Xót xa chồng biệt tăm, mặc vợ lẽ gồng gánh 3 con riêng, 1 con chung tật nguyền suốt đời
“Dù cuộc sống dẫu còn quá khó khăn, nhưng bên ngoài vẫn còn nhiều người đau khổ hơn. Tôi cứ nghĩ như vậy để vượt qua, chứ nếu so bì với nhà giàu thì biết bao nhiêu cho vừa…”
Nghe tin về căn bệnh "quái ác" mà em Nhung mắc phải, vào dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, chúng tôi đã tìm đến nhà chị Phạm Thi Thơm (ở xóm 16, xã Khánh Thành, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) để tìm hiểu hoàn cảnh.
Tai họa ập đến
Hình ảnh đầu tiên khiến chúng tôi “lặng lòng” xót xa và suy ngẫm ngay khi vừa bước vào ngôi nhà u ám, thiếu bóng người, đó là một cụ bà 95 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn đang bế cô gái tật nguyền, cùng những lời ru văng vẳng của cụ dành cho cháu gái tội nghiệp đang ngồi trên giường.
Thấy đoàn chúng tôi bước vào căn nhà trên, bà cụ mắt kém gặng hỏi: “Ai đấy, mẹ của con bé này vừa đi sang hàng xóm hỏi việc để làm thêm, con bé yếu ớt cứ ra ám hiệu đòi mẹ. Tôi mới nhờ người bế nó ra đây để ẵm nó, ở nhà chỉ có hai bà cháu đang trông nhà thôi”.
Cụ bà 95 tuổi đang bế đứa bé tàn tật
Sau một khoảng thời gian chờ đợi, người phụ nữ với khuôn mặt đen sạm bởi sự lam lũ, chị giới thiệu với chúng tôi tên là Phạm Thị Thơm - mẹ của em Nhung.
Nhân câu chuyện đầu năm chia sẻ về mái ấm gia đình, về nhân sinh và cuộc sống của cô gái tội ấy, chúng tôi luôn nhận thấy trên khuôn mặt người phụ nữ này vẻ mặt rầu rĩ lẫn lộn với bao nỗi lo.
Khi được hỏi về người đàn ông trụ cột trong gia đình, chị Thơm chia sẻ: “Tôi là vợ lẽ của bố cháu, chúng tôi lấy nhau và sinh cháu Nhung vào năm 2000. Khi sinh ra cháu hoàn toàn khỏe mạnh như một đứa trẻ bình thường, không có bất cứ biểu hiện hay ốm đau nào…”
Các chân tay của cô gái 17 tuổi đều co quắp, teo cơ
Chỉ tay ra cánh đồng trước sân nhà, chị Thơm rươm rướm nước mắt, kể tiếp: “Đến hơn 2 tuổi, cháu còn chạy lon ton ra chỗ mẹ gặt lúa, nó nô đùa rồi lượm những bông lúa trên bờ đưa cho mẹ…”
Vậy nhưng, chỉ một cơn sốt co giật khi lúc ấy Nhung đã lên 2,5 tuổi, lấy đi tất cả sự vô tư hồn nhiên và cuộc đời cô gái đã vĩnh viễn phải mang tật nguyền. Và, giờ đây tuy đã 17 tuổi nhưng cô chẳng lớn hơn một đứa trẻ lên ba, Nhung chỉ nằm một chỗ, với hai đôi chân, đôi tay co quắp, cái lưng cong như "con tôm" và đôi mắt vô hồn luôn nhìn về phía chúng tôi mà không nói được mất cứ điều gì.
Từ một đứa trẻ bình thường nhưng căn bệnh quái ác đã khiến lưng cô gái biến dạng
Theo chị Thơm, thậm chí việc vệ sinh của Nhung cũng hoàn toàn phụ thuộc vào người khác, cứ 3-4 ngày chị phải dùng dụng cụ "moi" phân một lần cho con gái.
“Lúc đó, tự nhiên gia đình thấy cháu lên cơn sốt và co giật. Sang gọi ông lang gần nhà đến bắt mạch thấy dấu hiệu nặng, ông ấy và mọi người bảo chuyển lên viện Nhi Ninh Bình.
Tại đây các bác sỹ cho cháu rong thử vài bước, dùng các biện pháp nhưng họ đều bảo vô phương cứu chữa. Rồi sau đó, các bác sĩ bảo cháu bị viêm não nhật Bản…Khi cháu vẫn còn nằm viện, họ lập một đoàn về tận nhà tôi phun thuốc quanh làng”.
Nghi ngại về căn bệnh lạ, chị Thơm khẳng định và xót xa: “Từ khi sinh cháu ra, tôi đều đưa đi tiêm phòng theo đúng kế hoạch, không bỏ mũi tiêm nào, dòng họ hai bên nhà tôi cũng không có ai bị căn bệnh này… Nhưng tai họa ập đến với mình thì chấp nhận đem cháu về chăm sóc cả cuộc đời vậy…”.
Người cha biệt tăm
Trước khi kết thúc câu chuyện, cảm nhận rõ trong ngôi nhà ảm đạm lạnh lẽo đầy cô đơn, chúng tôi hỏi tiếp tục hỏi về chồng chị, người phụ nữ cam chịu này bắt đầu rướm nước mắt kể về số phận trái ngang.
Chị Thơm cho biết, ngay sau khi về nhà chồng làm vợ lẽ, một mình chị đã phải cùng chồng để lao động, gồng gánh nuôi 3 đứa con riêng của anh ta. Đầu năm 2000, anh chị đón nhận đứa con chung là bé Nhung.
Lúc đầu cuộc sống hai vợ chồng với bằng đó đứa con nhưng chỉ có vài sào ruộng, khiến chồng chị phải Chôvào Cà Mau làm thuê cho một chủ đầm nuôi tôm để có thêm thu nhập, cũng từ thời gian đó chồng chị biệt tăm.
“Cháu được 1,5 tuổi thì chồng tôi đi làm xa, cũng vì một mình nuôi con nhỏ, gồng gánh thêm 3 đứa con của chồng. Trong khi đó chúng nó suốt ngày chơi bời lêu lổng, quán xá. Không chịu nổi cuộc sống khổ cực, tôi bế con gái về nhà mẹ đẻ và chăm sóc cả bà luôn”, chị Thơm buồn bã nói.
Chị Thơm chắc chắn rằng, chồng chị biết con gái bị bệnh tật nhưng vẫn không chịu quay về "nhìn mặt con"
Nói về sự “mất tích” của chồng, chị Thơm cho rằng, chồng chị vốn không phải người đàn ông “tệ bạc” nhưng khi chắc chắn biết Nhung bị bệnh tật thì đã “đánh bài” chuồn.
“Nhà anh ấy ở xã gần đây, mọi người trong làng đều biết con gái tôi bị bệnh tật, thì tôi chắc chắn anh ấy cũng quá hiểu. Tôi biết anh ấy đã về quê từ vài năm nay nhưng anh ấy không hề đoái hoài nhìn mặt con gái mình ra sao. Người anh em nhà anh ấy có một vài lần ghé thăm rồi cũng không còn liên lạc nữa…” chị chua xót nói.
Ẵm đứa con gái dù như một “cục gạch” trên tay, chị Thơm vẫn tỏ ra cứng rắn và lạc quan, chị chia sẻ về cuộc sống với số tiền ít ỏi được hỗ trợ cho mẹ con chị.
“Hiện nay cháu được hưởng lương trợ cấp của người tàn tật và tôi hưởng lương người mẹ đơn thân nuôi con. Dù ít nhiều thì gia đình cũng cố gắng tất cả vì tình thương….không thể bỏ, hay cho nó (Nhung) đi….”
Chị chia sẻ thêm. “Dù cuộc sống dẫu còn quá khó khăn, nhưng bên ngoài vẫn còn nhiều người đau khổ hơn. Tôi cứ nghĩ như vậy để vượt qua, chứ nếu so bì với nhà giàu thì biết bao nhiêu cho vừa…thôi thì phải tự chăm sóc cho nhau, hàng ngày tôi vẫn phục vụ thêm cả mẹ già 95 tuổi”.