Công ty Nhật thông báo tuyển dụng với mức lương 2 tỷ/năm nhưng triết lý sâu xa đằng sau mới thật đáng nể
Động thái "bạo dạn" này của công ty đã góp phần thay đổi tư duy tuyển dụng để thu hút nguồn nhân lực đồng thời phá bỏ rào cản văn hóa tôn trọng sự công bằng của người Nhật.
Phàm là sinh viên mới ra trường, đa phần ai cũng mong muốn tìm được cho mình một công việc có thể thỏa mãn đam mê của bản thân, ứng dụng được nguồn kiến thức đã học trong trường lớp đồng thời tích lũy thêm kinh nghiệm. Bên cạnh đó, công việc này sẽ trở nên thật sự hấp dẫn nếu nó mang lại một nguồn thu nhập hậu hĩnh, đủ để trang trải chi phí sinh hoạt cũng như thỏa mãn những nhu cầu tài chính khác.
Vừa mới đây, một nhà hàng sushi băng chuyền ở Nhật đã được dịp khiến người lao động nước này xôn xao với mẫu thông báo tuyển dụng vô cùng đáng đọc của mình. Cụ thể, nhà hàng này đang có nhu cầu tuyển dụng "nhân viên điều hành nhà hàng" là sinh viên mới ra trường, tuổi đời dưới 26 và chỉ cần có chứng chỉ TOEIC 800 cũng như Boki (ghi nhớ, tính toán, xử lý) trên cấp 3. Tuy nhiên, điểm đáng nói ở đây chính là mức lương 10 triệu Yên (tương đương 2 tỷ đồng) một năm. Và chỉ tiêu cũng rất eo hẹp, chỉ có 10 vị trí cho những ứng viên phù hợp nhất.
Mức lương này khiến không ít người ngạc nhiên; bởi lẽ, thời điểm hiện tại ở Nhật, sinh viên mới ra trường có mức thu nhập bình quân 2,81 triệu Yên (tương đương 590 triệu đồng) một năm.
Được biết, nhà hàng sushi băng chuyền là mô hình vô cùng thịnh hành ở Nhật Bản và có thể được bắt gặp ở khắp mọi nơi. Đơn vị tuyển dụng trong câu chuyện trên cũng là thương hiệu được đông đảo người Nhật biết đến với 340 cửa hàng trên toàn quốc và lợi nhuận hàng năm ước tính 130 tỷ Yên. Điều này phần nào lý giải tại sao thương hiệu này lại dám chi mạnh như thế để trả lương cho nhân viên.
Việc nhà hàng này trả mức lương cao ngất ngưởng, gấp hơn 2 lần cho sinh viên mới ra trường, không phải là không có lý do. Trên thực tế, mức lương trung bình của nhân viên nhà hàng này chỉ có 4,5 triệu Yên (tương đương 945 triệu đồng) một năm, không thật sự quá cao so với mặt bằng chung. Do đó, trong quá khứ, công ty từng nhiều lần gặp phải rắc rối trong vấn đề thu hút nhân sự có năng lực.
Động thái "bạo dạn" này của công ty đã góp phần thay đổi tư duy tuyển dụng để thu hút nguồn nhân lực đồng thời phá bỏ rào cản văn hóa tôn trọng sự công bằng của người Nhật.
Bởi lẽ, với mức thu nhập "khủng" mà yêu cầu lại không quá khắt khe như vậy, chắc hẳn nhân tài từ các trường đại học hàng đầu xứ sở Mặt trời mọc sẽ đổ về ghi danh mà chẳng cần phải nghĩ nhiều. Bên cạnh việc chắt lọc được những nhân sự có chất lượng, việc này còn giúp giảm thiểu chi phí cũng như những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tuyển dụng.
Hơn nữa, các công ty Nhật không có sự cạnh tranh về lương bổng, cụ thể sinh viên mới ra trường sẽ có mức lương ngang nhau. Mọi người bình đẳng và không ai được nhận khoản thu nhập lớn hơn đồng nghiệp mình. Lý do này bắt nguồn từ văn hóa tôn trọng sự công bằng của người Nhật.
Điều này phần nào tạo nên rào cản cho sự cạnh tranh. Và với động thái trả lương "khủng" của thương hiệu trong câu chuyện, người Nhật sẽ phải suy nghĩ nghiêm túc hơn về vấn đề này, bởi sự cạnh tranh sẽ không còn bó buộc trong nội bộ những sinh viên mới ra trường của Nhật nữa.