Clip gây bão TikTok "5 rưỡi về nhà ngay để tránh bị sếp giao việc" và bài học đắt giá: Phải sòng phẳng mới không bị bóc lột sức lao động!
Có thể nói đây đúng là "chiêu trò" các sếp hay dùng để giao việc cho nhân viên ngoài giờ hành chính.
Thông thường, giờ làm việc của chị em công sở sẽ là từ 8 giờ sáng đến 17h30 chiều tùy theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Điều đó có nghĩa, nhiệm vụ hàng ngày của bạn sẽ được xử lý trong khoảng thời gian trên. Bất cứ các deadline, tác vụ, công việc khác ngoài khung giờ này đều được tính là OT (Over-time: làm thêm).
Mặc dù vậy, có nhiều người sếp tham lam và luôn muốn nhân viên làm việc chăm chỉ nhưng lại không muốn trả tiền OT. Họ sẽ sử dụng quyền cấp trên của mình để sai khiến nhân viên làm ngoài giờ hành chính. Hoặc một cách khác rất quen thuộc như trong clip dưới đây. Clip này đang được cộng đồng Tik Tok chia sẻ rầm rộ vì quá đúng!
Theo đó, khi một cậu nhân viên đúng 5 rưỡi chiều "phi như bay" về nhà, đồng nghiệp thắc mắc sao phải vội như thế. Nào ngờ khi cậu kia vừa rời công ty, sếp đã mang một tập tài liệu đến yêu cầu những người ở lại hoàn thành. Đến ngày hôm sau, mọi người đã "ngấm đòn" và ra về luôn lúc 5 rưỡi chiều, khiến sếp không còn thấy ai để giao việc được nữa.
Vì sao dân công sở nên về ngay đúng lúc 5h30?
Mặc dù clip trên chỉ mang tính chất giải trí nhưng nó phần nào cũng tái hiện thực trạng tại các văn phòng hiện nay: Nhân viên chỉ mong nhanh nhanh chóng chóng về nhà, còn sếp lúc nào cũng muốn giao thêm việc.
Phải làm sao trước vấn đề nhân viên lười, sếp bóc lột?
Thứ nhất, công việc của sếp giao không có gì là quá đáng, tuy nhiên cấp trên cần có một sự sắp xếp hợp lý. Ví dụ như vào cuối ngày hay có báo cáo, thống kê KPI, doanh số hoặc 1 deadline gấp nào đó, sếp cần chủ động thông báo cho nhân viên để họ cũng sắp xếp việc gia đình, việc riêng và thong thả ở lại làm tiếp.
Bên cạnh đó, sếp cần rõ ràng trong việc làm thêm ngoài giờ, tính tiền OT sòng phẳng để nhân viên không cảm thấy quyền lợi của mình bị bóc lột.
Khoản 1 Điều 106 Bộ luật lao động 2012 quy định:
"Làm thêm giờ là khoảng thời gian làm việc ngoài thời giờ làm việc bình thường được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện có được sự đồng ý của người lao động; sắp xếp thời gian làm thêm giờ không quá 50% giờ làm việc bình thường; sau đợt làm thêm giờ liên tục thì bố trí cho người lao động nghỉ bù so với thời gian không được nghỉ (quy định tại khoản 2 Điều 106 BLLĐ 2012)."
Mặt khác, nhân viên cũng chẳng cần phải quá vội vã ra về, bởi như vậy sẽ làm hình ảnh của bạn xấu đi rất nhiều trong mắt cấp trên, từ đó ảnh hưởng tới việc thăng quan tiến chức. Điều tốt nhất là hãy thẳng thắn nói chuyện với sếp, rằng sau 5 rưỡi ai cũng có công việc riêng, kể cả khi deadline xuất hiện thì hãy giao về nhà làm, tính tiền OT đầy đủ thay vì bắt ép nhân viên ở lại công ty, trừ trường hợp thực sự gấp gáp.
Chính từ việc nhân viên không dám bộc lộ suy nghĩ, sếp cũng chẳng rõ ràng, minh bạch mới dẫn tới những "chiêu trò" để lừa dối nhau, nhằm "lách luật", trốn tránh công việc. Về lâu về dài điều này sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến công ty, đến hiệu quả làm việc chung.