Khi mẹ chồng bên trọng, bên khinh

Nghi Viên,
Chia sẻ

Ghét con dâu nên không thèm chăm cháu. Hoặc thiên vị chăm cháu ngoại hơn hẳn cháu nội. Thậm chí, bà chỉ quý cháu giàu mà "bơ" cháu nghèo. Đó là chân dung những bà mẹ chồng "nhất bên trọng, nhất bên khinh".

Ghét con dâu, không thèm chăm cháu!

Thấy bé Nam chơi một mình trên sàn nhà, mắt nhìn bà nội bế chị họ một cách thèm thuồng mà Phương - mẹ bé Nam, không khỏi chạnh lòng.

Nhớ ngày Phương biết tin mình có thai, chị mang tâm trạng vui sướng về báo tin cho cả nhà thì mẹ chồng dội luôn gáo nước lạnh: "Chị Mai cũng có tin vui rồi. Lúc đó, tao chỉ chăm cháu ngoại thôi, bọn mày tính sao thì tính".

Nghe mẹ chồng nói thế, Phương sững sờ. Chị nhìn chồng mà ứa cả nước mắt, chạnh lòng thương cho đứa con chưa ra đời đã bị bà nội hắt hủi.

Mẹ chồng Phương nói là làm. Từ ngày Phương sinh bé Nam ra đến nay đã được 2 tuổi, nhưng số lần con chị được bà nội bế cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Ngày Phương sinh, mẹ chồng vì còn bận chăm cháu ngoại nên không thèm đến viện... nhìn cháu nội lấy một lần. Hai tuần sau khi sinh con, Phương đã phải tự làm tất cả mọi việc bởi mẹ đẻ chỉ xin phép nghỉ được hai tuần chăm con gái rồi phải về quê để tiếp tục đi làm. 

Mọi công việc nhà, Phương phải tranh thủ làm lúc con ngủ, hoặc chờ chồng đi làm về. Có hôm nhân lúc con ngủ, Phương tranh thủ tắm gội, vừa xoa dầu gội lên tóc thì con khóc. Vậy là phải xả luôn nước để vào cho con bú. Những lúc như thế, Phương thấy tủi thân ghê gớm, vậy là vừa cho con bú vừa khóc. 

Có lúc ấm ức quá, Phương lại trút nỗi bực dọc lên chồng: “Cháu nào cũng là cháu, sao bà có thể như thế chứ?”. Áp lực, tủi thân thì trách mắng chồng thế, nhưng Phương cũng biết anh khổ tâm lắm. Vốn là người con hiếu thảo nhưng từ ngày lấy nhau, vì chị, vì con anh cũng đã không ít lần xung đột với mẹ mình.

Những tưởng chỉ phải ấm ức vậy thôi, Phương cũng dần biết phận tự đảm đương mọi việc cho đến khi hết ngày nghỉ sinh. Để có người chăm con khi đi làm trở lại, vợ chồng Phương bàn tính thuê người giúp việc. Thế nhưng, hai vợ chồng vừa đưa ra lời đề nghị thì mẹ chồng chị gạt phắt với lí do: “Mẹ không thích có người lạ ở trong nhà”. 

Vậy là sau 4 tháng nghỉ sinh, Phương lại phải xin nghỉ không lương để ở nhà trông con. Trong khi con người ta 2 tuổi vẫn được chăm bẵm bế bồng trên tay thì bé Nam nhà chị 7 tháng tuổi đã phải đi gửi trẻ.

Thực ra Phương biết rõ mẹ chồng không thích chị bởi trong mắt của bà, cô không xứng đáng với Nguyên - con trai bà. Mẹ chồng luôn nghĩ Nguyên đường đường là giảng viên đại học, còn chị chỉ tốt nghiệp trung cấp, làm kế toán "quèn". 

Nhưng Phương không ngờ, dù chị có cố gắng đến đâu thì vẫn không dành được thiện cảm của mẹ chồng. Thậm chí, vì ghét chị mà bà còn ghét luôn cả cháu ruột của mình.

Khi mẹ chồng bên trọng, bên khinh 1
Ngay cả khi chung sống dưới một mái nhà nhưng mẹ chồng vẫn có sự phân biệt rạch ròi trong cách đối xử với các cháu (Ảnh minh họa).

Mẹ chồng quý cháu giàu, "bơ" cháu nghèo!


Không giống hoàn cảnh của Phương, mẹ chồng của Nhật thì vẫn bế, vẫn chăm sóc các cháu. Tuy nhiên sự yêu thương, cưng chiều dành cho bé Nghĩa - con của vợ chồng Nhật và bé Đức - con nhà anh chồng thì hoàn toàn khác nhau.

Cùng sống chung dưới một mái nhà, nhưng kinh tế của vợ chồng Nhật so với vợ chồng anh chị chồng thì kém hơn nhiều. Cũng chính vì thế, sự nuông chiều, yêu thương của bố mẹ chồng dành cho bé Nghĩa so với bé Đức cũng kém hơn.

Đơn cử, mỗi lần bà tặng quà cho hai cháu, quà của bé Đức so với quà của bé Nghĩa bao giờ cũng đắt tiền hơn. Theo cách nói của ông bà thì: “Anh Đức quen dùng hàng hiệu rồi, ông bà buộc phải đầu tư. Còn Nghĩa thì bố mẹ chưa có điều kiện, nếu mua hàng đắt quá thì sẽ tạo thói quen không tốt. Sau này Nghĩa cứ đòi dùng đồ đắt thì bố mẹ nó lấy tiền đâu”.

Nghe mẹ chồng nói vậy thì cũng có vẻ có lý, nhưng cứ nhìn quà của con anh chị chồng có giá tiền triệu, còn quà của con mình chỉ độ vài trăm nghìn, nói không ghen tị thì quả là Nhật cũng đang tự lừa mình, dối người.

Thôi thì bà đã nói thế, dù có ghen tị cũng phải chấp nhận. Nhưng đến tiền mừng tuổi vào các dịp Tết hàng năm mẹ chồng cũng phân biệt rõ ràng. Không biết thì thôi, chứ biết là Nhật không khỏi chạnh lòng. Bởi tiền mừng tuổi mà ông bà dành cho Đức bao giờ cũng gấp đôi Nghĩa.

Mới đầu, Nhật cứ nghĩ là ông bà mừng tuổi các cháu giống nhau. Nhưng trong một lần tình cờ nghe bố mẹ chồng nói chuyện với nhau cô mới vỡ lẽ. 

Theo bà thì: “Nhà ngoại của thằng Đức giàu thế, mình mừng tuổi phải nhiều để khỏi xấu hổ với bên thông gia. Với lại, vợ chồng bố mẹ nó cũng cho mình nhiều. Còn nhà ngoại thằng Nghĩa không có điều kiện, mình mừng từng ấy so với bên đó là nhiều rồi”.

Bây giờ thì Nhật bắt đầu hiểu, tại sao trước đây, mỗi lần hai anh em chơi với nhau, nếu như Đức làm Nghĩa khóc, bà nội sẽ nói: "Ôi cái thằng bé này, anh mới động một tí đã khóc rồi". Ngược lại, nếu người khóc là Đức, lập tức bà sẽ quát Nghĩa: "Cái thằng này, sao lại làm anh khóc rồi, có muốn bị bà đánh vào mông không hả?”…

Thương con, nhưng biết làm sao được. Nhật nghĩ: Thôi mình nghèo thì chịu thiệt thòi một tí vậy. Bù lại vợ chồng chị sẽ cố gắng yêu thương con thật nhiều!



Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu trong mỗi gia đình vốn đã chẳng mấy tốt đẹp. Vậy mà những người phụ nữ này còn phải sống cảnh nhà có hai "mẹ chồng".
Khi mẹ chồng bên trọng, bên khinh 2
Chia sẻ