Cô con dâu… khủng!

Theo PNO,
Chia sẻ

Bạn bè tôi bảo cái số của tôi thế, tôi bị trời trừng phạt, ghét của nào trời trao của ấy.

Tôi rất xót con trai. Cháu được chúng tôi chăm chút rất kỹ lưỡng. Đến khi trưởng thành, cháu học giỏi giang, có nghề nghiệp tốt.
 
Con tôi cũng rất tình cảm, hiếu thuận. Nhiều người mong ước được kết thông gia với tôi. Thế mà đùng một cái, nó đi yêu một cô, nói thế nào nhỉ, rất “kinh hoàng” với cả gia đình. Cô này ăn chơi, trang điểm đậm, áo quần thời trang, lại là con út được cưng chiều, chả biết làm gì. Nó “hành” con tôi lúc nào cũng phải làm đẹp lòng nó. Thằng con tôi thì chỉ sợ nó giận…
 
Bạn bè tôi bảo cái số của tôi thế, tôi bị trời trừng phạt, ghét của nào trời trao của ấy. Tôi có cảm giác bị cướp mất con. Khi hỏi con trai vì sao, nó bảo trông bề ngoài vậy thôi, chứ cô ấy có ưu điểm là rất thích chăm sóc người khác! (Mà tôi chả thấy có cái gì chứng tỏ điều đó). Tôi biết con cái bây giờ yêu đương tự do nên cha mẹ phải chịu. Nhưng cô bảo tôi phải “chịu” cách nào cho tâm trí được yên?
 
Phạm Thư Lê (Q.1, TP.HCM)
 

Kính gửi bác Thư Lê!

Con trai bác đã yêu một cô gái có sự giáo dục của gia đình khác biệt với giáo dục của gia đình bác. Cái đó rõ. Sự khác biệt này sẽ mất một thời gian để hòa hợp, để tạo ra một “nền văn hóa mới - riêng” của gia đình nhỏ đang hình thành. Hai người xa lạ nay “chung thành một” sẽ có một quá trình làm quen với nhau và mỗi người tự phải kiềm chế bớt những gì gây hại cho gia đình. Còn những ai “bê nguyên xi” các thói quen xấu thì kết quả sẽ có một gia đình như ta vẫn thấy: cơm không lành canh không ngọt, con cái bị tổn thương và cuối cùng là tan đàn sẻ nghé.

Theo tôi, đây là việc của đôi vợ chồng. Bác là mẹ, đã làm đầy đủ bổn phận của mình rồi, hãy cứ nghĩ thế. Chúng ta thường nhấn mạnh trách nhiệm của gia đình trong dạy con, nhưng một số nghiên cứu gần đây lại đưa ra kết luận: sự giáo dục của cha mẹ không phải là chỉ số chính đo độ thành công, mà môi trường xung quanh mới là quyết định. Nói điều này để bác có cách “chịu” cho tâm trí bình yên. Bác đừng hình dung ra mẫu hình tưởng tượng và kỳ vọng về các cô con dâu tương lai nữa. Bởi vì chính con trai bác đã bắt đầu một sự lựa chọn rất khác lạ so với những gì thế hệ cha mẹ có thể hình dung. “Chả lẽ cứ để mặc con khổ”, nhiều người nghĩ thế. Nhưng chính chữ “khổ” này sẽ gây tranh cãi đây. Bác thấy khổ, còn anh con trai thì không. Vì vậy, bác nên nói cho con biết suy nghĩ của mình về cô gái (chứ không phải là chê bai, tỏ thái độ phản đối hoặc đau khổ).  Bác có thể nói ra suy nghĩ này: “Con và cô ấy khác biệt khá nhiều, cần phải tìm được sự hòa hợp. Sự khác biệt văn hóa gia đình sẽ gây trở ngại về thói quen nếp sống, cho nên phải thật thương, thật yêu mới tìm ra sự hòa hợp”. Bác nói với con để con lựa chọn thông minh và phù hợp (mà sự phù hợp với con bác, chưa chắc đã phù hợp với bác, đó là chuyện thông thường vẫn xảy ra).

Nếu gạt bỏ định kiến, bác có thể hiểu thêm cô gái, biết đâu bác sẽ tìm thấy ưu điểm của cô ấy (ai mà chả có ưu, có nhược) để thêm yên lòng. Con trai bác sẽ chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình, vì anh ta sẽ sống cuộc sống của anh ta. Cha mẹ dù có thương mấy cũng đâu có sống thay con được. Nghĩ như thế để luôn ủng hộ con trong cuộc sống, người lớn sẽ tự giải tỏa căng thẳng cho mình. Đừng khăng khăng cho rằng mình đúng. Mình đâu có gần gũi cô gái ấy bằng anh con trai, phải không bác? Anh ta mới hiểu cô ấy hơn hết.

Kính chúc bác sức khỏe!
 
Chia sẻ