Chuyện 2 chị em dâu thân nhau như chị em gái
Sống chung dưới một mái nhà với bao va chạm hàng ngày, những tưởng 2 phụ nữ này sẽ cố “nước sông không phạm nước giếng” hay thường xuyên đối mặt những phút "bằng mặt không bằng lòng". Nhưng chị em dâu nhà Đinh Ngọc (31 tuổi) - Ánh Tuyết (29 tuổi) lại khác.
Câu nói “Chị em dâu như bầu nước lã” dường như không đúng chút nào với 2 phụ nữ đang làm vợ, làm mẹ và làm dâu này. Sống chung, ăn chung dưới một mái nhà 3 thế hệ, dù đôi lúc không tránh khỏi va chạm, cãi vã nhưng họ vẫn yêu quý, tôn trọng và thân thiết như chị em ruột. Đi làm về, hai chị em dâu lại cùng nấu nướng, rửa bát. Tối đến, cả đại gia đình lại quây quần buôn chuyện, xem ti vi và nô đùa cùng con trẻ.
Hai phụ nữ này chính là chị Đinh Thị Ngọc, 31 tuổi (Nhân viên Bộ VHTT&DL) và Phạm Thị Ánh Tuyết, 29 tuổi (Nhân viên công ty KB Bùi Thị Xuân). Hiện, chị em Ngọc - Tuyết đang sống cùng bố mẹ chồng tại số nhà 7, ngõ 599, đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân Nam, Hà Nội.
Sau đây là cuộc trò chuyện của chúng tôi với 2 chị em dâu thân thiết như chị em ruột.
Hai chị em dâu Đinh Thị Ngọc (31 tuổi) và Phạm Thị Ánh Tuyết (29 tuổi)
Thực tế, có nhiều gia đình “chị em dâu như bầu nước lã”. Nhưng nhà bạn ngược lại, 2 chị em dâu khá thân thiết. Vậy ấn tượng ban đầu và hiện nay của Ngọc - Tuyết về em/chị dâu của mình là gì?
Đinh Ngọc: Người ta thường bảo "Gần nhau chị em gái, khái nhau chị em dâu" nhưng nói thật là mình chẳng thấy vậy với em dâu Tuyết chút nào. Ấn tượng ban đầu và hiện nay của mình về em dâu Tuyết khá tốt đẹp. Mình thấy Tuyết rất duyên và là người biết cư xử.
Ánh Tuyết: Trước khi em về nhà chồng, bố mẹ chồng đã tổ chức cho em đi Hạ Long chơi với cả gia đình. Mấy ngày đi chơi này rất vui nên ấn tượng của em về chị dâu Ngọc cũng rất tốt. Chị dâu là người chín chắn, lúc nào cũng chu toàn và chăm lo cho gia đình.
Ý nghĩ của 2 bạn khi biết mình sắp sửa có thêm em dâu hay chị dâu?
Đinh Ngọc: Khi biết sắp có em dâu, mình thấy vui lắm. Bởi trước đó ở nhà chồng, mình chỉ có mẹ chồng chia sẻ. Giờ có thêm em dâu, mình thêm một người buôn. Dù sao, em dâu cũng gần bằng tuổi mình nên dễ buôn các chuyện nhí nhố hơn.
Ánh Tuyết: Em là người cưới sau một năm nên tất nhiên khi về nhà chồng là đã có chị dâu Ngọc rồi. Trước lúc cưới hai chị em cũng gặp mặt và nói chuyện với nhau rất nhiều lần nên làm dâu mới, em cũng chẳng có gì phải lo lắng hay e ngại, dè chừng với chị dâu Ngọc. Bởi vì tính chị dâu cũng vui vẻ và dễ gần lắm.
Phạm Thị Ánh Tuyết - em dâu chị Đinh Thị Ngọc
Khi mới về làm dâu, hẳn Tuyết sẽ bị mọi người nhà chồng để ý, soi mói. Với Tuyết, ngoài mẹ chồng ra Tuyết còn phải canh chừng chị dâu Ngọc. Ngược lại, Ngọc khi có em dâu rồi cũng phải dè chừng với Tuyết vì có thể sợ mẹ chồng quan tâm em dâu hơn. Hai chị em có sự dè chừng, cạnh tranh, căng thẳng ngầm không? Và hai người bắt đầu có tình cảm tốt đẹp thật sự với nhau từ bao giờ?
Đinh Ngọc: Có thể nói, 2 chị em mình có tình cảm tốt đẹp với nhau ngay từ khi Tuyết còn chưa về làm dâu nhà chồng mình. Vì cả hai đã là những phụ nữ trưởng thành nên trong cuộc sống làm dâu, chị em mình chẳng có sự cạnh tranh hay căng thẳng ngầm nào hết. Nếu có, hai chị em cũng đều thẳng thắn nói cho nhau biết.
Cứ thế, hai chị em sống cùng nhau tính đến nay đã được 7 năm. Trong 7 năm đó thì có 5 năm hai chị em sống cùng một nhà, ăn cùng một mâm. Chỉ 2 năm gần đây, vợ chồng em dâu mới tách ra ăn riêng nhưng vẫn sống cùng một nhà.
Gần như thứ 7, chủ nhật và các ngày nghỉ lễ nào, cả đại gia đình lại tụ tập và lại chung mâm. Nhà mình và nhà Tuyết đều có 1 nhóc con nghịch như giặc. Lúc nào gia đình cũng vui vẻ và ồn ào vì tiếng cười của 2 em bé, của người lớn trng nhà.
Những ngày đầu tiên sống cùng nhau, hai chị em cũng có vài va chạm nho nhỏ. Nhưng bố mẹ chồng đã hòa giải và 2 chị em tự nhận ra sai trái của mình và tự rút kinh nghiệm. Sau đó, chị em lại vui vẻ và quấn quýt.
Ánh Tuyết: Chị Ngọc về làm dâu trong nhà trước nên ít nhiều em cũng bị soi và để ý khi là dâu mới. Ngày ấy, mọi người chê em là trẻ con, không hay quan tâm đến mọi người. Cũng may mẹ chồng em là người dễ tính. Vì mẹ chồng trẻ và vẫn đang đi làm nên cũng không soi mói con dâu.
Trong 2 chị em, ai là người hợp với mẹ chồng hơn? Những lúc bị mẹ chồng đối xử thiên vị, Ngọc và Tuyết sẽ ứng xử với chị/ em dâu của mình thế nào?
Đinh Ngọc: Trong 2 chị em, có lẽ em dâu Tuyết là người hợp mẹ chồng hơn mình. Vì mẹ thích sự thật thà và thẳng thắn. Còn mình nhiều khi bị ảnh hưởng bởi nghề nghiệp nên hay nói vòng vo mãi.
Nhiều lúc mẹ chồng đối xử thiên vị, mình cũng chẳng quan tâm. Miễn chị em vui vẻ là được. Hơn nữa mẹ chồng cũng là người biết điều phối gia đình nên không có chuyện đối xử bất công với con cái. Ở nhà mình dâu trưởng cũng như dâu thứ. Nhiều lúc hai chị em ghen tị chẳng qua là thấy bố mẹ vất vả trông cháu thì xót ông bà chứ không có điều gì to tát cả.
Ánh Tuyết: Trong 2 chị em dâu, có lẽ chị dâu Ngọc là người hợp với mẹ chồng hơn. Vì tất cả mọi việc trong gia đình chị đều làm vừa ý mẹ. Có lẽ vì chị là dâu trưởng nên đã chú ý làm mọi việc. Từ việc nấu ăn hay quan tâm đến tất cả mọi người trong gia đình.
Những lúc mẹ chồng đối xử thiên vị giữa 2 con dâu, em chẳng bao giờ nghĩ gì cả. Em chỉ nghĩ, chị làm tốt thì mẹ quý chị là đương nhiên và em phải cố gắng hơn. Chỉ cần cố gắng quan tâm đến mọi người trong gia đình, lúc đó em cũng được yêu quý thôi (cười).
Vợ chồng Đinh Ngọc
Sống chung 1 nhà, nên lúc đầu hai chị em cũng có những khó chịu, xô xát, kèn cựa và ghen tị. Bí quyết nào để hai chị em dâu vượt qua khó chịu này và sống vui vẻ với nhau?
Đinh Ngọc: Mình cảm thấy may mắn vì có em dâu ngoan và sống biết điều. Tất nhiên em cũng có những nhược điểm. Và nhược điểm này của em nhiều khi mình không hài lòng. Nhưng mình tự nhủ bản thân cũng chưa hoàn hảo thì không được phép đòi hỏi ở em hay người thân cũng phải theo ý mình.
Cuộc sống gia đình có rất nhiều việc lớn việc nhỏ. Vì thế, chị em mình cũng có những va chạm nhỏ. Song cả hai đều nghĩ, bát đũa đôi khi còn xô nhau, một bàn tay còn có ngón ngắn ngón dài thì con người cũng vậy. Sau mỗi lần như vậy, cả hai lại cảm thấy gắn bó và thân nhau hơn chứ không phải vì vậy mà xa lánh nhau.
Những lúc 2 chị em tâm sự riêng, mình thường nói với em dâu rằng mình không thể đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh tế cho bố mẹ lúc về già thì hãy báo hiếu bố mẹ chồng và bố mẹ đẻ bằng cách sống hòa thuận vui vẻ giúp đỡ, quan tâm chăm nhau. Đừng vì chút mâu thuẫn mà phá vỡ đi hạnh phúc vốn có mà bố mẹ chồng đã vun đắp.
Với con của mình và em dâu, mình là người đóng vai ác để dạy dỗ các con thành người tốt như 2 chị em mong muốn. Còn em dâu là người chịu đựng và sống tình cảm nên 2 con hay mè nheo uốn éo. Cũng may, em dâu là người hiểu biết chứ không rắc rối to mỗi khi 2 con đánh nhau.
Ánh Tuyết: Nhà chồng em chỉ có 2 anh em trai. Hiện nhà chồng em có 3 thế hệ ở chung với nhau. Tất cả đều ăn chung, làm chung, ở chung.
Để sống vui vẻ, em nghĩ mỗi người phải biết nhường nhịn nhau, không nên để ý soi mói nhau. Nói chung chị dâu em cũng hiền lành, dễ chịu. Một phần mẹ chồng em cũng dễ tính nên cả nhà sống chung vẫn ổn, vẫn vui vẻ và vẫn hay đàn đúm đi chơi.
Những gì hai bạn cho là ưu điểm cần phải học tập ở chị/em dâu của mình? Nhược điểm mà 2 bạn ghét nhất ở chị/em dâu?
Đinh Ngọc: Mình ghét nhất ở em dâu tính không hay để ý mọi việc trong gia đình. Cái gì em cũng xuề xoà, nói chung là vô tâm không tuân thủ theo nguyên tắc của gia đình. Chưa kể em còn làm mọi việc theo suy nghĩ cá nhân. Nhưng điểm đáng yêu mà mình nể ở em đó là sự thẳng thắn, thật thà.
Ánh Tuyết: Mấy năm làm dâu, em đã trưởng thành và học tập được rất nhiều điều hay từ chị dâu Ngọc. Chẳng hạn như em học được tất cả các món ăn mà chị hay nấu. Thậm chí nhiều khi là những món ăn lạ hay tự chế nữa. Em ghét nhất ở chị dâu là khi chị đã tức lên thì em dâu hay ai đó trong nhà có hỏi gì chị cũng không trả lời.
Đã bao giờ, hai chị em dâu nói xấu nhau chưa? Hãy kể về lần to tiếng và bất hòa hay ấm ức lớn nhất. Cách giải quyết khi 2 chị em cãi vã?
Đinh Ngọc: Lần to tiếng duy nhất của 2 chị em là sự hiểu lầm xuất phát từ bà giúp việc nhà mình. Sự việc này dù đã qua đi nhưng đến giờ nhắc lại mình vẫn ấm ức. Giá như em dâu nói với mình sớm hơn để cùng giải quyết thì em lại ngấm ngầm ấm ức rồi bộc phát. Tất nhiên mình cũng sai. Nhờ bố mẹ hoà giải nên chị em lại hoà bình vui vẻ.
Em dâu mình thẳng tính. Em thường có gì nói đấy nên nhiều khi em cũng “xõa” một trận rồi lại hòa bình. Mình thì hậm hực nhưng cũng không giận được lâu. Mình cũng sẽ “xõa” lại rồi thôi.
Gia đình 3 thế hệ hạnh phúc nhà Đinh Ngọc - Ánh Tuyết
Ánh Tuyết: Hai chị em mình đều không bao giờ nói xấu nhau sau lưng. Nếu không hài lòng gì, 2 chị em cứ nói thẳng cho nhau biết. Được cái hai chị em đều thẳng tính.
Cách giải quyết khi hai chị em cãi nhau là họp gia đình. Và khi ấy, bố mẹ chồng là người phân giải cho cả hai. Tính em hay quên (nhiều lúc cũng cố tình quên) nên thường biết bỏ qua những điều mệt mỏi để sống thoải mái. Nói chung không nên để trong lòng cho đau đầu, cái gì qua thì qua luôn, không bao giờ nhớ lại vì như thế mới có thể sống với nhau được.
Để tăng sự gắn kết và sự gần gũi, 2 chị em có hay chủ động rủ nhau đi mua sắm, ăn vặt không?
Đinh Ngọc - Ánh Tuyết: Đi chơi là cái thú thường xuyên của 2 chị em nhà mình. Hầu như tuần nào, 2 chị em cũng cho 2 con đi siêu thị, nhà bóng công viên, xem xiếc...
Hiện có nhiều phụ nữ làm dâu nhưng phải đối mặt với tình trạng 2 chị em dâu kèn cựa và bằng mặt không bằng lòng. Là người trong cuộc, Ngọc và Tuyết nghĩ gì về điều này? Theo 2 bạn, có cách nào để họ cải thiện mối quan hệ chị em dâu trở nên gần gũi?
Đinh Ngọc: Với vai trò là chị dâu, bản thân mình luôn xác định: không nên soi xét quá vào cuộc sống riêng tư của em dâu và ngược lại. Mình cũng hạn chế buôn chuyện gia đình với bên ngoài để tránh tình trạng "tam sao thất bản".
Đặc biệt, là chị dâu nên mình thường xuyên chia sẻ những gì cần thiết với em dâu một cách nhiệt tình, đúng mực và tham gia đúng lúc. Chỉ cần điều quan trọng là xuất phát từ sự chân thành và tình cảm gia đình. Đây là điều báo hiếu tuyệt vời nhất của các nàng dâu dành cho bố mẹ 2 bên.
Nói chung mỗi gia đình mỗi cảnh, quan trọng là mọi người trong gia đình luôn cố gắng vun đắp cho mái ấm của mình để sống trong môi trường hòa thuận vui vẻ. Dù là chị em dâu hay gì đi nữa thì đừng nên tham gia vào quá sâu cuộc sống của nhau. Bình thường khỏe mạnh việc người nào người ấy làm, cơm của ai người ấy ăn. Nhưng khi ốm đau hoạn nạn cần quan tâm giúp đỡ nhau vì một cử chỉ nhỏ nhưng cũng đủ ấm lòng người.
Ánh Tuyết: Là chị em dâu tuy ban đầu chẳng có gì gắn kết vì không có máu mù ruột rà. Nhưng khi đã có duyên chung sống dưới một mái nhà, nhất là ở chung như nhà em thì cái gì bỏ qua được rất nên bỏ qua để cuộc sống vui vẻ.
Không nên tìm hiểu quá nhiều hay can thiệp quá nhiều về cuộc sống riêng của nhau để có những bất hòa không mong muốn xảy ra. Hãy sống thật thoải mái.
Cách cải thiện mối quan hệ chị em dâu trong nhà trở nên gần gũi với nhau theo em là hãy nên coi chị dâu như chị gái của mình. Hãy hỏi những gì mình chưa biết để chị dạy cho.
Cái khó nhất mà Ngọc - Tuyết nghĩ để tiếp tục duy trì mối quan hệ chị em dâu tốt đẹp? Điều không làm nên đối với chị em dâu của mình?
Đinh Ngọc: Mình nghĩ điều khó nhất để duy trì mối quan hệ chị em dâu là sự thông cảm và hoà đồng. Nếu dung hoà được điều này thì không gì là khó cả.
Ánh Tuyết: Tất nhiên, bản thân em không hoàn hảo nhưng em nghĩ, để tiếp tục duy trì mối quan hệ chị em dâu tốt đẹp, mỗi người hãy cố gắng hoàn thiện bản thân. Nếu có những sai sót thì thành thật nhận lỗi và sửa lỗi. Em may mắn có chị dâu luôn nhường nhịn, không so đo tính toán và biết bỏ qua mọi chuyện.
Cảm ơn những chia sẻ của 2 bạn. Chúc tình cảm 2 chị em ngày càng gắn bó, chúc đại gia đình 2 bạn luôn hạnh phúc!
Chị em dâu "ghen ăn tức ở"