Chuyện cô Hoa và quầy hạt dẻ rang trải qua 11 mùa đông bên cây cầu nhỏ bắc ngang sông Tô Lịch
Ngày làm nông, chiều lại vượt hơn 30km ra chân cầu vượt ngã tư Trần Duy Hưng ngồi rang hạt dẻ, cô Hoa cứ cần mẫn như thế đã hơn 1 thập kỷ. Cô cố gắng để mỗi đêm trở về nhà, lãi được vài chục, vài trăm cho các con ăn đủ no, mặc đủ ấm...
Tháng Mười Một đã trôi qua già nửa, ai cũng than thở rằng sắm áo len áo khoác các kiểu rồi mà vẫn chưa thấy cơn gió se sắt nào ập tới. Muốn tụ tập ăn lẩu chém gió cho ấm mà cũng không thể ngồi nổi vì trời nóng. Có lẽ thấu lời oán than của bao người, mong gió lạnh tràn về, nên cuối cùng thì mùa đông cũng chính thức ghé qua Hà Nội, vào những ngày cuối tháng.
Với một cô gái ẩm ương thích lang thang và thích ăn quà vặt ven đường khi trời lạnh như tôi, thì khi cảm nhận được cơn gió mùa thổi qua đầu, tôi lập tức nghĩ ngay đến hàng hạt dẻ nóng quen thuộc ngay ngã tư Trần Duy Hưng – đường Láng. Có cả trăm chỗ bán hạt dẻ nóng quanh Hà Nội khi đông về, nhưng mặc kệ người ta biến tấu đủ kiểu, nướng hạt dẻ với mật ong, quế, rang cát… cho thơm ngon, hấp dẫn, thì tôi vẫn thích cái vị mộc mạc của hạt dẻ rang "trần trụi" đầu đường Trần Duy Hưng.
Nhiều người đi qua đây không chú ý lắm, nhưng cái biển trên vỉa hè này thật độc đáo.
Cũng vì nó mà tôi ghé vào, để rồi nghiện ăn hạt dẻ ở đây cũng mấy năm rồi, mùa đông nào cũng tới.
Cứ tầm tháng 10 trở đi, tối nào đi làm về qua đoạn Trần Duy Hưng giao với Nguyễn Khang, tôi đều để ý thấy một người phụ nữ lui cui ngồi trên vỉa hè, với chiếc ghế con, bếp than, chiếc vạc to đùng cũ kỹ, và chiếc biển to đùng khiến ai đi qua cũng bật cười: "A đây rồi, hạt dẻ nóng". Cách vài ngày tôi lại ghé vào, mua dăm ba lạng, hôm nào thèm thì nửa cân. Cô bán hàng có nụ cười rất dễ mến, giọng nói nhẹ nhàng dễ nghe, thấy khách là thoăn thoắt đảo lại hạt dẻ cho nóng, rồi cho vào giấy báo gấp sẵn thành cái túi, gói lại thành bọc, ôm vào lòng ấm sực cả tay.
Tối qua cuối tuần rảnh rang, ghé vào mua hàng, quyết định ngồi lại vừa ăn vừa trò chuyện với cô rang hạt dẻ. Sau mấy câu chào hỏi xã giao, cô hạt dẻ có vẻ chẳng ngại ngần gì, ngược lại, tôi thấy ấn tượng với nụ cười tươi tắn, xởi lởi của cô. Tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe cô tiết lộ rằng, cái bếp lò và vạc rang hạt dẻ đã theo cô tọa lạc ở đây được… 10 năm rồi.
Cô Hoa đã bám vỉa hè trên chiếc cầu bắc ngang sông Tô Lịch đã hơn 10 năm.
Những người phụ nữ quen nhau vì cùng mưu sinh ngoài đường phố.
Cô chủ vui vẻ khoe: "Nhà tôi ở Đan Phượng, xa lắm, ngày nào cũng chạy xe máy một mình hơn 30km ra đây ngồi. Ngày nhiều thì bán hết 7-8kg, ngày ít như hôm nay thì ế lắm, ngồi từ 5 giờ mới được có vài lạng".
Vừa mới cười nói xởi lởi xong, cô lại lặng im, kéo chiếc khẩu trang lên, ngồi bó gối. Tôi biết là hôm nay cô không kiếm được gì, vài lạng thì lãi lời được mớ rau là cùng… Có một chị bán bóng bay, chắc hay ghé chơi với cô hạt dẻ, ngồi cạnh đấy từ bao giờ, nhiệt tình bắt chuyện với tôi, kể về cuộc đời bám vỉa hè mưu sinh của họ. Chị bóng bay tên Hiền, quê ở Hà Nam, còn cô hạt dẻ tên Hoa, 41 tuổi. Tôi lại há hốc mồm ngạc nhiên tập 2.
Sau chiếc biển huyền thoại này là cái thùng xốp đựng túi hạt dẻ chờ rang, ít giấy báo để gói, chiếc cân cũ...
Hôm nay, cô Hoa ế hàng, gần khuya rồi mà chỉ bán được mấy lạng.
Dãi nắng dầm sương là thế, sáng làm ruộng chiều vào nội thành bán hạt dẻ rang, bỗng nhiên tôi thấy nể phục người phụ nữ nhỏ nhắn này quá. Cả chị bán bóng nữa, họ hiểu cuộc sống của mình, hiểu hoàn cảnh chính mình, nên dù đôi khi buồn vì gánh nặng cơm áo gạo tiền trên vai, bán rong bạc mặt bao nhiêu năm cũng chẳng đổi đời, họ vẫn cười vui đến lạ.
Hạt dẻ của cô Hoa mua trên vùng núi mang xuống, 1 ngày cô chỉ xách đi không đến 10kg. Cô làm sạch hạt, khía vỏ sẵn từ nhà, đến chỗ bán mới rang, vì cô bảo hạt dẻ nóng mới ngon. Hạt dẻ của cô bùi bùi, mộc mạc nguyên chất, lấy tay tách nhẹ là bên trong lộ ra hạt vàng thơm phức, không pha mật ong, nước quế gì, mà rẻ lắm, chỉ 10 nghìn/lạng.
Có khách ghé mua, cô Hoa mới bốc hạt dẻ cho vào cái vạc cũ, mở nắp lò cho đỏ lửa.
Rồi liên tục đảo đều cho hạt dẻ mau chín.
Hết khách, cô lại gác muôi bó gối, ngồi chờ trong cái rét tê tái của những ngày cuối năm.
Cô Hoa tâm sự, nhà cô có 3 đứa con, đều đang tuổi ăn tuổi học, đứa lớn nhất mới vừa 20. Thế nên, vất vả mấy cô vẫn cố gắng để kiếm tiền nuôi chúng thành người có ích cho xã hội. Chồng cô cũng ở nhà làm nông, an phận thủ thường, nên trong lòng người phụ nữ ấy luôn chất chứa biết bao lo toan, cả âu sầu nữa, bởi cô luôn nghĩ có cố mấy cũng chẳng thể giàu có hơn.
Ngày nào cũng đội nắng mưa bụi bặm, lấy đồ nghề rang hạt dẻ gửi trong bến xe Mỹ Đình rồi xếp cái ghế con, ngồi vẹo sườn ở cái cầu nhỏ ven ngã tư để kiếm vài chục bạc về trong đêm rét. Năm ngoái, năm kia, tầm này đại hàn, Hà Nội lạnh cắt da cắt thịt, cô vẫn co ro ngồi sau bếp than giữa tiết trời 3-4 độ. Giờ ấy, ai cũng chăn ấm đệm êm cả, chỉ còn cô ngồi đó, thỉnh thoảng mỉm cười hỏi thăm mấy bác lao công đẩy xe ngang qua. Đôi tay cô thô ráp, khô sần lên nứt nẻ, móng tay ố vàng vì làm đủ thứ việc, quanh năm đầu tắt mặt tối. Nhìn lại bàn tay mình, bất giác tôi thấy xót xa, trong hốc mắt chực dâng lên dòng nước nóng hổi. Tôi nhớ mẹ tôi quá...
Thấy tôi lặng im, đồng cảm với câu chuyện không đầu không cuối, cô Hoa mỉm cười: "Tôi ngồi đây từ năm 2006. Biết là vất vả nhưng đổi nghề gì bây giờ? Ngày lãi ít thì vài chục nghìn, ngày lãi nhiều thì được 200 - 300 nghìn. Tôi chỉ ước các con sau này không phải khổ như tôi, chúng ăn học đàng hoàng là được". Thỉnh thoảng có người em rể lái xe ôm chạy qua, ngồi phụ chị gói hạt dẻ, chào mời khách, chú ấy tôi cũng biết, có gặp vài lần, chú rất duyên, nói chuyện hài hước, nên cứ hôm nào có em rể qua phụ là cô Hoa bán đắt hơn ngày thường.
Ngồi một lúc thôi, mà tôi thấy chạnh lòng với những mẩu chuyện nhỏ cô Hoa túc tắc kể cho qua ngày ế hàng.
Phố xá đông vui, rực rỡ là vậy, nhưng trong lòng phồn hoa vẫn có những phận đời bé nhỏ như cô Hoa.
Nỗi lòng của người mẹ nghèo ấy, tôi hiểu. Bố mẹ tôi cũng từng gửi gắm bao nhiêu ước ao tốt đẹp vào tôi, bằng cách nuôi dạy tôi chu đáo, cẩn trọng. Những ông bố bà mẹ có thể nghèo về vật chất, nhưng họ giàu tình cảm, giàu lòng bao dung, và cho dù họ làm công việc gì, mục đích của họ luôn chỉ hướng đến tương lai tươi sáng cho những đứa con thơ.
Tôi rất muốn mua hết chỗ hạt dẻ hôm nay cho cô Hoa, để cô về nhà nghỉ sớm, có thêm tiền để mai hai đứa út có bát phở ăn sáng ấm bụng, nhưng anh bạn đi cùng đã nhanh nhảu mua hộ trước. Chia tay người phụ nữ hiền lành ấy về nhà, cô gọi với theo "Lần sau lại qua nhé!". Tôi biết, mua hạt dẻ giúp cô chỉ là một phần nhỏ thôi, chủ yếu là cô ấy thích có người trò chuyện, sẻ chia. Nếu có thời gian, mời bạn ghé qua góc nhỏ của cô Hoa nhé. Cái vỉa hè ngay trên sông Tô Lịch ấy gió thổi rin rít qua tai, lạnh lắm. Ngã tư to đùng, người xe tấp nập, nhưng cái bếp than ấy vẫn cứ lạc lõng cô đơn…