Chồng thất nghiệp, vợ vẫn sắm hàng hiệu
Dù chồng thất nghiệp, vợ anh vẫn đều đặn và liên tục xách những bộ đồ hàng hiệu về nhà.
Đi làm về, nhìn căn phòng vắng tanh, không còn tiếng bi bô của con trai, không còn hình bóng của vợ bận rộn nấu nướng, anh Thịnh thật sự chán nản. Cứ ngỡ, vào những lúc khó khăn thế này, Lâm Anh - vợ anh sẽ ở bên cạnh động viên, an ủi anh nhưng sự thật thì ngược lại. Vợ anh không những không đoái hoài mà còn thường xuyên cằn nhằn rằng anh vô dụng, rồi vẫn vui vẻ với những sở thích "đốt tiền" của mình.
Vốn là chủ nhiệm công trình của một công ty xây dựng có tiếng, lại tranh thủ nhận thêm việc bên ngoài nên thu nhập của anh Thịnh cũng khá. Lâm Anh là nhân viên thiết kế đồ họa, lương bổng không đến nỗi nào. Dù chưa mua được nhà ở Hà Nội song vợ chồng anh cũng thuê trọ trong một khu chung cư khá sang trọng. Ngoài tiền tiêu pha hàng tháng, gia đình anh còn tiết kiệm được một khoản kha khá.
Nhưng không lường trước được tình hình kinh tế khó khăn, ngành xây dựng rơi vào khủng hoảng, công ty anh tiến hành cắt giảm nhân sự và anh lại nằm trong số đó.
Sau khi nghỉ việc ở công ty, anh đã chạy vạy nộp đơn xin việc nhiều chỗ khác, nhưng mãi vẫn không thấy tin tức gì. Rất nhiều doanh nghiệp xây dựng cùng chung hoàn cảnh cắt giảm nhân sự như công ty anh, thậm chí có công ty còn phá sản. Không tìm được việc làm, anh cũng đã thử làm trái nghề tay trái là nhân viên kinh doanh ở một vài công ty nhưng không thành công.
Trong khi anh đang khổ sở vì công việc thì vợ vẫn tung tăng mua sắm (ảnh minh họa)
Việc làm không có, suốt ngày ở nhà, anh Thịnh rất buồn và lo lắng. Đã thế, Lâm Anh lại không hiểu cho. Từ ngày anh thất nghiệp, cô thường xuyên giận chó, đánh mèo, kêu ca nào thì giá cả tăng cao, tiền thì hết, chồng người ta thế này, thế nọ. Có khi vợ anh còn mỉa mai: "Không làm được việc này thì làm việc khác, anh cứ vin cớ không đúng chuyên môn, không làm được. Cứ chờ anh tìm được việc ở công ty xây dựng thì có mà nhà mình treo niêu à?"
Vợ anh là người Hà Nội, sinh ra trong gia đình khá giả, lấy anh phải ở trọ đã là thiệt thòi nhiều. Thấy vợ hay nói ra nói vào, anh chối tai lắm nhưng nghĩ Lâm Anh sung sướng từ nhỏ như thế nên anh cũng không dám ý kiến gì.
Đáng nói, dù chồng thất nghiệp, vợ anh vẫn đều đặn và liên tục xách những bộ đồ hàng hiệu về nhà. Cô giữ nguyên thói quen đi spa và làm móng hàng ngày, hàng tuần. Nhiều khi anh Thinh định cất lời nhắc nhở vợ tiết kiệm, bởi kinh tế gia đình đang khó khăn, nhưng mặc cảm thất nghiệp đã khiến anh mắc nghẹn.
Ở nhà nghe vợ cằn nhằn nhiều cũng chán, anh hẹn bạn bè gặp mặt để xem có ai giới thiệu cho mình công việc nào không. Anh cẩn thận gọi điện cho Lâm Anh biết để cô thu xếp thời gian về lo cơm nước, đón con sớm (từ ngày thất nghiệp, anh nghiễm nhiên đảm nhận nhiệm vụ nội trợ và đưa đón con đi học).
Dù vậy nhưng khi về nhà, vợ anh vẫn mặt sưng mày sỉa: "Lại còn bày đặt gặp gỡ bạn bè, không kiếm được tiền thì cũng đừng tiêu tiền hoang phí". Đang áp lực, lại nghe vợ nói thế, anh quát lớn: "Em nói gì, anh hẹn gặp bạn bè cũng là vì công việc. Anh cũng chưa tiêu đến tiền của em". Nghe chồng gắt gỏng, vợ anh không vừa: "Không tiêu tiền của tôi, thế mấy tháng này, anh ăn, anh uống, tiền nhà, tiền điện nước ai lo. Anh tưởng có mỡ mà húp à?"
Quá tức giận, anh vung tay tát vợ một cái rồi quát: "Thế tiền tiết kiệm từ trước tới nay đâu, tôi mới ở nhà có 2 tháng, không lẽ mấy trăm triệu tiết kiệm bay hết rồi sao?"
Đánh vợ xong, anh vừa cảm thấy có lỗi, vừa bực mình trước thái độ của vợ. Anh Thịnh ra quán trà đá gần nhà ngồi, đến khi trở về thì không thấy vợ con đâu. Gọi điện thì máy Lâm Anh không liên lạc được. Hoảng loạn đi tìm, đến gần 12h đêm, anh mới biết vợ bỏ về nhà mẹ đẻ.
Hôm sau, anh đến công ty vợ tìm, Lâm Anh nhất quyết không chịu gặp. Đến nhà ngoại, vợ cũng ôm con trốn trong phòng. Thậm chí, mẹ vợ anh trước đã không ưa gì anh bởi cái mạc "trai tỉnh lẻ", giờ càng được dịp day nghiến: "Trước nó không nghe tôi, cứ nhất quyết đòi lấy anh, giờ thì sáng mắt ra rồi. Khi nào anh tìm được việc, có khả năng lo cho vợ con thì hãy đến đây nói chuyện". Nhiều lần đến đón vợ không thành công, anh Thịnh đành quay về.
Từ trước tới nay, vợ anh vẫn là tay hòm chìa khóa trong nhà, nên giờ vợ bỏ về nhà mẹ đẻ, anh chẳng còn đồng xu nào để tiêu, lại phải muối mặt đi vay bạn bè.