Cổ tử cung ngắn: nhiều rủi ro khi mang thai

Lê Hường,
Chia sẻ

Cổ tử cung ngắn không chỉ khiến chị em khó mang thai mà còn dễ gặp sự cố khi mang thai như sẩy thai, sinh non…

Thai chưa đủ tháng đã phải sinh sớm

Sinh con trai đầu khi thai nhi mới sang tháng thứ 7, chị Lệ ở Thanh Hóa vô cùng lo lắng khi mang thai lần 2. Theo bác sĩ thì lần mang thai đầu, chị sinh non là do cổ tử cung ngắn. Do đó, chị được khuyên lần mang thai khi được 12 tuần nên đi khám, siêu âm xem có phải khâu cổ tử cung hay không.

Theo chỉ định, thai nhi sang tuần thứ 12 chị đến bệnh viện siêu âm, kết quả cho thấy cổ tử cung vẫn nằm trong giới hạn bình thường. Cứ tưởng mọi chuyện dừng lại ở đó, đến tuần 22 chị đi khám, bác sĩ phát hiện cổ tử cung bị ngắn chỉ 24mm. Bác sĩ kê đơn thuốc, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, không nên làm việc nặng và đi đo cổ tử cung sau 2 tuần.

Theo bác sĩ chuyên khoa sản, Lê Thị Kim Dung, thì có nhiều nguyên nhân dẫn đến sinh thiếu tháng, trong đó cổ tử cung ngắn là một trong những nguyên nhân phổ biến. Trong quá trình thăm khám thai phụ, bác sĩ phát hiện bất thường bằng cách đo cổ tử cung, chiều dài nhỏ hơn 25mm tức là cổ tử cung bị ngắn, sẽ có những biện pháp hỗ trợ hoặc can thiệp phù hợp.

Cổ tử cung ngắn: nhiều rủi ro khi mang thai 1
Việc thăm khám định kỳ trong thai kỳ rất quan trọng. Ảnh minh họa

Ba lần mang thai vẫn chưa có con

Không may mắn như chị Lệ, chị Minh Châu ở Hoài Đức, Hà Nội lấy chồng 5 năm mang thai 3 lần nhưng đến nay vẫn chưa có con. Lần đầu mang thai 5 tháng thì bị sẩy, chị tự trách bản thân không biết giữ gìn nên mất con. Nửa năm sau có thai lần thứ 2, chị chủ động đi khám sớm nhưng cũng chỉ 3 tuần sau thì thai lại bị hỏng. 

Rút kinh nghiệm 2 trước, khi mang thai lần thứ 3, gia đình không để chị đụng đến bất kỳ việc gì. Chị cẩn thận từ việc đi đứng đến ăn uống, kiêng khem đủ kiểu. Vậy nhưng, cái thai cũng không qua tháng thứ 6 thì mất. Bác sĩ kết luận chị không giữ được thai là do cổ tử cung ngắn bẩm sinh. 

Bác sĩ Dung cho biết, phần lớn các trường hợp sẩy thai, sinh non đều có liên quan đến yếu tố từ cổ tử cung, cổ tử cung ngắn khiến bà mẹ khó giữ được thai. Cổ tử cung ngắn có thể do bẩm sinh bộ phận sinh sản nhi hóa hoặc cổ tử cung kém phát triển, khoét chóp, cắt đoạn cổ tử cung... 

Các nghiên cứu lấy mốc chiều dài của cổ tử cung là 25 mm để xác định cổ tử cung ngắn, có nguy cơ sinh non hay sẩy thai. Một người phụ nữ có cổ tử cung ngắn xác định bằng siêu âm sẽ có nguy cơ sinh non cao hơn những phụ nữ có cổ tử cung bình thường.

Cổ tử cung ngắn: Cẩn trọng khi mang thai

Mặc dù cổ tử cung ngắn hầu như không ảnh hưởng nhiều đến chức năng sinh lý hay chuyện quan hệ vợ chồng nhưng nó lại có thể dẫn đến sinh non, sẩy thai liên tiếp. Tuy nhiên, phát hiện sớm và có biện pháp dự phòng bằng cách khâu vòng eo cổ tử cung vẫn có thể giữ an toàn cho thai nhi. 

Về giải phẫu bệnh học, cổ tử cung bình thường của phụ nữ gồm lỗ ngoài và lỗ trong. Chiều dài cổ tử cung được đo từ lỗ ngoài đến lỗ trong. Cổ tử cung bình thường sẽ có kích thước khoảng 30mm. Khi chưa sinh nở, thì cổ tử cung tròn đều, mật độ săn chắc. Còn sau khi đã trải qua một cuộc sinh, cổ tử cung sẽ dẹp lại, và mật độ mềm hơn. Phụ nữ càng sinh đẻ nhiều thì lỗ ngoài của cổ tử cung càng rộng ra theo thời gian.

Tuy nhiên, bác sĩ Dung cho biết, cổ tử cung cũng có giai đoạn sinh lý thay đổi chiều dài. Trong thời kỳ mang thai, cổ tử cung sẽ dài ra để giúp giữ thai nhi trong tử cung. Vào cuối thời kỳ mang thai, cổ tử cung dần dần ngắn lại để chuẩn bị cho cuộc sinh nở. Sau thời kỳ hậu sản, chiều dài cổ tử cung sẽ trở lại bình thường. 

Vì vậy, việc thăm khám định kỳ trong thai kỳ rất quan trọng, không chỉ giúp phát hiện dị tật thai nhi, còn giúp phát hiện những bất thường ở cổ tử cung, tử cung hay vấn đề khác ở thai phụ.



Cả mẹ và bé đều có thể gặp phải những bệnh lý nguy hiểm liên quan đến nhau thai như phù nhau thai, sót nhau, nhau thai bám thấp...
Cổ tử cung ngắn: nhiều rủi ro khi mang thai 2
Chia sẻ