Chuyên gia rùng mình với loại bánh mì nóng giòn được tẩm “hóa chất lạ” để nở to, chín nhanh hơn: Ăn nhiều cẩn thận biến đổi gen, mắc ung thư
Bánh mỳ là món ăn quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Vì số lượng tiêu thụ bánh mì là rất lớn nhưng lại không khó làm nên nhiều người chủ quan rằng đây là sản phẩm an toàn. Tuy nhiên thực tế lại không hoàn toàn như vậy.
MXH lan truyền clip nói về bánh mì nóng giòn tẩm hóa chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe
Thời gian gần đây, cư dân mạng chia sẻ rộng rãi một đoạn clip nói về quy trình sản xuất những chiếc bánh mỳ nóng giòn tại một lò bánh mì quy mô nhỏ nhưng đã lâu năm trên phố Minh Khai, Hà Nội. Đây là đầu mối cung cấp bánh mì cho nhiều quán ăn vỉa hè, giá rẻ…
"Mục sở thị" một cơ sở sản xuất hàng ngàn chiếc bánh mì mỗi ngày trên phố Minh Khai, Hà Nội. Hình ảnh cắt từ clip
Xem đoạn clip, nhiều người "sởn da gà" khi tận mắt trông thấy rất nhiều nguyên liệu làm bánh để ngổn ngang khắp lối đi, bột mì chứa trong một chiếc thùng đã hoen gỉ, cáu bẩn, tại đây cũng xuất hiện nhiều chai lọ, phụ gia không nhãn mác… Đáng nói, dù lò bánh mì chỉ chứa những dụng cụ làm bánh sơ sài, cũ kỹ nhưng ngày nào cơ sở này cũng ra lò hàng ngàn chiếc bánh mì để cung cấp cho thị trường.
Cơ sở này sử dụng rất nhiều chai lọ, phụ gia không nhãn mác. Hình ảnh cắt từ clip
Thông thường, để có được 1 mẻ bánh mì thơm ngon thì phải cần tới 5-6 tiếng. Tuy nhiên, tại các xưởng bánh mì quy mô nhỏ thế này thì thời gian làm bánh được rút ngắn 1 nửa. Theo thông tin từ ANTV, hiện nay vì lợi nhuận nên nhiều cơ sở sản xuất bánh mì đã cho thêm chất phụ gia kali bromat để rút ngắn thời gian nướng bánh một nửa.
Được biết, kali bromat là hợp chất dạng bột, có màu trắng, là một chất oxy hóa cực mạnh, có tác dụng làm giảm thời gian nướng, làm bánh nở nhanh, tăng độ xốp và giữ hương vị cho chiếc bánh mỳ.
Kali bromat có tác dụng làm giảm thời gian nướng, làm bánh nở nhanh, tăng độ xốp và giữ hương vị cho chiếc bánh mỳ. Hình ảnh cắt từ clip
Tại Việt Nam, chất phụ gia kali bromat không có mặt trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm, ban hành kèm theo thông tư số 27 ngày 30 tháng 11 năm 2012 của Bộ y tế.
Đến chuyên gia cũng "rùng mình"
Nghe đến việc nhiều cơ sở sản xuất bánh mì đang sử dụng kali bromat vì mục đích thương mại, PGS-TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa - Trường Đại học Khoa học Tự Nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng khá bất ngờ. Ông cho biết kali bromat thực ra là một chất oxy hóa cực mạnh, nếu ăn phải tồn dư của nó thì người ăn sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Còn nếu kali bromat không tồn dư sẽ tạo thành bromua, tuy nhiên hàm lượng bromua ở trong thực phẩm có giới hạn rất thấp, nếu vượt ngưỡng cho phép thì cũng gây hại cho người.
"Trước đến nay tôi chưa từng thấy ai cho kali bromat vào thực phẩm. Họ có thể nghe từ đâu hoặc học theo từ đâu đấy. Nhưng đây là việc làm nguy hiểm rất cần phải nhìn nhận lại 1 cách nghiêm túc", PGS-TS Trần Hồng Côn cho hay.
Giải thích thêm về tác hại của bromat trong bánh mì, PGS-TS Trần Hồng Côn cho biết:
Khi người ta đưa kali bromat vào trong bánh mì thì nó sẽ oxy hóa tất cả các hợp chất có trong bánh (như bột, đường, protein…), tạo thành các hợp chất gây độc như hợp chất hữu cơ, thậm chí có thể tạo ra brom hữu cơ, độc ngang clo hữu cơ, tiềm ẩn rủi ro cực kỳ cao.
Vì lợi ích thương mại, nhiều cơ sở kinh doanh đã bỏ qua những tác hại nghiêm trọng của bromat, họ chỉ thấy các phản ứng sinh khí, khiến ổ bánh mì nở bung ra mà không hề biết khí đó sinh ra có thể là khí brom, cũng có thể là các hợp chất của brom hữu cơ, cực kỳ độc hại.
Theo chuyên gia, ngay cả người làm bánh mì cũng sẽ ít nhiều bị phơi nhiễm, nhưng nguy hiểm nhất vẫn là người ăn, tính rủi ro rất cao. Khi liên tục hấp thụ kali bromat tồn dư, chất oxy hóa mạnh này sẽ phá hủy các tế bào, làm biến đổi gen, đặc biệt là có khả năng gây ung thư lên thận, tuyến giáp và nhiều bộ phận khác của cơ thể.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng bày tỏ thắc mắc kali bromat vốn rất đắt, hiếm, thường được dùng trong phòng thí nghiệm nhưng không hiểu sao nhiều cơ sở lại có thể mua và sử dụng được.
"Rất có thể họ đã sử dụng chất kali bromat công nghiệp", PGS-TS Trần Hồng Côn nói.
PGS. Côn cho biết cần phải đưa loại bột mà các cơ sở sản xuất dùng đến cơ quan chức năng kiểm định xem thực chất là gì, có đúng là kali bromat không hay còn có những gì nguy hiểm hơn thế.
Tổng kết lại, vị chuyên gia khẳng định nếu các cơ sở sản xuất bánh mì sử dụng kali bromat để bánh mì được to, chín nhanh hơn thì vô cùng đáng trách. PGS-TS Trần Hồng Côn nói:
"Thứ nhất, chất này gây độc
Thứ 2, chất này không hợp pháp dùng trong thực phẩm
Thứ 3, hậu quả để lại khôn lường, rủi ro rất lớn".
Lưu ý để an toàn khi ăn bánh mì
Bánh mì rất khó gây ngộ độc vì hầu hết nguyên liệu sử dụng bánh đều lành tính, tuy nhiên ăn loại bánh mì không đảm bảo an toàn lại có khả năng tích tụ các hóa chất gây hại lâu ngày, ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.
Theo các chuyên gia, người tiêu dùng không nên chủ quan khi lựa chọn. Đặc biệt, khi mua bánh cần lưu ý:
- Nên chọn loại bánh mì rõ nguồn gốc, thành phần. Không nên chọn bánh mì có đường xẻ cánh cao và cứng vì đây là loại sử dụng nhiều chất phụ gia kali bromat.
- Nếu ruột bánh không đặc mà bánh có độ xé cánh cao thì không nên lựa chọn.