Cô gái trẻ ung thư máu và chàng trai 7 năm luôn bên cạnh để nói: "Có anh ở đây mà..."
Sẽ không công bằng nếu Hằng giữ Trường bên cạnh khi cô còn không biết ngày mai mình có còn thức dậy nữa hay không. Nhưng với Trường, chỉ cần vẫn được nghe giọng nói của Hằng thì mỗi ngày đã là ngày ý nghĩa nhất cuộc đời anh rồi.
Phòng bệnh số 12 tại Khoa Huyết học BV Chợ Rẫy TP. HCM có khoảng 6 bệnh nhân ung thư máu đang điều trị tại đây. Đa phần là những gương mặt già nua, đau đớn với dây dẫn từ bình truyền nước, hóa chất, nối vào cánh tay hoặc một bên bàn tay. Họ nằm thẫn thờ nhìn vào hư không, người thì ngồi tựa góc tường mệt mỏi sau đợt truyền hóa chất.
Và ở nơi có ánh nắng rọi xuống bên chiếc giường đặt cạnh cửa sổ phòng, cô gái 23 tuổi đội chiếc mũ len, nở nụ cười tươi tắn với tất cả mọi người để xua tan đi bầu không khí ảm đạm vào một buổi chiều không có tơ trời. Cô gái kiên cường đó là Phạm Thúy Hằng, bệnh nhân chống chọi với ung thư máu suốt 1 năm rưỡi qua và cũng là chủ nhân của bức thư kể về cuộc tình 7 năm của mình trên một trang confession.
Phạm Thúy Hằng - cô gái đang điều trị ung thư máu với tinh thần lạc quan, vô tư nhất.
Những dòng nhật ký gửi đến "chàng trai tháng 6"
Tôi biết đến Hằng từ sau câu chuyện do chính bạn ấy kể lại trên trang confession của một trường Đại học. Một câu chuyện ngỡ như trong tiểu thuyết ngôn tình, đầy lãng mạn, ngọt ngào, nhưng cũng rất can trường và có cả những hành trình đầy nước mắt. Hằng viết những dòng nhật ký để gửi đến Bùi Văn Trường (SN 1991), người yêu 7 năm của mình, như sau:
"Có một cô gái và chàng trai yêu nhau 7 năm.
Bỗng một ngày sức khoẻ của cô gái rất yếu, cô không ăn uống được, sốt liên miên 41-42 độ, thiếu máu trầm trọng và rất nguy kịch. Cô đi bệnh viện và bác sĩ nói rằng cô gái mắc một căn bệnh nan y "Ung thư máu"!
Cô gái như kiệt sức, xuống tinh thần, buồn bã rất nhiều. Cô gái là một người rất yếu đuối. Suốt 10 tháng sau đó là những tháng ngày cô vật lộn với hoá chất, với thuốc đặc trị, với những lần mệt mỏi muốn buông xuôi tất cả.
Chàng trai vẫn luôn luôn ở bên cạnh, che chở, động viên, an ủi cô gái. Mỗi khi cô gái cáu gắt, la hét, cộc cằn vì khó chịu, vì đau đớn, chàng trai chỉ mỉm cười, xoa đầu cô gái, ôm cô gái vào lòng, bảo: "Cố lên em!".
Trường đã bên cạnh Hằng khi cô là một học sinh lớp 11 và cho đến khi cô bước vào cuộc chiến sinh tử, anh vẫn không bao giờ để cô phải chiến đấu một mình.
Những lúc cô gái ngồi sau xe chàng trai, bỗng òa khóc vì tủi thân. Chàng trai dừng lại, quay qua ôm cô gái vào lòng rồi bảo: "Có anh ở đây mà!".
Có hôm cô gái quá đáng làm chàng trai rất giận. Chàng trai la mắng cô gái. Cô bật khóc nức nở. Chàng trai liền ôm cô gái vào lòng, chàng rớt nước mắt theo. Khi cô gái buồn bã, khóc rất nhiều vì phải cắt đi mái tóc của mình, chàng trai xoa đầu cô gái rồi bảo: "Tóc sẽ nhanh dài thôi mà!".
Cô gái không thể nào biết được thời gian của mình còn lại bao lâu. 1 tháng, 3 tháng hay 1 năm, 10 năm... Chỉ biết rằng lúc này cô gái vẫn luôn có chàng trai bên cạnh, chở che. Sẽ không công bằng và ích kỉ khi giữ chàng trai ở bên cạnh cô gái, nhưng mỗi ngày trôi qua, cô gái luôn muốn đó là những ngày ý nghĩa nhất. Cám ơn anh, vì tất cả!
Chào Anh, chàng trai tháng 6!".
Khi cô gái buồn bã, khóc rất nhiều vì phải cắt đi mái tóc của mình, chàng trai xoa đầu cô gái rồi bảo: "Tóc sẽ nhanh dài thôi mà!".
Tôi hỏi Hằng, sao bỗng dưng cảm xúc lai láng mà viết cho người ta hay quá vậy. Hằng cúi đầu cười bẽn lẽn: "Tại tự dưng thấy... thương ảnh ghê!". Hằng kể, cô và Trường tình cờ quen nhau từ năm Hằng học lớp 11. Với cô, Trường là anh chàng thật thà, thẳng tính, tình cảm nhưng lý trí, dịu dàng nhưng cũng nghiêm khắc, và hơn ai hết, đó là chàng trai lúc nào cũng luôn đợi cô quay về. "Chàng trai tháng 6" là cái tên Hằng đặt cho Trường vì anh sinh vào tháng 6.
"Từ khi phải lên Chợ Rẫy điều trị, một tuần em với ảnh chỉ gặp nhau được một lần vào ngày Chủ nhật. Thật ra em vẫn có mẹ luôn bên cạnh chăm sóc mỗi ngày, nhưng sự xuất hiện của anh làm tinh thần em cảm thấy phấn chấn hơn, được tiếp thêm sức mạnh nhiều hơn. Nhất là mỗi khi chào tạm biệt, mắt ảnh lúc nào cũng long lên, gượng cười rồi nói: Thôi em ráng khỏe rồi về với anh...", Hằng kể lại.
Những ngày bên nhau nay đã không còn khi Hằng và Trường chỉ gặp được vào mỗi ngày Chủ nhật, nhưng không vì thế mà tình cảm của cả hai bị nhạt đi.
Mỗi đợt truyền hóa chất khiến cô gái trẻ đau đớn, mệt mỏi, nhưng vì những người thân bên mình, cô vẫn tiếp tục chiến đấu can trường với căn bệnh quái ác này.
"Có anh ở đây mà..."
Trường hiện đang là nhân viên thiết kế của một công ty tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Công việc bận rộn từ sáng đến tối nhưng khi hết giờ làm, việc đầu tiên của Trường là gọi điện thoại để nghe được giọng người bạn gái đang cách mình hơn 100km.
"Ảnh buồn lắm, đau và xót lắm, em biết, nhưng ảnh không nói gì cả. 7 năm qua, chúng em đã ở bên nhau như thế mà chẳng cần phải nói với nhau quá nhiều nhưng ai cũng hiểu người kia đang cảm thấy thế nào...", Hằng tâm sự. Cũng như bao người trẻ đang có nhiều hoài bão và ước mơ rồi bỗng nhận được bản án tử không biết giáng xuống bất cứ lúc nào, Hằng cũng nhiều lần tuyệt vọng nhưng luôn giấu nước mắt cho riêng mình.
Hằng luôn tươi cười trên giường bệnh dù phải truyền cùng lúc hóa chất và nước muối, đạm vào cơ thể.
Biết Hằng bị ung thư máu, ba, mẹ, anh hai và bạn trai Hằng đều không kìm được nước mắt, nỗi tuyệt vọng bao trùm ngôi nhà nhưng Hằng lúc nào cũng tươi cười với mọi người và hứa rằng sẽ cố gắng vượt qua.
"Ba mẹ khóc, anh hai với anh Trường thì buồn hiu, nhiều lúc em chỉ muốn khóc òa lên cho nhẹ lòng nhưng thấy mọi người đã đau buồn vì mình quá nhiều rồi nên em dặn lòng phải gượng cười cố gắng. Em có khóc cũng chui vô... nhà vệ sinh, khóc cho đã rồi ra!", Hằng cười.
Hiện tại, mẹ là người túc trực bên giường bệnh để chăm sóc cho Hằng.
Những lần truyền hóa chất để lại nhiều vết thương trên tay Hằng.
Hằng nói, nhìn em cười vậy thôi chứ em sợ... chết lắm. Vì cái chết của mình để lại bao nhiêu đau đớn cho người thân. Mẹ của Hằng, người đàn bà cả đời lam lũ sương gió, buôn gánh bán bưng để có tiền lo cho hai đứa con ăn học thành tài, nay nhìn thấy con gái đau đớn mỗi ngày, lòng bà càng quặn thắt hơn.
"Có đợt hóa trị đau quá, em bảo với mẹ rằng em không muốn truyền hóa chất nữa, em mệt lắm rồi, chỉ muốn buông xuôi thôi. Mẹ khóc rồi nói, con nỡ bỏ mẹ vậy sao? Lúc đó em mới có quyết tâm để tiếp tục chống chọi với căn bệnh này. Giờ mình mới biết, chết không đáng sợ, nhưng rời xa những người mình yêu thương thì đáng sợ lắm ..", Hằng lại cười, mà mắt đỏ hoe.
Những chuỗi ngày dai dẳng lấy bệnh viện làm nhà, Hằng có đôi lúc chán nản nhưng dặn lòng sẽ không bao giờ bỏ cuộc.
"Mỗi lần nản chí, em lại nhớ đến câu nói của anh Trường: Cố lên em, có anh ở đây mà... Giờ ở bệnh viện cách xa anh 100km nhưng lúc nào rảnh anh ấy cũng chạy xe máy lên thăm em, em biết mình không bao giờ cô đơn cả".
Theo Kenh14/Trí thức trẻ