Chung tay giải cứu vải Bắc Giang và đây là cách chế biến giúp chị em "mua vải một lần, dùng được cả năm"
Với gợi ý này của chúng tôi, bạn vừa có thể giải cứu vải Bắc Giang, vừa có vải ăn quanh năm chẳng sợ hết mùa.
- 1. Vải tươi1kg
- 2. Đường kính hoặc đường nâu400gr
- 3. Muối hạt1 ít
- 4. Nước đá lạnh1 âu lớn
Những ngày gần đây, từ trên Facebook tới chợ hay siêu thị, đâu đâu chúng ta cũng thấy những thông tin về chiến dịch "giải cứu vải Bắc Giang". 1kg vải thiều ở thời điểm hiện tại chỉ rơi vào khoảng 20-25k.
Mức giá đó cũng có thể coi là khá rẻ rồi. Tuy nhiên, vấn đề khiến các chị em băn khoăn chính là: Các điểm bán vải Bắc Giang thường đóng 5-10kg vải/1 túi. Mua nhiều thế, ăn đến bao giờ mới hết?! Nếu bạn cũng đang thắc mắc điều đó, vậy thì hãy vào bếp và chế biến vải theo gợi ý của chúng tôi.
Bạn sẽ có vải ăn quanh năm mà chẳng sợ hết mùa với cách làm này.
Số lượng các nguyên liệu mà chúng tôi gợi ý trong bài viết này phù hợp để ngâm khoảng 1kg vải.
Món ăn mùa hè: Cách làm vải ngâm đường
Chần vải với nước sôi
Vải sau khi mua về, chị em hãy cắt cuống và rửa nhiều lần với nước cho đến khi thấy nước rửa vải không còn đục nữa thì thôi. Sau đó, đun 1 nồi nước sôi và thả vải đã rửa sạch vào chần trong khoảng 2 phút.
Đợi cho vải nguội bớt, bạn bóc vỏ và dùng kéo/ống hút to/dao khoét nhẹ phần đầu quả vải để dễ tách bỏ hạt vải. Vải sau khi bóc vỏ và tách hạt, bạn thả vào ngâm trong bát nước đá lạnh.
Bạn lặp lại thao tác trên cho đến khi tách hết hạt vải. Ngâm vải trong nước lạnh khoảng 10 phút thì vớt ra, để ráo.
Đun nước đường
Bạn cho 500 ml nước vào nồi, bật bếp nấu cho nước sôi thì thêm 400gr đường và 1/4 muỗng cà phê muối, khuấy cho tan sau đó tắt bếp, để cho nước đường nguội hoàn toàn.
Ngâm vải
Bạn cần chuẩn bị những hũ thủy tinh có nắp kín để việc ngâm và bảo quản vải ngâm được tốt hơn. Đừng quên trụng hũ với nước sôi để khử trùng và lau khô trước khi tiến hành ngâm vải nhé!
Bạn thả những trái vải đã sơ chế vào hũ, đổ hỗn hợp nước đường đã nguội hoàn toàn vào, sao cho nước ngập xâm xấp các quả vải. Đậy nắp thật kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh.
Vậy là bạn đã hoàn thành xong việc ngâm vải với đường rồi đấy! Với cách làm này, chị em có thể bảo quản vải trong vòng 3-6 tháng. Vải đã ngâm đường có thể dùng để pha trà hoặc nấu chè. Hương vị đảm bảo vẫn tươi mới và thơm ngon như thường.
Tùy vào khẩu vị mà chị em có thể tăng hoặc giữ nguyên lượng đường khi nấu nước đường ngâm vải.
Một vài mẹo nhỏ để ăn vải mà không bị nóng
1. Uống 1 ít nước muối loãng trước khi ăn vải: Nước muối có tác dụng phòng trừ sinh hỏa. Uống chút nước muối trước khi ăn vải sẽ giảm tối đa nguy cơ nóng trong, phát ban do nhiệt. Ngoài nước muối, bạn có thể uống trà thảo mộc lạnh, ăn canh bí đao, chè đậu xanh... cũng có tác dụng giảm nóng khi ăn vải hiệu quả.
2. Không ăn vải khi đói: Khi bụng đói mà ăn vải sẽ bổ sung lượng đường quá cao làm kích thích niêm mạc dạ dày gây đau, viêm, nhiệt hoặc bị say kèm các biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, chân tay bủn rủn, cồn cào, buồn nôn. Tốt nhất chỉ ăn vải sau các bữa ăn để phòng tránh nóng trong cũng như các vấn đề sức khỏe khác.
3. Không ăn quá nhiều quả vải trong 1 lần: Vải tươi có công dụng làm đẹp da, làm mượt tóc, chống lão hóa. Tác dụng này được Đông y ghi nhận từ lâu đời. Tuy nhiên, không phải cứ ăn vải càng nhiều sẽ càng tốt, dưỡng nhan càng hiệu quả. Vải có khả năng sinh nhiệt do hàm lượng đường cực lớn, ăn quá nhiều sẽ phát sinh mụn nhọt, lúc này không những bạn chẳng dưỡng nhan được mà còn khiến nhan sắc đi xuống.
Mỗi lần ăn vải, bạn chỉ nên ăn 10 quả với người lớn, 3-4 quả với trẻ em.
Với những thông tin và gợi ý này, hy vọng chúng ta có thể vừa chung tay giải cứu vải Bắc Giang, vừa biết cách ăn và bảo quản vải.