy ra, tôi sẽ lặng lẽ ra đi, sẽ không làm tăng thêm nỗi đau và sự mệt mỏi của bất cứ ai".
Đoạn video ngắn 13 phút, lời lẽ rõ ràng và được biện giải đầy logic, như một "buổi diễn tập trước khi chết" của một người phụ nữ 86 tuổi. Nghe có vẻ buồn, nhưng không hề lan tỏa năng lượng tiêu cực, bóc trần một cách nhìn mới về chuyện sinh lão bệnh tử.
Đông đảo cư dân mạng, đặc biệt là các bạn trẻ, bày tỏ sự ngưỡng mộ và đồng tình đối với ý kiến về chuyện sắp xếp hậu sự của bà. Nhiều người dường như tỉnh ngộ và không còn thấy hoảng sợ trước chuyện được mất nữa sau khi cảm thấu được sự dung dị của cụ bà đối với mọi chuyện trên đời.
“Cái chết, ít nhiều cũng khiến người ta không khỏi hoảng sợ. Nhưng khi bạn đã sống đến độ tuổi như cụ bà này, và sở hữu thêm cái nhìn nhẹ nhàng với quy luật sinh tử, có lẽ sự đau đớn và nỗi lo được giảm nhẹ đi rất nhiều”, một cư dân mạng cho hay.
Song cũng có không ít người cho rằng kế hoạch hậu sự gần như suôn sẻ của cụ bà không thể tách rời khỏi điều kiện kinh tế vốn có. Theo đó nếu bà nghèo nàn và lắm bệnh thì mọi chuyện sẽ không thể lên kế hoạch rõ ràng như vậy.
Bất kể ý kiến ra sao, chúng ta cũng không thể phủ nhận cụ bà này có cái nhìn thật cởi mở đối với ngày ra đi cuối cùng của mình. Bà quyết chịu trách nhiệm với bản thân đến cùng, không muốn tạo thêm rắc rối cho con cái, cũng mong muốn các con nhẹ gánh trong lòng nếu bà không còn sống trên đời. Điều này có lẽ ngoài kia chẳng mấy ai làm được!
Nguồn: Zhihu