Cô gái 17 tuổi bị tổn thương cổ tử cung, bác sĩ khuyên làm một việc dù biết ảnh hưởng đến khả năng làm mẹ
Tiểu Hân mới 17 tuổi, chưa kết hôn, nếu phẫu thuật cắt bỏ một phần cổ tử cung thì có thể ảnh hưởng đến thụ thai, nếu sau này có mang thai cũng dễ bị sinh non.
- "Em có định nói với bố mẹ của em không?".
- "..."
- "Nhưng em cần phải nhập viện phẫu thuật đấy"
- "..."
Đó là cuộc trò chuyện ngắn của bác sĩ Dương Chí Hải (Phó giám đốc Bệnh viện số 1 trực thuộc Đại học Y khoa Đại Liên, Trung Quốc) với một bệnh nhân nữ 17 tuổi Tiểu Hân (tên bệnh nhân đã được thay đổi). Chỉ vài phút trước đó, kết quả sinh thiết của Tiểu Hân đã có, cô được kết luận có tổn thương tiền ung thư cổ tử cung.
Một năm trước, Tiểu Hân đã bắt đầu đến đây khám. Cô cho biết, ngay cả khi không có kinh nguyệt cô cũng bị ra máu. BS Dương Chí Hải là người đã khám cho cô. Kết quả xét nghiệm thấy dương tính với virus HPV, sinh thiết tế bào cổ tử cung cho thấy "tổn thương biểu mô vảy". Tuy nhiên, bệnh nhân còn rất trẻ nên bác sĩ đã đề nghị cô theo dõi thêm và điều trị các triệu chứng.
Một năm sau, Tiểu Hân tiến hành nội soi âm đạo một lần nữa thì thấy bệnh đã tiến triển nặng hơn. "Bây giờ vẫn là giai đoạn sớm, em nên làm phẫu thuật", BS Dương Chí Hải đưa ra lời khuyên. Tuy nhiên, Tiểu Hân mới 17 tuổi, chưa kết hôn, nếu phẫu thuật cắt bỏ một phần cổ tử cung thì có thể ảnh hưởng đến thụ thai, nếu sau này có mang thai cũng dễ bị sinh non do chức năng cổ tử cung đã kém đi.
Sau khi tiễn Tiểu Hân đi, BS Dương Chí Hải lặng đi thật lâu. Là bác sĩ ngoại trú phụ khoa, mấy năm gần đây anh thấy bệnh nhân bị tổn thương cổ tử cung càng ngày càng trẻ hóa, mỗi tháng đều có vài bệnh nhân trẻ dưới 20 tuổi đến khám. Và cũng bởi ảnh hưởng dịch bệnh mà nhiều người không chú ý đến việc kiểm tra sức khỏe và sàng lọc, kết quả phát hiện ra đã là giai đoạn giữa và cuối.
Những triệu chứng bất thường cảnh báo nguy cơ ung thư cổ tử cung
BS Dương Chí Hải khuyến cáo chị em phụ nữ đừng bỏ qua 3 dấu hiệu bất thường sau của cơ thể vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh ung thư cổ tử cung.
1. Vùng kín chảy máu bất thường
Bất kỳ một dấu hiệu chảy máu ở vùng kín nào cũng tuyệt đối không được chủ quan bỏ qua. Đặc biệt là những dấu hiệu như chảy máu sau khi quan hệ tình dục, chảy máu nặng trong chu kỳ kinh nguyệt, hay số ngày có kinh nguyệt kéo dài hơn bình thường... cũng đều có thể là các biểu hiện tiềm ẩn của ung thư cổ tử cung.
Ngoài ra, nếu thấy có hiện tượng rong kinh hay chu kỳ kinh nguyệt thay đổi thất thường hàng tháng thì không nên chủ quan xem thường. Bởi đây cũng có thể là một dấu hiệu cảnh báo sớm bệnh ung thư cổ tử cung ở phái nữ.
2. Âm đạo tiết dịch bất thường, có mùi hôi
Tiết dịch âm đạo là một hiện tượng bình thường ở phái nữ. Tuy nhiên, nếu dịch này tiết ra bất thường như có màu xám đục, có mùi hôi, tiết nhiều hơn bình thường... thì không nên chủ quan xem thường. Bởi đây đều là những dấu hiệu có thể cảnh báo bệnh ung thư cổ tử cung hoặc các bệnh phụ khoa khác. Hơn hết, nếu thấy vùng âm đạo còn tiết ra dịch màu trắng, ban đầu chỉ ra ít, càng về sau càng tăng dần lại kèm theo hiện tượng dịch bị loãng hoặc nhầy thì cần chủ động đi khám ngay.
3. Viêm âm đạo lặp đi lặp lại
Tử cung và âm đạo của người phụ nữ có liên kết và ảnh hưởng lẫn nhau. Tử cung của người phụ nữ không khỏe mạnh trong một thời gian dài, cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe âm đạo. Nếu chị em phát hiện ra âm đạo bị viêm, lặp đi lặp lại nhiều lần kèm theo mùi hôi, mà không phải do tác nhân bên ngoài thì rất có thể do sự xuất hiện của ung thư tử cung. Khi đó, chị em cần đi khám ngay.
Ung thư cổ tử cung có thể phòng ngừa được, đây là những việc chị em cần làm
1. Tích cực khám phụ khoa
Các bệnh phụ khoa không phải là điều gì đáng xấu hổ mà phải giấu giếm để rồi hậu quả càng thêm nặng nề. Trong quá trình khám phụ khoa, hãy đảm bảo bác sĩ có kiểm tra khung chậu của bạn để phát hiện sớm những dấu hiệu nghi ngờ.
2. Chú ý vệ sinh cá nhân
Phụ nữ nên đặc biệt chú ý đến việc vệ sinh cơ quan sinh sản, đặc biệt là trong thời kỳ kinh nguyệt. Thời kỳ kinh nguyệt là thời gian phòng thủ yếu nhất của cơ thể, chỉ cần không chú ý một chút là có thể dễ dàng dẫn đến nhiễm trùng do vi khuẩn gây hại tấn công tử cung. Trong thời kỳ kinh nguyệt, chị em nên chú ý đến việc thay băng vệ sinh thường xuyên, tốt nhất là thay thế mỗi 2-4 giờ, trước khi đi ngủ cần vệ sinh sạch bằng nước ấm.
3. Sàng lọc cổ tử cung thường xuyên
Sàng lọc cổ tử cung là cách tốt nhất để kiểm tra tế bào cổ tử cung và sàng lọc virus HPV. Tuổi khởi phát của ung thư cổ tử cung khác nhau với mỗi phụ nữ. Đối với những người kết hôn sớm, nhiễm virus HPV, phụ nữ mắc bệnh ở cổ tử cung, tốt nhất là kiểm tra 1 đến 2 năm một lần, phụ nữ khỏe mạnh nếu kết quả âm tính có thể được kiểm tra 3 đến 5 năm một lần.
4. Tiêm vắc-xin HPV
Trong hai năm qua, vắc-xin HPV đã được đưa ra thị trường rộng rãi. Một số loại vaccine có thể ngăn ngừa 2, 4 hoặc 9 loại virus có nguy cơ cao lây nhiễm HPV, bao gồm cả những vi khuẩn gây bệnh ung thư cổ tử cung. Hãy tham khảo tư vấn của bác sĩ để chọn được loại vaccine thích hợp với mình.
Theo Sohu, Wikihow