Chữa đầy bụng, khó tiêu trong năm mới với những giải pháp có sẵn từ chuyên gia Đông y
Để đề phòng đầy bụng chướng hơi trong ngày Tết mọi người nên giữ thói quen ăn uống cần ăn chậm, nhai kỹ, không nuốt vội vàng, không ăn no quá...
Chứng đầy bụng, khó tiêu là tình trạng chúng ta thường xuyên phải đối mặt vào mỗi dịp nghỉ Tết kéo dài. Bánh chưng, thịt mỡ, giò nem… đủ các món ăn truyền thống giàu đạm, béo, bột… khiến bụng dạ bạn liên tục trong tình trạng ấm ách, khó tiêu.
Ăn ở nhà đã là một chuyện, bạn còn phải đi đến nhà này nhà kia chúc Tết, kèm theo đó là ăn uống linh đình. Chưa kể trong gia đình, họ hàng thì còn có những cái lễ hóa vàng tụ hội đông đủ anh chị em… Và thế là tình trạng đầy bụng, khó tiêu cứ kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Nguy hiểm, vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe!
Chứng đầy bụng, khó tiêu là tình trạng chúng ta thường xuyên phải đối mặt vào mỗi dịp nghỉ Tết kéo dài.
Để đề phòng đầy bụng chướng hơi trong ngày Tết mọi người nên giữ thói quen ăn uống lành mạnh như ăn chậm, nhai kỹ, không nuốt vội vàng, không ăn no quá, bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả, không nên ăn những thức ăn có nguy cơ gây đầy hơi, sau khi ăn xong, không nên nằm hay ngồi luôn mà nên đi lại nhẹ nhàng...
Đặc biệt, những người có bệnh về tiêu hoá cần hạn chế ăn thức ăn cay, chua, và các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá. Nên hạn chế ăn kẹo, bánh ngọt. Có thể kết hợp dùng tay xoa bóp bụng (mát xa) để làm tăng nhu động của dạ dày, ruột giúp cho việc tiêu hóa thức ăn tốt hơn, tránh ứ đọng thức ăn lâu ngày và duy trì chế độ tập luyện hàng ngày.
Ngoài ra, bạn có thể làm theo những mẹo hay từ chuyên gia Đông y dưới đây để đánh bay cảm giác khó chịu, vui xuân trọn vẹn hơn:
Những người có bệnh về tiêu hoá nên hạn chế ăn thức ăn cay, chua và các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá.
Bài thuốc trị đầy bụng, khó tiêu từ tỏi
Theo lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), bạn có thể sử dụng tỏi để chữa đầy bụng theo nhiều cách khác nhau. Bạn có thể bọc tỏi vào giấy bạc, nướng lên, lấy tỏi nướng chín massage da vùng bụng sẽ khiến bụng dễ chịu hơn. Hoặc bạn bóc tỏi sống, đập dập hay xay nhuyễn, chắt nước uống trực tiếp, có thể pha thêm nước ấm để uống cũng cải thiện tình trạng khó tiêu, đầy bụng ấm ách.
Tỏi có tên gọi khác là đại toán, thành phần chủ yếu là tinh dầu bao gồm nhiều chất allicin, vitamin A, B1, B2. Theo Đông y, tỏi có vị cay, tính ấm, đi vào hai kinh tì và vị, có tác dụng trong tiêu hóa, hô hấp, giải độc, trừ đờm, lợi niệu, tẩy giun…
Bạn có thể sử dụng tỏi để chữa đầy bụng theo nhiều cách khác nhau.
"Tỏi giúp giảm cholesterol, huyết áp, kích thích hệ miễn dịch, có tác dụng kháng sinh mạnh mẽ. Tỏi chữa tiêu hóa kém, ho, viêm phế quản mãn tính, tăng huyết áp, bệnh lị, ngộ độc thực phẩm do ăn cua, chữa bệnh thủy thũng, tiểu tiện khó... Nói chung, ăn tỏi rất có lợi cho sức khỏe. Liều dùng mỗi ngày từ 5-15g", lương y Bùi Hồng Minh nói.
ThS.BS Hoàng Khánh Toàn (Trưởng khoa Đông y, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết thêm, tỏi còn đem lại nhiều tác dụng khác như kích thích tiêu hóa, hạ huyết áp, đường huyết, phòng chống ung thư và lão hóa. Do đó, sử dụng tỏi vào dịp Tết không chỉ đánh bay chứng đầy bụng, khó tiêu mà còn giúp bạn đạt được rất nhiều lợi ích sức khỏe khác nữa đó nhé!
Bài thuốc trị đầy bụng, khó tiêu từ gừng nướng
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Phòng Chẩn trị Y học Cổ truyền), Đông y có nhiều cách trị đầy bụng, khó tiêu do thực phẩm như tỏi, gừng, tía tô, bạch trật, trần bì…tuy nhiên bài thuốc đơn giản, ai cũng ăn được đó là gừng.
Để chữa đầy bụng, khó tiêu từ gừng nướng, bạn chỉ cần làm đơn giản như sau: Lấy một củ gừng nhỏ bằng ngón tay cái nướng lên rồi ăn chỉ nửa giờ sau sẽ mất không còn cảm giác này. Nếu không thể ăn gừng nướng thì có thể thái lát gừng ra ngâm với nước ấm làm trà gừng. Tuy nhiên, lương y Trung cho rằng nếu dùng nhanh, hiệu quả an toàn nhất là gừng nướng lên rồi ăn như bình thường.
Gừng có vị cay, tính ấm vào 3 kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng phát biểu, tán hàn ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giải độc.
Theo vị lương y này, trong Đông y, gừng có vị cay, tính ấm vào 3 kinh phế, tỳ, vị, có tác dụng phát biểu, tán hàn ôn trung, tiêu đàm, hành thủy, giải độc. Gừng tươi có thể chữa cảm mạo, phong hàn, ngạt mũi, nhức đầu, đau đầu, nôn mửa, kích thích tiêu hóa, đầy bụng, trướng bụng, giải độc từ cua cá, chim thú nếu có độc, các loại thịt (trừ thịt lợn vì gừng kỵ thịt lợn) khi ăn vào cơ thể. Dùng 4-8 g sắc nước uống. Gừng khô chữa đau bụng do lạnh, chướng bụng đầy hơi, thổ tả, chân tay lạnh, ho có đờm… Gừng đen (xao cháy gừng) chữa đau bụng lạnh, chân tay nhức mỏi, băng huyết. Tuy nhiên, phụ nữ có thai nên thận trọng khi sử dụng gừng.
Ngoài những cách trên, bạn có thể làm mẹo chữa khó tiêu, đầy bụng đơn giản bằng việc uống trà gừng, trà nóng có vài giọt tinh dầu bạc hà, nhai lá bạc hà tươi, uống rượu táo hoặc chút rượu vang tết, ăn sữa chua, sử dụng túi chườm vùng bụng và bẹn sườn phải… cũng có công dụng chữa đầy bụng, khó tiêu rất tốt trong những ngày lễ Tết.