Con thi vào lớp 10 mẹ sụt 4 - 5 cân
Hà Nội và một số thành phố lớn nhiều năm vẫn là địa bàn “nóng” ở mỗi mùa tuyển sinh vào lớp 10. Áp lực có từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ chính tâm lý phụ huynh.
Con lo một, mẹ lo mười!
Buổi thi khảo sát cuối cùng cho học sinh lớp 9 trước kỳ thi tuyển sinh vào 10 một trường THCS trên địa bàn quận Tây Hồ, Hà Nội kết thúc vào 4h chiều. Từ trước đó khá lâu, cả đoạn phố trước cổng trường phụ huynh đứng thành hàng dài, bất chấp nắng hè nắng nóng hay xe cộ đông đúc.
Chị Phạm Thị Thanh Tâm, một phụ huynh chia sẻ, mặc dù con gái học thuộc diện "top" đầu của lớp nhưng chị vẫn phải chịu áp lực riêng.
"Không bị áp lực về việc chọn trường cho con nhưng suốt ngày nghe đồng nghiệp, người thân, họ hàng nói kiểu như con học giỏi thế kiểu gì chẳng đỗ hay học thế mà không đỗ trường top thì phí… Nghe nhiều kiểu đó mệt mỏi lắm, áp lực cực kỳ. Thà mọi người cứ coi như bình thường thì cũng đỡ. Đằng này ai cũng nhắc tới đỗ trượt, tới trường top này top kia, trong khi thi cử không ai nói hết trước được mọi thứ”, chị Tâm lo lắng.
Chị Phạm Phương Thảo, nhà ở quận Ba Đình thì chịu áp lực khác khi con gái lớn cũng chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển chọn khắc nghiệt của thành phố. Khu vực 1 nơi con chị đăng ký dự thi có số lượng thí sinh quá lớn, tỷ lệ “chọi” cao ngất ngưởng nên từ lúc đặt bút viết hồ sơ đã là một cuộc “cân não” trong gia đình.
Cả quận Ba Đình có 5 trường THPT công lập để chọn. Hai mẹ con tìm hiểu, nâng lên đặt xuống cả tuần trước ngày nộp hồ sơ để rồi chọn 3 nguyện vọng gồm những trường lấy điểm thấp nhất khu vực ở mùa thi năm ngoái. Và thật bất ngờ khi tâm lý “trường thấp để con đỗ” trở thành lựa chọn của số đông phụ huynh khiến số lượng thí sinh đăng ký vào các trường này tăng kỷ lục.
“Con áp lực 1 thì mẹ áp lực 9, 10 phần vì nhà không có điều kiện để con học trường tư tốt. Trường công thì quá ít. Nhìn vào tỷ lệ “chọi” vào lớp 10 Sở GD-ĐT công bố mà hoang mang quá. Tháng nay mình gầy mất 4, 5 cân vì lo nghĩ rồi thức ngủ cùng để động viên con cố gắng. Dằn lòng lại thôi chứ còn lo lắm, áp lực kinh khủng”, chị Thảo chia sẻ.
Giảm áp lực từ chính tâm lý phụ huynh
Nhà giáo ưu tú, TS Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng việc phụ huynh lo lắng, áp lực trước các kì thi quan trọng của con em hoàn toàn dễ hiểu và thông cảm. Với quan điểm “con hơn cha nhà có phúc”, các cha mẹ Việt sẵn sàng dồn hết sức lực, điều kiện cho con vì đó là tương lai, là của để dành.
Năm nay, với số lượng lên tới 129.000, thí sinh 2K7 Hà Nội phá kỷ lục về số lượng, áp lực càng thể hiện rõ trong kỳ thi tuyển sinh vào 10 sắp tới. Theo TS Nguyễn Thanh Sơn, phụ huynh cần nhìn nhận đầy đủ. Luật giáo dục quy định, trong hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay có hai loại hình giáo dục gồm công lập và ngoài công lập. Cả hai hệ thống giáo dục này được sự chỉ đạo của Nhà nước, cụ thể là Bộ Giáo dục- Đào tạo và các Sở Giáo dục- Đào tạo nên không có gì khác về nội dung chương trình, về phương pháp giáo dục. Khác biệt giữa hai hệ thống nằm ở phần học phí ngoài công lập cao hơn, thậm chí cao hơn khá nhiều so với công lập và với mức thu nhập của phụ huynh.
Tuy nhiên, TS Thanh Sơn cũng khẳng định, hiện nay, rất nhiều trường ngoài công lập có mức thu khá phù hợp và vẫn đảm bảo nội dung giảng dạy theo chương trình chung. Ngoài ra còn nhiều những lựa chọn khác phù hợp hơn cho phụ huynh và các em như chương trình "song bằng" của các trường nghề. Một mặt sẽ giảm tải nội dung kiến thức học khá nặng nếu học ở hệ thống THPT, mặt khác, học sinh được trang bị kỹ năng nghề, sẵn sàng bước vào thị trường lao động khi các em đủ 18 tuổi và mức học phí ở mức phù hợp với đại đa số phụ huynh.
Theo NGƯT.TS Nguyễn Thanh Sơn, một ngôi trường được đánh giá tốt cần dựa theo nhưng tiêu chí như môi trường sư phạm hài hòa, phù hợp năng lực của chính con em mình và phù hợp với điều kiện gia đình sẽ giúp mỗi học sinh có những tiến bộ, hoàn thiện trong khoảng thời gian 3 năm THPT.
Trước ví dụ về việc Hà Nội năm 2012 có 75.000 thí sinh dự thi tuyển vào 10, 10 năm sau, năm 2022 số thí sinh đã là 129.000, tăng gần gấp đôi nhưng số trường THPT không tăng tương ứng với tốc độ phát triển đô thị, TS Nguyễn Thanh Sơn cho rằng đây là bài toán khó cho các đô thị lớn khi liên quan tới cùng lúc nhiều vấn đề như quỹ đất, ngân sách cho xây dựng trường lớp, trả lương cho giáo viên…
Theo NGƯT.TS Nguyễn Thanh Sơn, áp lực thi vào lớp 10 còn có một nguyên nhân khác. Loại trừ việc khó khăn về tài chính, phần lớn phụ huynh vẫn có cảm giác xấu hổ nếu con thi trượt vào trường công lập. Một kì thi không thành công, nhiều người mặc nhiên cho rằng đứa trẻ đó học dốt, chưa chăm chỉ, bố mẹ không quan tâm… Điều này đã góp thêm gánh nặng tâm lí ngày càng nặng hơn lên phụ huynh và chính họ lại tạo áp lực cho con mình.
Tâm lý trường ngoài công lập chỉ dành cho học sinh thi trượt theo thầy Thanh Sơn đã khá cũ kỹ, lạc hậu khi nhiều nhà trường đã khẳng định được chất lượng và uy tín. Để trở thành học sinh của những ngôi trường này, ngoài mức học phí khá cao, các em còn phải trải qua những kỳ kiểm tra riêng của trường hoặc điểm xét vào cận các trường top 1, 2 của các khu vực tuyển sinh.
Tuy nhiên, câu chuyện áp lực thi cử theo thầy Nguyễn Đình Cử, giáo viên trường THCS Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, phụ huynh ven đô và nông thôn thường không quá nặng nề. Họ sẵn sàng cho con mình rẽ sang học nghề nếu nhận thấy các em không có năng lực học tập.
Ở thời điểm kỳ thi vào 10 ở Hà Nội chỉ còn một tuần nữa sẽ diễn ra, TS Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, ngành giáo dục cũng nhận rõ những khó khăn do dịch bệnh suốt gần một năm học vừa rồi với thầy cô và học sinh nên chắc chắn đề thi sẽ phù hợp, tạo điều kiện cho học sinh thi tốt nhất. Phụ huynh và thầy cô cần tự điều chỉnh, giảm bớt áp lực để các em thoải mái tinh thần.
“Tôi tin là chưa chắc cháu học ở trường công lập đã tốt hơn những cháu học xuất sắc ở các trường ngoài công lập. Như cháu ngoại tôi cách đây 7 năm dự thi tuyển sinh vào 10 thiếu điểm, nhiều người khuyên đăng ký cho cháu học trường công lập ở ngoại thành rồi chuyển về lại nội thành. Tôi nghĩ có 3 năm học mà chuyển đi chuyển lại vừa rắc rối vừa phí thời gian nên quyết định cho cháu học một trường ngoài công lập gần nhà. Và trong 3 năm THPT, cháu đoạt một giải quốc tế, được tuyển thẳng vào đại học Ngoại thương, năm nay đã sắp ra trường”, TS Nguyễn Thanh Sơn chia sẻ câu chuyện từ chính gia đình ông.