Chuyên gia chỉ ra loạt khuyết điểm của cha mẹ có con tuổi mầm non: Toàn điều "nho nhỏ" mà hậu quả thì "siêu to khổng lồ"
Nhiều cha mẹ thấy con dễ thương nên chụp ảnh "tồng ngồng" của con rồi khoe khắp nơi, đặc biệt là trên Facebook. Đến khi con bị hại thì chỉ đổ lỗi cho kẻ xấu mà quên rằng mình đã tiếp tay cho kẻ xấu hại con.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn.
Mới đây, Tiến sĩ Vũ Thu Hương đã có bài viết chỉ ra những sai lầm mà một số cha mẹ có con ở độ tuổi mầm non mắc phải. Chia sẻ của chị nhận được nhiều sự đồng tình của các bậc phụ huynh.
Chúng tôi xin được chia sẻ lại bài viết của chị như sau:
1. Coi thường trẻ, luôn nghĩ trẻ vài tháng tuổi là sinh vật yếu ớt, không thể tự lo cho bản thân. Từ đó, cha mẹ không có ý thức dạy trẻ. Đáng nhẽ khi trẻ biết ngồi, cha mẹ cần dạy bốc ăn. Điều này sẽ dần nâng cao kĩ năng sống của trẻ, làm trẻ thêm bận rộn và ít thời gian phá phách.
2. Luôn là tín đồ của các thiết bị điện tử.
Chúng ta gọi tivi là vô tuyến (nghĩa là không dây và truyền thông tin qua sóng). Điện thoại cũng không dây,... Như vậy các thiết bị điện tử chính là các thiết bị thu phát sóng. Sống trong môi trường toàn sóng điện từ, chắc chắn não trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Gia đình nào bật ti vi hoặc sử dụng điện thoại nhiều thì não trẻ càng dễ bị tổn thương.
3. Coi trẻ như một sinh vật vô cùng yếu ớt, rất dễ bị tổn thương. Khi trẻ vừa "é" lên, cha mẹ liền lao vào "mẹ thương", "bố thương". Vô hình chung khiến trẻ cảm thấy mình thật ĐÁNG THƯƠNG. Điều này hình thành tâm lý thích gây gổ để cha mẹ vỗ về. Đây là tiền đề của tính ăn vạ.
4. Ôm ấp con suốt ngày.
Cha mẹ yêu con mà nên thường xuyên ôm ấp. Tuy nhiên hành động này có thể tạo cho con tâm lý vỏ bọc. Con sẽ chỉ cảm thấy yên ổn, an tâm khi nằm trong vỏ bọc. Nếu mẹ đi vắng, trẻ bị quẳng ra ngoài vỏ bọc và đương nhiên sẽ hoảng sợ. Điều này tạo ra tâm lý thiếu tự tin ở trẻ. (Vì thế, hãy để cho con yên nếu như nó đang không có chuyện gì xảy ra).
5. Luôn nghĩ rằng trẻ hiểu 100% những gì bố mẹ dạy bảo và… dạy liên tục bằng lời! Trẻ dưới 2 tuổi khả năng nghe hiểu rất kém. Trẻ sẽ không hiểu tại sao lại bị mẹ quát mắng ầm ầm. Trẻ chỉ sợ vì tiếng động, lời quát chứ không hiểu ý nghĩa của lời nói.
6. Rất thương xót con, không muốn con bị phạt,... nhưng lại thấy cho con "ăn đòn" là bình thường!
7. Nhiều cha mẹ không để ý hành vi của mình và nghĩ đơn giản là con chưa biết gì. Khi con vô thức học theo thì lại đánh mắng. Cha mẹ bắt con chào trong khi bản thân lại không chào con. Con không chào thì quát mắng.
Nhiều cha mẹ nói tục thoải mái nhưng nghe thấy con thì mắng. Hoặc cha mẹ cấm con vứt rác lung tung nhưng bản thân lại bừa bãi,....
8. "Tống" con đến trường mầm non đột ngột.
Từ khi chào đời, con đã quen với môi trường gia đình và luôn có người bảo trợ. Một ngày nọ, con được đưa đi học mầm non một cách đột ngột và chưa kịp thích ứng. Thế nhưng, khi con khóc và ốm, bố mẹ lại trách là hư. Việc chuẩn bị tâm lý cho con đi mầm non không được bố mẹ quan tâm mà còn gọi đó là ĐI BỘ ĐỘI.
9. Cáu gắt vì các vấn đề khác trong cuộc sống và dồn cơn tức giận lên con: Con hoàn toàn không có lỗi nếu bố mẹ cãi nhau hoặc bố mẹ bị sếp trách móc.
10. Bố coi việc dạy bảo và chăm sóc con cái là của riêng mẹ. Nếu mẹ làm không tốt là do các mẹ quá kém cỏi. Việc của bố là đi kiếm tiền về và nằm khểnh...
11. Thấy con dễ thương nên chụp ảnh "tồng ngồng" của con rồi khoe khắp nơi, đặc biệt là trên Facebook. Đến khi con bị hại thì chỉ đổ lỗi cho kẻ xấu mà quên rằng mình đã tiếp tay cho kẻ xấu hại con.
12. Không dứt khoát và nói không làm.
Nhiều cha mẹ lúc dọa phạt con thì rất mạnh mẽ nhưng sau đó lại không làm. Được vài lần, con dần nắm thóp cha mẹ và không sợ lời dọa nữa. Khi con hư, cha mẹ chỉ kết tội con lì lợm mà không nhận ra sai lầm của mình.
13. Hay lôi ma quỷ, các chú công an, ông kẹ,... ra dọa con. Điều này làm cho con cảm thấy thế giới thật đáng sợ, dần thiếu tự tin,...
14. Con mắc các bệnh tâm lý mà cha mẹ không hay biết. Ví dụ: Con cắn móng tay và mút tay là biểu hiện cô đơn. Tuy nhiên cha mẹ không xử lý triệt để các tật xấu này của con ngay từ khi mới bắt đầu mà để cho đến khi thành thói quen rồi mới đánh mắng con.
15. Cha mẹ "nói dối như cuội.
Nhiều cha mẹ luôn có suy nghĩ: "Con còn bé, sẽ chẳng biết mình đang nói dối đâu". Đến khi con bắt chước theo, bố mẹ lại... đánh đòn!
16. Luôn có suy nghĩ là "Con còn bé, biết gì mà dạy". Còn chưa biết thì bố mẹ phải có trách nhiệm dạy cho con biết. Nhưng phải dạy con từ chính các hành vi sống của mình, từ các luật lệ nhỏ nhưng nghiêm túc của gia đình chứ không phải roi vọt. Con càng nề nếp sớm càng ngoan và dễ dạy.
17. Luôn bắt con phải im như bức tượng.
Khi con nghịch, cha mẹ luôn bắt phải ngồi yên. Khi con la hét, bố mẹ bắt con phải im lặng. Cha mẹ chỉ thích các em bé không gây phiền hà cho mình, ngồi ngoan như bức tượng.
18. Nhiều cha mẹ nghĩ giao việc nhà là bóc lột sức lao động của trẻ con. Chính vì vậy bố mẹ không có thói quen giao việc cho con, không yêu cầu con giúp đỡ mọi người. Đến khi con ích kỉ thì mắng con tơi bời.
19. Một số cha mẹ trả lương khi giao việc nhà cho con. Điều này dễ khiến con có tính vật chất, ích kỷ, chỉ làm khi được trả công.
20. Không cho con chơi các môn thể thao, tham gia hoạt động ngoài trời để xả năng lượng dư thừa.
21. Không đọc truyện cho con, không kích thích con đọc sách.
22. Nhiều cha mẹ quá để ý đến thành tích. Hễ nghe quảng cáo có "thiết bị thông minh", "cách thức thông minh" nào đó là lập tức cho con sử dụng, làm theo mà không tìm hiểu rõ.
22. Không dạy con các quy tắc ứng phó với các tình huống nguy hiểm.
23. Bắt con vui vẻ, hòa đồng với tất cả mọi người mà không dạy con các nguyên tắc tự bảo vệ bản thân khỏi nạn xâm hại, bắt cóc, lạm dụng. Đến khi xảy ra chuyện thì lại bao biện và chỉ đổ lỗi cho kẻ đã làm hại con.
24. Dành quá ít thời gian cho con.
25. Không dạy con đi ngủ sớm. Con thức khuya thành nếp. Nề nếp sinh hoạt của con lệch lạc ảnh hưởng đến sức khỏe của con.
26. Không dạy con tự chăm sóc bản thân.
27. Không dạy con văn hóa KHÔNG LÀM PHIỀN NGƯỜI KHÁC.
28. Cha mẹ ép con học trước: Luôn nghe lời rỉ tai của bạn bè, ép con học trước khiến con có tâm lý sợ đi học.
29. Không tìm hiểu trước về trường tiểu học của con. Đến khi con đổi cấp, không quen thì trách con.