Quán bánh bột lọc 30 năm tuổi phố Ngọc Lâm, quán vỉa hè, mở hàng giờ "dị" mà vẫn nườm nượp khách
Hàng bánh bột lọc nhỏ xíu xiu nép bên tường ngôi nhà cũ đầu ngõ 243 phố Ngọc Lâm đã 30 năm qua, không có biển hiệu mà khá nổi tiếng. Dạo gần đây có nhiều khách lạ hơn, có lẽ vì tò mò nhan sắc của cô con gái bà chủ quán chăng?
Chiều muộn, phố Ngọc Lâm tắc đường như bao con phố khác ở Hà Nội, khói bụi ồn ào xen lẫn những tiếng la ó, hàng quán bên đường đã lên đèn sáng trưng. Len lỏi giữa dòng người, chẳng biết bao giờ mới thoát khỏi đám đông chẳng chịu nhường nhau như đàn dê đen dê trắng khổng lồ chờ qua cầu Long Biên, tôi rỉ tai cậu em kiếm quán nào ngồi tạm cho ấm, ăn tối luôn rồi chờ đường thoáng.
Cậu em gật đầu không lưỡng lự, tôi nhớ ra khúc cua sắp tới là con ngõ nhỏ có hàng bánh bột lọc và chè rất ngon, tôi thích ăn từ hồi mới mười mấy tuổi đến tận bây giờ. Hàng bánh này không tên, rất nhỏ, mượn tạm một khoảnh xíu xiu đầu ngõ 243 phố Ngọc Lâm để kê vài bộ bàn ghế, tiếp vô số khách suốt mấy chục năm qua.
Hàng chè, bánh bột lọc vỉa hè bé tí hon mà vẫn đông khách suốt 3 thập kỷ.
Gọi 2 bát bánh nóng, kéo chiếc ghế con để ngồi xuống bên bức tường cũ nát, cậu em tò mò hỏi: "Chị hay ăn ở đây lắm à? Em đi qua bao lần không để ý, chẳng biết chỗ này có quán ăn đâu". Thay tôi trả lời là cô chủ quán có mái tóc Hồng Kông thập niên 90: "Quán nhà cô 30 năm rồi đấy, bao nhiêu người ở xa biết tiếng, thế mà kêu không thấy bao giờ thì chán thật, tẹo nữa tính tiền gấp đôi nhá!". Cậu em gãi đầu ngượng chín, mấy nữ sinh xung quanh khúc khích cười.
Cậu ấy không biết cũng phải, quán khuất sau tiệm cắt tóc 4 cũ kỹ xập xệ nhô hẳn ra khỏi vỉa hè, phải đi từ hướng cầu Long Biên xuống mới thuận chiều mắt, hơn nữa, quán bé tẹo, chẳng phông biển gì, chỉ ai quen thuộc mới có thể đi như chim bồ câu phi vào trong ngõ, để xe đàng hoàng rồi tự tin gọi món.
Ở quán này, cái gì cũng nhỏ, cũng chật, chỗ gửi xe nằm tít bên trong.
Người đến trước ăn nhanh để nhường cho người tới sau.
Quán mở cửa từ khoảng 2h chiều trở đi và hết nhẵn mọi thứ trước 7h tối, lúc nào cũng đông nghẹt vào khoảng 4 – 5h đến nỗi không có chỗ để ngồi. Buổi sáng, góc tường này là hàng bún miến ngan, nếu muốn ghé ăn đừng vội nghĩ mình nhầm lẫn, chỉ nhầm giờ thôi.
Cô Mai Hương...
... và bác Ngân là 2 bà chủ vui tính của hàng bánh bột lọc không tên nhưng người dân Long Biên ai cũng biết.
Từ bộ bàn ghế nhựa, khay trà đá free, cho đến những cốc thủy tinh đựng chè kiểu vại bia, 10 năm nay, từ ngày tôi "phải lòng" món bánh bột lọc ở đây đến giờ vẫn y nguyên như vậy. Quán có 2 cô chủ, là hàng xóm sát vách nhà nhau ngay trong ngõ 243, đã ngoài 50 cả.
Họ bán hàng không còn vì mưu sinh như xưa, con cái dựng vợ gả chồng hết, vẫn cùng nhau dọn hàng mỗi chiều bất kể đông hè nắng gió, vì đã quen, vì bao người khách đã gắn bó với họ. Có lẽ, nếu không được ngồi đây mỗi ngày, họ sẽ rất buồn và lạc lõng giữa nhịp sống đương đại trôi đi vùn vụt ngoài kia.
Tôi đến đúng lúc quán đông nên chờ khá lâu mới được bưng bát bánh bột lọc đầy ụ, nóng hổi thơm lừng hương rau mùi trên tay. Điểm đặc biệt mà món bánh ở đây, dù hơi xa khu trung tâm vì phải sang bên kia cầu Long Biên vẫn khiến nhiều khách lặn lội đến ăn chính là hương vị đặc biệt và cách ăn rất lạ. Bánh ở đây có 2 loại nhân thịt và nhân tôm thịt. Tôm thịt đậm đà hơn, vỏ bánh không dày bằng nhân thịt.
Những chiếc bánh xinh xẻo, trắng tinh...
... được cắt đôi để chan nước ngon hơn.
Tôi đã từng trải nghiệm bánh bột lọc xịn ở ngay thành phố Huế, người ta để chiếc bánh nhỏ xinh trong từng miếng lá chuối, gói lại hình thanh dài, ăn cái nào thì bóc lá cái đó, chấm với mắm chua ngọt cay dịu rất hợp khẩu vị. Nhưng ở quán này, bánh được "ở trần", để chung độ 5 cái 1 bát, cắt đôi, rắc rau thơm lên trên rồi chan nước chấm ngập bánh.
Thích ăn nhân tôm hoặc nhân thịt, cứ việc yêu cầu, thế nào thì cũng chỉ 15k/ bát thôi!
Bánh được luộc vừa chín, không quá dính, không bị sượng, chan với nước dùng chua ngọt dìu dịu, dòng nước ấm nóng trôi xuống dạ dày tới đâu là thỏa mãn tới đó, đến nỗi ai cũng phải thốt lên rằng thứ "vũ khí lỏng" này thật lợi hại. Bánh bột lọc ở đây không có nước dùng ấy, thì chắc khó có thể hút khách đến thế.
Rắc chút hành mùi lên trên, thêm một ca nước chấm nóng hổi...
... thế là tô bánh bột lọc ngon lạ sẽ xuất hiện đầy đặn trên bàn.
Tôi hỏi bà chủ quán rằng làm cách nào mà cô pha chế ra thứ nước "thần thánh" đến vậy, vì thỉnh thoảng tôi cũng tự làm bánh bột lọc, nhưng mắm chan cùng thì pha như mắm chấm nem, không độc đáo như thế này. Cô hóm hỉnh bật cười: "Tiết lộ ra để mai mất hết khách à! Chỉ bật mí là cũng có dấm, đường, muối, ớt còn tỉ lệ pha thì bí mật".
Người phụ nữ nhanh nhẹn có mái tóc ngắn xoăn tít tất bật chạy quanh quán ấy là cô Mai Hương, người "sáng lập" ra hàng ăn vặt nổi tiếng cuối phố Ngọc Lâm, mang 2 món ăn nổi tiếng xứ Huế gần hơn với người Hà Nội.
"Hồi năm 85 - 86, cô vào tận Huế học làm món chè đặc sản trong đó. Cô lấy chồng khi còn trẻ lắm, gái Hà thành xịn nhé, nhà trong ngõ này lâu đời rồi, chồng cô về đây ở rể. Lúc đó cưới xong cũng băn khoăn nghĩ ngợi phải kinh doanh gì đó, cuối cùng quyết định khăn gói vào miền Trung học bí quyết làm chè.
Không chỉ có món bánh bột lọc quyến rũ bao người, quán không tên này còn có chè thạch đen mát lạnh.
Trân châu ở đây lúc nào cũng có viên dừa vuông bé xíu, do cô chủ tự viên lấy, ăn sần sật vui miệng.
Học cỡ vài tháng thì đủ vốn liếng về Hà Nội mở quán, nhưng vô tình cô ‘mót’ được thêm món bánh bột lọc gia truyền nữa, của một gia đình chính gốc Huế thương luôn. Năm 87 cô mở quán, cùng chị hàng xóm cặm cụi buôn thúng bán bưng đến tận bây giờ".
30 năm trước, phố Ngọc Lâm chưa sầm uất như bây giờ, dù lúc ấy cũng đã lác đác hàng quán chuyên bán bún, phở, miến ngan, xôi bánh các kiểu. Chỉ có chè Huế là món mới lạ ở đây. Cô Mai Hương cố ý chọn món này, cũng vì muốn bán thứ gì đó khác đi với hàng trăm chỗ na ná như nhau toàn đồ ăn vặt quen thuộc.
"Những ngày đầu mới bán, chỉ có mấy hào 1 cốc chè, bánh cũng thế, mấy hào 1 cái, rồi lên vài trăm đồng. Mà chưa có bàn ghế nhiều như bây giờ đâu, mấy chiếc ghế gỗ con con quây quanh gánh chè ấy. Rồi cô làm thêm cả bánh bột lọc, bán chạy nhất khi trời chuyển mùa se lạnh như bây giờ.
Từ người quen, bạn bè, hàng xóm ủng hộ lúc đầu, quán dần đông khách từ lúc nào chẳng biết. Cao điểm mùa đông, ngày nào cũng chỉ 2-3 tiếng là hết sạch bánh, chả còn chiếc nào. Mấy năm trước chị gái cô cùng phụ bán, nhưng chị bị tai biến, giờ chỉ ngồi được một chỗ thôi. Còn lại cô và bác Ngân cùng nhau xoay xỏa mỗi ngày"…
2 cô chủ quán không thể nhớ hết những vị khách đã từng đến quán, nhưng họ ấn tượng với những thực khách gắn bó với quán từ ngày mới mở, cả Việt kiều xa xứ lâu năm cũng tìm bằng được hàng của cô để chờ được nếm một bát bánh bột lọc, mới yên lòng xách vali ra phi trường.
Chị Trang (30 tuổi), nữ nhân viên ngân hàng đã "phải lòng" món bánh ở đây từ ngày còn học cấp 2, bây giờ chị đã 2 con nhưng dù bận mấy cũng thường lái xe đến ăn mỗi chiều.
Đôi mắt người phụ nữ đã ngoại ngũ tuần ánh lên nỗi mênh mang khó tả, nhìn về phía cột điện đầu ngõ, nơi có chiếc ghế nhựa và một dáng hình lặng im bất động. Có lẽ, chị gái cô dù không còn nói cười, nhận thức được như trước, nhưng vẫn đọng lại một ký ức duy nhất, xúc cảm duy nhất và một nỗi nhớ vô hình không thể tách rời khỏi hàng bánh vỉa hè đã nuôi sống gia đình họ bao năm. Buồn lây theo cô Hương, tôi lặng lẽ nếm thìa nước dùng, ngửi mùi rau thơm như xa xôi quá vãng từ cả chục năm trước.
Ngoài món bánh bột lọc, quán cô Hương cô Ngân còn có món chè thạch đen mát lạnh, hợp với tiết trời cuối tháng 10. Một cốc chè khá đầy đặn, chỉ 15 - 20 giây múc thìa đỗ đen, thêm 2 thìa thạch, nhúm trân châu nhân dừa sần sật, muôi nước đỗ ngọt lịm, rắc vài sợi dừa tươi lên là xong. Khách đến ăn bánh bột lọc thường gọi thêm chè tràn miệng, ăn đến khi no nê đứng dậy trả tiền vẫn chưa tới 50 nghìn bạc.
Phố lên đèn là quán bác Ngân hết hàng, dù ngồi góc tường này 30 năm chịu bao gió sương, bác vẫn hạnh phúc với công việc mình yêu thích.
Tôi để ý ai đến quán cũng tấm tắc khen cô Hương trẻ trung "đẹp lão", đã thế lại còn thân thiện hay cười. Bác Ngân ít cười hơn, nhưng bắt chuyện hồi lâu, bác cũng xởi lởi chẳng kém bà hàng xóm. Trời đã nhá nhem tối, khách vãn, bác Ngân vừa dọn dẹp vừa khoe với tôi: "Nhờ quán chè này mà bác nuôi được cô con gái hoa hậu xóm đấy nhé. Đứa lớn nhà bác thi hoa khôi ở trường ĐH, thi thố hoành tráng lắm, lên TV, báo mạng, nó đoạt giải xong bao nhiêu người đổ về quán bác ăn chè. Toàn bạn bè của con gái, rồi các báo tò mò đến ăn thử, đông kín cả ra đường".
Những nếp nhăn xô nhau trên gương mặt hơi sạm khi bác cười. Tôi vui buồn lẫn lộn. Chẳng biết còn được bao lần ghé quán để xuýt xoa hương thơm ấm nóng bánh bột lọc giữa những chiều đông lạnh lẽo nữa? 2 bà chủ quán nhưng không có ai nối nghiệp, học nghề nấu chè làm bánh, đáng tiếc thay.