Công nghệ làm bánh mỳ: Có tận mắt mới thấy sợ
Bánh mỳ là món ăn được nhiều người ưa thích. Mỗi ngày, có không biết bao chiếc bánh được bán trên khắp phố phường. Tuy nhiên ít ai biết rằng công nghệ làm ra nó kinh khủng như thế nào.
Cùng với nhu cầu ngày càng tăng của người dân, giờ đây Hà Nội không chỉ có làng Khương Thượng có truyền thống làm bánh mỳ mà các cơ sở sản xuất cũng mỗi ngày mọc nhiều lên khắp các ngõ ngách. Quy trình làm bánh mỳ vô cùng đơn giản: một công thức nhào bột sẵn có và một lò nướng bằng than tổ ong không tốn kém, thêm một vài nhân công nhưng lợi nhuận lại rất lớn.
Đến thăm một cơ sở sản xuất bánh mỳ nằm sâu trong làng Phùng Khoang, xã Trung Văn, huyện Từ Liêm, mới thấy công nghệ làm bánh mỳ cũng thật đơn giản. Một “túp lều” bằng mái pro rộng chừng 30m2, được che chắn tạm bợ, nền đất, vừa là lò nướng vừa là nơi ở. Bước vào đã nồng nặc mùi chua của bột ngâm, mùi than tổ ong, mùi mồ hôi người.
Trong sức nóng tỏa ra từ lò nướng, 3 thanh niên cởi trần, mình mặc một chiếc quần cộc, mồ hôi nhễ nhại đang nhào bột. Bột mỳ và than vương vãi khắp nơi, ruồi bu đầy vào những chậu nhào bột đang được vứt chỏng chơ nơi góc nhà.
|
Bên cạnh là hàng trăm chiếc bánh mỳ vừa ra lò được đổ lên một cái chiếu rách nát và cáu bẩn. Anh Nguyễn Văn Nam, mồ hôi nhễ nhại, bàn tay lem nhem làm đủ mọi thứ, vừa cắt bột vừa nói: Làm cái này đơn giản lắm nhưng phải có “nghề” mới làm được nhé. Đầu tiên cho bột vào ngâm, bột nhập từ Trung Quốc, rẻ lắm.
Sau đó cho thêm mấy viên C để tạo chua cho bánh nở to, cho một ít muối và bột nở. Dùng máy trộn đều, nếu không có máy dùng tay cũng được. Sau đó chia mỗi bánh tương đương 1 lạng, rồi cho vào lò nướng. Để tăng lợi nhuận, bây giờ hầu hết các cơ sở sản xuất đều cho nhiều bột nở hơn.
Khay bánh vừa cắt được xếp ngổn ngang trên nền nhà. Lũ ruồi lại kéo nhau bâu đến. Một cơn gió thổi qua, bụi bay mù mịt, kịp vương lại mỗi chiếc bánh một ít. Bây giờ thì tôi có thể lý giải vì sao mà vỏ bánh mỳ bao giờ cũng có những vẩn đen trắng khó hiểu. Thậm chí nhiều khi trong ruột bánh còn được “khuyến mại” thêm cả mấy con ruồi.
Tuy nhiên, bánh được ra lò, vẫn thơm phức, càng quyến rũ lũ ruồi. Chúng được no nê cho đến khi người ta đến lấy đi. Bánh mới bẩn thế nhưng bánh tái chế còn bẩn gấp nhiều lần. Sau một ngày tung hoành nhưng vẫn ế, người ta đem trả lại lò nướng. Những cái bánh ỉu xìu, khô cứng, cong queo được tập kết vào góc nhà. Qua bàn tay người thợ và sức nóng của lò nướng, bánh cũ lại thơm phức như bánh mới.
Nổi tiếng nhất Hà Nội, có lẽ là bánh mỳ Ngã Tư Sở. Bánh to, giòn, vàng ươm. Mỗi người khách đi qua dừng lại mua không quên nói với cô bán hàng: Lấy cho em cái bánh ở trong thùng ấy, vì sợ rằng bánh để trên bám đầy bụi bặm. Nhưng ai biết rằng bánh ở trên cho vào thùng lại thành bánh “sạch sẽ”. Đó là chưa kể bánh luôn được “ủ ấm” bằng những cái giẻ cáu bẩn và hôi rình mà cả năm chắc không được giặt một lần.
Ăn kèm với bánh mỳ được thực khách thích thú còn là patê, giò chả... Cô bán bánh mỳ dùng tay không bốc chả, thịt, dưa chuột đã được thái sẵn hứng bao gió bụi nhét vào ổ bánh. Còn patê là những miếng gan bèo nhèo mua vét ở những hàng thịt ế buổi chiều. “Bánh mỳ giá lấy như nhau rồi. Có muốn lãi là phải ở cái nhân, nhân càng rẻ càng lãi”. Bánh mỳ lại là mặt hàng sử dụng trong 24h nên cũng chẳng cần đăng ký chất lượng, hạn sử dụng, nhãn mác... nên cứ hồn nhiên sản xuất tràn lan, hồn nhiên đến tay người tiêu dùng mà không cần được kiểm duyệt.