Cụ bà 104 tuổi nhưng ra đồng làm ruộng như người trẻ: Bí quyết không phải tập thể dục mà nhờ 3 thói quen này
3 thói quen đơn giản này chính là bí quyết trường thọ của cụ bà Trung Quốc hơn 100 tuổi.
Ngày 20 tháng 11 năm 2018, phóng viên của đài truyền hình Chiết Giang, Trung Quốc , đã bắt gặp hình ảnh một cụ bà với khuôn mặt hồng hào, vui tươi đang làm việc trên đồng ruộng. Nếu không hỏi tuổi, chắc sẽ chẳng ai tin được rằng đây là một cụ bà hơn 100 tuổi.
Theo đó, cụ bà Trương Thái Nam sinh ngày 16 tháng 11 năm 1915, sống tại quận mới Tiêm Sơn, thành phố Hải Ninh, Chiết Giang, Trung Quốc. Vào thời điểm đó, cụ bà này đã 104 tuổi. Với sự cải thiện về mức sống cũng như điều kiện y tế, những người sống trên trăm tuổi không phải là hiếm, thế nhưng người già vẫn có cơ thể khỏe mạnh, có thể đi làm ruộng như cụ Trương là rất hiếm. Khi được hỏi về bí quyết sống thọ và khỏe mạnh ở độ tuổi xưa nay hiếm, cụ bà tiết lộ có 3 thói quen như sau:
1. Sống tích cực
Cụ Trương và chồng có bốn người con. Chồng mất sớm, gia cảnh khó khăn lại thiếu thuốc men nên 3 người con gái của cụ đều mất sớm vì bệnh tật, chỉ còn một người con trai đã 75 tuổi. Áp lực cuộc sống đè nặng lên vai người phụ nữ yếu đuối này nhưng với ý chí kiên cường và thái độ sống lạc quan, cụ Trương đã vượt qua tất cả và sống vui tươi, yêu đời ở tuổi ngoài 100.
Theo chia sẻ của gia đình, cụ Trương là người hòa nhã với mọi người xung quanh. Dù trải qua rất nhiều biến cố trong cuộc sống, song cụ vẫn luôn giữ thái độ sống tích cực, luôn yêu thương con cháu và chưa bao giờ cáu gắt với bất cứ ai. Không những thế, cụ Trương còn luôn nhiệt tình giúp đỡ người khác mà không yêu cầu nhận lại bất cứ điều gì bởi cụ tâm niệm rằng giúp người là giúp mình. Đây là cách sống giúp cụ có ít phiền não, kéo dài tuổi thọ.
Trên thực tế, thái độ sống tích cực, lạc quan cũng là giải pháp hiệu quả giúp con người trẻ lâu. Một nghiên cứu trên tạp chí Dịch tễ học (Mỹ) cho thấy những phụ nữ lạc quan có nguy cơ tử vong thấp hơn đáng kể do một số bệnh, bao gồm ung thư, bệnh tim, đột quỵ và bệnh đường hô hấp, so với phụ nữ bi quan.
2. Chăm chỉ lao động
Lên núi đốn củi là công việc hằng ngày mà cụ Trương vẫn làm khi còn trẻ. Rạng sáng, bà cụ thức dậy, nấu cháo và mang nước giếng rồi cầm liềm lên núi. Đều đặn mỗi ngày như thế, cụ Trương đã rèn luyện cho đôi chân của mình trở nên rắn chắc và có được cơ thể khỏe mạnh hơn.
Ngay cả khi đã ở tuổi xế chiều, cụ Trương vẫn rất khỏe mạnh và không ngừng làm việc. Ở tuổi 104, cụ Trương vẫn đi lại rất linh hoạt và có thể làm nhiều việc mà không cần sự giúp đỡ của người khác. Con dâu của cụ cho biết cụ Trương là người không bao giờ muốn bản thân nhàn rỗi. Đó cũng là cách giúp cụ rèn luyện sức khỏe và sự minh mẫn khi tuổi đã cao.
Người già thay vì ngồi yên một chỗ thì nên vận động nhiều hơn, nên ra khỏi nhà tiếp xúc, trò chuyện nhiều hơn với mọi người. Điều này có thể thúc đẩy tuần hoàn máu, tăng tốc độ trao đổi chất, trì hoãn lão hóa và ngăn ngừa bệnh tật.
3. Ăn uống lành mạnh, đều đặn
Theo chia sẻ của gia đình, lịch trình sinh hoạt của cụ Trương rất đều đặn. Khi thời tiết ấm áp, cụ thường dậy vào khoảng 5 giờ sáng để phụ con cháu nấu cháo. Mùa đông thì khoảng 6 giờ sáng cụ dậy để nấu cháo, đun nước và làm việc nhà. Cụ ăn cơm đủ 3 bữa một ngày, thường có thói quen đi ngủ sớm và dậy sớm.
Khẩu phần ăn hàng ngày của của cụ Trương rất lành mạnh gồm đa dạng thực phẩm nhưng chủ yếu vẫn là rau. Ở tuổi 104, ngoài bệnh huyết áp cao thì cụ bà này không mắc bệnh gì khác và có sức khỏe rất tốt.
Trên thực tế, tuổi thọ con người cũng bị rút ngắn vì những thói quen ăn uống không tốt. Vì vậy, tập xây dựng thói quen ăn uống điều độ, ăn đủ 3 bữa trong ngày, chế độ dinh dưỡng cân đối là cần thiết để có một cơ thể khỏe mạnh, sống thọ.
(Theo Sohu)