Chuyên gia tâm lý chỉ ra 5 dấu hiệu cảnh báo cuộc hôn nhân của bạn có thể sẽ tan vỡ
Ly hôn không phải chuyện một sớm một chiều và những rạn nứt sẽ luôn xuất hiện từ trước, chỉ có điều bạn có đủ tinh tế để nhận ra chúng hay không mà thôi.
Chắc hẳn vào khoảnh khắc các cặp đôi trao cho nhau chiếc nhẫn cưới, chẳng ai mong sẽ có ngày mình phải ký vào tờ giấy ly hôn. Rõ ràng, tất cả chúng ta đều muốn có một cuộc sống hạnh phúc bên cạnh người mà bản thân đã lựa chọn.
Dẫu vậy, không thể phủ nhận thực tế rằng càng ngày tỉ lệ ly hôn càng cao hơn, đặc biệt với những cặp vợ chồng trẻ. Các nhà tâm lý học ở Anh đã nghiên cứu và chỉ ra 10 dấu hiệu cảnh báo trước nguy cơ tan vỡ mà các cặp đôi thường không để tâm.
1. Kết hôn ở độ tuổi thiếu niên hoặc sau tuổi 32
Không có một lời gợi ý chung nào cho tất cả mọi người về thời điểm mà họ nên bước vào hôn nhân. Chỉ cần bạn cảm thấy sẵn sàng cho một cuộc sống chung, và tin rằng anh ấy/cô ấy chính là người bạn muốn gắn bó lâu dài là đủ.
Tuy nhiên, Nicholas Wolfinger - Chuyên gia tại trường Đại học University of Utal đã đưa ra lời khuyên rằng mọi người không nên kết hôn quá sớm (trong tuổi thiếu niên) hoặc quá muộn (sau tuổi 32).
Theo những nghiên cứu và khảo sát mà Wolfinger đã thực hiện, những cặp đôi kết hôn trong 2 độ tuổi này có tỷ lệ ly hôn tăng dần 5% mỗi năm, cao hơn nhiều so với những người kết hôn trong khoảng 20-30 tuổi.
Wolfinger cho biết tuổi niên thiếu và độ tuổi sau 32 đều tiềm ẩn những sự bồng bột. Trong khi tuổi niên thiếu thường ngộ nhận về khả năng và mong muốn gắn bó của mình với đối phương, thì những người sau tuổi 32 lại thường quá vội vàng trong việc tạo lập gia đình mà không suy nghĩ kỹ về quyết định này.
Theo đó, Wolfinger cho rằng độ tuổi tốt nhất mà một người nên bước vào hôn nhân chính là những năm sau tuổi 20 và trước tuổi 32.
2. Luôn trong trạng thái âu yếm, tình cảm thái quá như những cặp vợ chồng son
Thoạt nghe, điều này có vẻ vô lý. Tuy nhiên, nhà Tâm lý học Ted Huston đã chỉ ra: "Ai cũng biết rằng việc các cặp vợ chồng không âu yếm, tình cảm với nhau là một dấu hiệu của sự rạn nứt. Nhưng ở chiều ngược lại, quá quấn quýt và luôn trong trạng thái vợ chồng son cũng không phải là một dấu hiệu tốt".
Để đưa ra được kết luận này, Huston và nhóm nghiên cứu của ông đã cập nhật, theo sát và thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với 168 cặp vợ chồng trong suốt 13 năm kể từ ngày họ kết hôn.
Kết quả công bố Trên Tạp chí Interpersonal Relations and Group Processes vào năm 2001 cho biết: "Các cặp đôi thể hiện tình cảm thái quá hậu hôn nhân có tỷ lệ ly hôn cao gấp 3 lần các cặp đôi duy trì tình cảm ở mức độ bình thường."
Công bố này cũng cho biết thêm rằng các "cặp vợ chồng son" trong khảo sát của Huston chỉ duy trì được trạng thái hưng phấn của họ trong tối đa 7 năm.
Trang Psychology Today cũng đưa ra một lời bình luận đồng tình với quan điểm của Huston: "Các cặp đôi bước vào hôn nhân với tư tưởng lãng mạn hóa thái quá cuộc sống chung thường dễ đổ vỡ hơn các cặp đôi khác. Dù bạn có tin hay không, hôn nhân cũng không phải là một bộ phim tình cảm lãng mạn. Vì thế đừng cố gắng để lãng mạn hóa nó quá mức."
3. Kể về đời sống hôn nhân với thái độ tiêu cực
Năm 1992, Gottman cùng các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Washington đã tiến hành một chuỗi các buổi trò chuyện mà trong đó, 95 cặp đôi tham gia được khuyến khích thoải mái chia sẻ về những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống hôn nhân của họ.
Bằng cách phân loại các cuộc trò chuyện dựa trên tinh thần, thái độ của người tham gia, Gottman cùng các đồng nghiệp sẽ dự đoán các cặp đôi có thể sẽ phải đối mặt với sự tan vỡ.
Kết quả được công bố vào năm 2000 trên Tạp chí Family Psychology cho biết: "Tất cả các cặp vợ chồng đều có mâu thuẫn trong suốt quá trình chung sống, nhưng điều tạo nên sự khác biệt chính là thái độ của họ khi nói về đời sống của mình.
Những người luôn tập trung kể về những bất đồng, thói xấu của đối phương với biểu cảm không mấy tích cực có nguy cơ ly hôn cao hơn số còn lại. Trong khi đó, những người tập trung nói về "chúng tôi" và những điều tốt đẹp, thay vì thói xấu của người bạn đời thường dễ dàng khắc phục hoặc vượt qua mâu thuẫn hơn."
4. Luôn kiểm soát chặt chẽ thu nhập của đối phương
Kinh tế là một trong những yếu tố gây căng thẳng phổ biến nhất trong hầu hết các cặp vợ chồng. Trên thực tế, tiền thường được coi là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới quyết định ly hôn của nhiều người.
Một nghiên cứu năm 2012 trên Tạp chí Family Relations cho biết "Tiền là yếu tố dự báo hàng đầu về ly hôn cho cả nam và nữ".
Tuy nhiên, ngược lại với suy nghĩ rằng không có đủ tiền sẽ dẫn đến ly hôn, các nghiên cứu cho thấy các cặp vợ chồng có thu nhập cao thực sự có nhiều khả năng chia tay hơn các cặp vợ chồng có mức thu nhập trung bình.
CNBC đã đưa ra một lời bình luận về khía cạnh kinh tế trong hôn nhân, bao gồm thực tế rằng tỷ lệ ly hôn thường cao ở những mối quan hệ mà một người có thu nhập cao, còn một người hoàn toàn không có thu nhập.
Nói cách khác, mức thu nhập không mang tính quyết định trong việc hai người có chung sống với nhau lâu dài hay không. Việc cả hai cùng chung sức tạo ra thu nhập, và không phải phụ thuộc cũng như kiểm soát thu nhập của nhau mới là vấn đề cốt lõi.
5. Luôn cố gắng trốn tránh những xung đột, bất đồng
Mâu thuẫn là điều không thể tránh khỏi trong bất cứ mối quan hệ nào, không chỉ riêng hôn nhân. Tuy nhiên, nhiều người có xu hướng cố gắng lờ đi những bất đồng để duy trì trạng thái không cãi vã, không tranh luận.
Tuy nhiên, điều này thực tế lại rất có hại cho đời sống của các cặp đôi.
Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên Tạp chí Marriage & Family cho thấy hành vi "trốn tránh" của người chồng có xu hướng dẫn tới sự đổ vỡ cao hơn.
Kết luận này được đưa ra dựa trên các cuộc phỏng vấn của các nhà nghiên cứu với khoảng 350 cặp vợ chồng mới cưới sống ở Michigan.
Trong khi đó, một khảo sát năm 2014, được công bố trên Tạp chí Communication Monographs cho thấy các cặp vợ chồng tham gia vào mô hình "Bày tỏ - Giữ im lặng" thường luôn cảm thấy chán nản và không hạnh phúc với đời sống của mình. Trong khảo sát này, các cặp đôi sẽ phân vai rõ ràng: Một người luôn bày tỏ nguyện vọng, một người luôn trốn tránh bằng cách phổ biến nhất là im lặng hoặc trì hoãn trò chuyện.
Paul Schrodt - Chuyên gia tại Đại học Texas Christian, người chịu trách nhiệm chính cho những khảo sát trên nói rằng: "Đây là một mô hình phổ biến rất khó phá vỡ bởi mỗi người đều nghĩ rằng đối phương mới là nguyên nhân của vấn đề.
Tuy nhiên, trong hôn nhân, mọi thứ đều xuất phát từ cả hai phía và đó là lý do cả hai đều cần thẳng thắn trò chuyện, bày tỏ, thay vì một người luôn chỉ nói, và một người luôn chỉ cố gắng tỏ ra nhận lỗi, hoặc im lặng."
Cuộc sống luôn tồn tại những sai lầm và cả những cảm xúc không mấy dễ chịu, đặc biệt là khi chúng ta phải dung hòa bản thân với một người khác. Chính vì thế, đừng cố gắng trốn tránh hoặc lờ đi những dấu hiệu rạn nứt.
Mọi thứ đều có thể khắc phục và trở nên tốt đẹp hơn, nếu chúng ta dành cho nó đủ sự quan tâm và vun đắp. Hôn nhân cũng không phải là một ngoại lệ.