Thầy Hiệu trưởng nhắc học sinh những điều cần lưu ý trước kì thi vào lớp 10: Điều thứ 6 cực kỳ quan trọng, mang tính quyết định về tâm lý
Chỉ còn khoảng 10 ngày nữa, gần 130.000 học sinh sẽ tham dự một kỳ thi vào lớp 10 THPT thành phố Hà Nội. Đây là năm có tỉ lệ chọi vào lớp 10 cao kỉ lục ở Hà Nội trong nhiều năm qua.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập không chuyên năm học 2022 - 2023 tại Hà Nội sẽ diễn ra trong 2 ngày 18-19/6. Chỉ có khoảng 69.000 suất vào lớp 10 công lập (không chuyên) nhưng có tới gần 130.000 thí sinh dự thi. Đây là năm có tỉ lệ chọi vào lớp 10 cao kỉ lục ở Hà Nội trong nhiều năm qua.
Trước mỗi kỳ thi, hầu hết học sinh đều trải qua tâm trạng lo âu, căng thẳng, cảm thấy áp lực về kết quả cần đạt được. Áp lực vừa đủ sẽ trở thành động lực, nhưng nếu áp lực quá lớn mà không được giải tỏa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cả sức khỏe tinh thần và thể chất của học sinh.
Hiểu được tâm lý đó, thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (Quận Đống Đa, Hà Nội) đã có những chia sẻ thiết thực đối với học sinh lớp 9 chuẩn bị thi vào 10. Những lời nhắn gửi của thầy nhận về nhiều sự đồng tình và chia sẻ của phụ huynh và các em học sinh.
Các con học sinh lớp 9 thân mến! Như vậy chỉ còn khoảng 10 ngày nữa là các con sẽ tham dự một kỳ thi khá quan trọng, kỳ thi vào lớp 10 THPT thành phố Hà Nội. Chúng ta cùng cố gắng biến những ước mơ, khát vọng thành hiện thực. Sự chuẩn bị cho một kỳ thi đã được các thầy cô đồng hành trong hơn cả một năm vừa qua. Tất cả đã sẵn sàng.
Trước kỳ thi này, thầy có một số chia sẻ tới các con:
1. Ăn uống, tạo lập lại nhịp sinh học phù hợp với khung thời gian thi
Ăn uống: Bình thường, tức là không cần tẩm bổ gì quá đà kẻo lại đau bụng, ngộ độc thức ăn, cơ thể không thích ứng được.
Tạo lập nhịp sinh học, một việc làm cực kỳ quan trọng: Nhiều học sinh có thói quen học khuya, ngủ ngày, thậm chí ngủ tới 9, 10 giờ. Từ thời điểm này cần thiết lập lại, học không quá khuya, thức dậy sớm, thể dục thể thao nhẹ nhàng, ăn sáng, thực hiện ôn tập các môn học trong khung giờ giống với khung giờ thi. Chẳng hạn, buổi sáng ôn tập Ngữ Văn, Toán tầm từ 8h – 11h (thi chính thức Ngữ văn và Toán sẽ là buổi sáng), buổi chiều học Tiếng Anh tầm từ 14h-17h (thi chính thức Ngoại ngữ là buổi chiều). Bên cạnh đó, học sinh cần tập thích ứng cho những khung giờ đó không có điều hòa nhiệt độ mà chỉ là quạt điện. Việc thiết lập này vô cùng quan trọng.
Không nên chơi các môn thể thao dễ chấn thương như bóng đá, bóng rổ... Thay vào đó hãy vận động bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng.
2. Ôn tập trong những ngày sát ngày thi
Những ngày cuối học sinh không nên ôm đồm và quá lo lắng vì thời gian trước đó đã được các thầy cô và bản thân tự ôn tập cẩn thận rồi. Các con nên đọc lại những chuyên đề mà thầy cô đã dạy. Chẳng hạn như với môn Toán: Bài Toán rút gọn và câu hỏi phụ; công thức tính thể tích, diện tích nón trụ cầu; giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình; hàm số bậc nhất; hàm số bậc hai; Hệ thức Vi-et; Giải hệ phương trình; Hình học…
Đọc chậm và ghi nhớ lại những lưu ý về cách trình bày mà thầy cô đã dạy kết hợp với đọc lại sách ôn tập, sách giáo khoa. Lưu ý việc ôn tập lại các công thức về diện tích, chu vi đường tròn; thể tích, diện tích các khối nón, trụ, cầu; hệ thức giữa cạnh và góc trong tam giác vuông.
Trong mỗi ngày sắp đến ngày thi nên phân chia thời gian để có thể ôn tập được các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ, môn chuyên, không nên dành thời gian quá nhiều cho một môn.
3. Chuẩn bị thật cẩn thận về những giấy tờ, đồ dùng khi đi thi
Học sinh phải mang theo giấy báo dự thi, thẻ học sinh hoặc chứng minh thư, đầy đủ đồ dùng học tập. Bút viết bài nên mua khoảng 5-6 chiếc cùng loại, compa, thước kẻ, bút chì, máy tính bỏ túi… Đặc biệt là bút chì dùng để tô trắc nghiệm nên chọn loại 2B là vừa đủ vì loại đậm hơn dễ tô nhưng khó tẩy sửa. Tẩy nên mua 1-2 cục tẩy mới. Khi đi tập trung và đi thi, gia đình nên đưa các con đi đề phòng những bất trắc có thể xảy ra mà học sinh không giải quyết được. Cần phải đến địa điểm thi đúng giờ.
4. Làm bài thi môn tự luận, Toán chẳng hạn:
- Cần ghi đầy đủ các thông tin trên tờ giấy thi, không được viết, vẽ, ghi kí hiệu bất thường trên bài thi. Những bài thi như vậy không có lợi cho thí sinh.
- Đọc thật kỹ đề bài và ghi nhanh ra nháp những ý tưởng và chú ý của từng câu.
- Khi làm bài chọn câu dễ để làm trước nhưng thường đề thi đã thiết kế theo trình tự từ dễ đến khó nên có thể làm tuần tự cũng được. Gặp câu hỏi khó, tạm để đó và làm những câu dễ khác trước.
- Cần trình bày bài thật cẩn thận, không làm tắt, không viết tắt, cần có kết luận về kết quả của từng câu. Đối với bài hình học, cần kiểm tra kỹ xem hình vẽ đã chính xác với đề bài chưa (vì nếu vẽ sai hình, bài hình sẽ bị điểm 0), các câu hỏi cần lập luận chặt chẽ, có ghi lí do khi chứng minh, vẽ hình rõ ràng, đặc biệt là việc ghi tên các điểm trên hình (học sinh hay viết làm cho người chấm không phân biệt được M với N; E với F; O với D...).
- Nên mang đồng hồ khi đi thi để phân chia thời gian cho các câu thật hợp lí, không nên tập trung thời gian quá 15 phút cho một câu.
- Nếu cảm thấy căng thẳng và hồi hộp quá, hãy tạm dừng làm bài khoảng 1 - 2 phút, thở đều và bình tĩnh lại, bắt đầu thật chậm lại các bài mà mình đang cảm thấy khó khăn.
- Khi còn 20 phút nữa là hết giờ làm bài, học sinh không nên làm những câu khó, câu cuối cùng của bài thi mà nên dùng thời gian còn lại kiểm tra kết quả những bài đã làm trên nháp một cách độc lập. Khi nghi ngờ một câu nào đó sai, tạm kẻ bằng bút chì và kiểm tra đối chiếu thật kỹ lại, khi chắc chắn phương án nào đúng mới gạch bỏ phần sai đi, tránh trường hợp vội vàng gạch bỏ mà đó lại là phần làm đúng.
- Tình huống gặp câu hỏi quá khó, học sinh nên bóc tách làm những ý nhỏ mà mình có thể, tránh mất điểm cả câu hỏi.
5. Làm bài thi môn Trắc nghiệm
Cần phải ghi đầy đủ thông tin cá nhân và tô cẩn thận số báo danh và mã đề.
Sau khi nhận đề cần đọc qua một lượt để xác định những câu dễ, câu mình có thể xử lí được trước. Sau đó tô đáp án những câu mình đã xử lí được. Khi tô cần tô kín hình tròn của đáp án mình chọn để khi chấm máy dễ nhận được, không bị lỗi. Sau đó ta tiến hành xử lý các câu hỏi khó hơn, cố gắng liên kết kiến thức từ những vùng lân cận của câu hỏi đó để có sự lựa chọn tốt.
Thời gian thi trắc nghiệm là 60 phút nên cần tận dụng tối đa. Những câu hỏi nào còn phân vân, tạm chọn một đáp án nào đó và đánh dấu kí hiệu phân vân ở đề để sau đó kiểm tra lại. Mặc dù có câu hỏi mình chưa biết, cũng nên thử vận may bằng cách tô một đáp án nào đó mà mình cảm thấy tự tin nhất, không nên bỏ trống một câu nào cả. Trường hợp sửa đáp án, học sinh cần phải tẩy sạch đáp án cũ và tô lại đáp án mới, không được để 2 đáp án trong một câu.
6. Tạm xa mạng xã hội, báo chí trong những ngày thi
Việc trao đổi trên mạng xã hội, xem đáp án, trao đổi với bạn bè bài đã thi… không giúp cho bài đã thi đạt điểm cao hơn mà thậm chí làm cho tâm lí của học sinh hoang mang, lo lắng, ảnh hưởng xấu đến môn thi tiếp theo. Vì vậy, thi xong các môn, học sinh không nên tìm kiếm và trao đổi về đáp án của môn thi mà hãy tạm xa mạng xã hội, báo điện tử, không trao đổi với bạn bè… cần nghỉ ngơi để tập trung cho môn thi tiếp theo. Điều này cực kỳ quan trọng, mang tính quyết định về tâm lý.
Hy vọng rằng những chia sẻ trên giúp ích được một chút cho các con trong việc ôn và thi vào lớp 10 THPT TP Hà Nội sắp tới. Chúc các con gặp nhiều may mắn, thi tốt, đạt điểm cao, đỗ vào trường THPT mà mình yêu thích!