Bị chồng đuổi ra khỏi nhà vì mất việc
"Không xin nổi việc gì làm thì cuốn xéo khỏi mắt tôi". Tiếng oang oang của chồng trong căn phòng hơn 10m2 rót thẳng vào tai khiến chị uất ức không nói lên lời.
Thân mình cũng không nuôi nổi
Vừa vào làm được mấy tháng, chị phụ trách hành chính đã gọi Liên lên: "Sang đầu tháng tới, em không phải lên công ty nữa nhé. Không có dự án nào mới, cả công ty trông chờ vào mỗi dự án đang triển khai thì giờ đối tác lại ngừng rót vốn. Sếp cắt giảm hết nhân viên mới của đội dự án em ạ". Liên sững người về bàn thu dọn đồ đạc. Cô mới chuyển đến công ty được hơn 3 tháng, vừa qua thời gian thử việc không xa.
Lầm lũi về nhà, cô đi trong vô định, đầu miên man nghĩ ngợi. Lại bắt đầu hành trình nộp hồ sơ, phỏng vấn, thử việc… Biết tìm đâu ra việc trong khi các doanh nghiệp cứ ùn ùn phá sản, một lượng lớn sinh viên lại vừa ra trường. Cô trở về phòng trọ và cơm nước như thường lệ, đợi chồng về. Hùng tươi tỉnh ra mặt vì hôm nay lĩnh lương, anh lại nhận được thêm chút tiền kiếm ngoài.
Cơm nước xong xuôi, khi hai vợ chồng ngồi xem tivi, Liên mới dám thỏ thẻ “Mai em không đi làm nữa…”. Hùng sa sầm nét mặt, quay sang hỏi vợ tới tấp “Sao lại thế, sao không đi làm? Không đi lấy gì mà ăn?”. Mặc cho Liên lí nhí giải thích, kể lể chuyện công ty, chuyện dự án, Hùng vẫn sừng sộ không thèm đoái hoài. Cầm theo bao thuốc, vừa đạp cửa ra khỏi phòng, Hùng vừa quát nạt “Không xin nổi việc gì làm thì cuốn xéo khỏi mắt tôi”.
Cánh cửa đóng sập lại, Liên đi. Vừa đi, cô vừa khóc ầm ĩ khiến ai ngang qua cũng phải nhìn theo. Lang thang đến khuya, nghĩ Hùng chỉ cả giận mà buông lời thế, cô định bụng về nhà sẽ lựa lời nói chuyện với chồng nhưng Hùng đã khóa trái cửa không cho Liên vào. Cố đập cửa, cố gọi rồi điện thoại, Hùng cũng chẳng ra.
Trước khi vào làm công ty này, Liên đã nghỉ ở nhà ba tháng. Công ty cũ cô làm được hơn 2 năm, lương bổng chẳng cao nhưng đổi lại gần nhà. Hơn nữa, Liên cũng không phải là mẫu người tham vọng hay nhanh nhẹn nên tạm bằng lòng với công việc ở đó. Tuy nhiên, sau vài ba lần bị nhắc nhở vì không hoàn thành công việc được giao khiến khách hàng cắt hợp đồng, Liên đã bị sếp gọi thẳng lên cho nghỉ.
Giữa lúc kinh tế khó khăn, thu nhập của chồng cũng bị giảm sút, con gái vào lớp 1, vợ chồng Liên đã phải gửi về quê ngoại học nên chồng càng nhăn nhó hơn. Biết điều kiện kinh tế không mấy thuận lợi nên nhiều lần Hùng to tiếng hoặc cáu gắt nói vợ đến cái thân mình cũng không nuôi nổi, Liên vẫn cố nhịn cho qua chuyện. Ròng rã mấy tháng trời xin việc, chỗ thì chẳng liên lạc gì, chỗ gọi đi phỏng vấn rồi cũng im bặt. Mãi đến khi xin được vào công ty này, Liên mới nhẹ nhõm phần nào sau những tháng ngày ủ ê tìm việc. Vậy mà không ngờ cô lại rơi vào cơ sự này.
Làm không làm chỉ phá
Giống như Liên, Phương cũng chịu chung cảnh ngộ long đong vì công việc. Bà chủ ôm nhiều đất đai không bán được nên quay về bán cả cửa hàng quần áo trên phố bấy lâu nay Phương vẫn bán thuê. Đột nhiên mất việc, Phương về bàn với chồng gom góm ít vốn bán quần áo qua mạng, hàng nhập từ chỗ bà chủ cũ trước quen. Ngày ngày, chỉ cần lên mạng, vào các trang mua bán, diễn đàn đăng quảng cáo, giới thiệu sản phẩm và thuê mấy bác xe ôm ngay đầu ngõ chuyển hàng khi khách có nhu cầu.
Nghe cũng hợp lý nên có bao nhiêu, chồng Phương đem hết cho cô lo liệu. Nhưng bán chưa quen, nguồn hàng lại chỉ có một mối, đa phần là hàng cao cấp, giá thành cao nên cả tháng trời có khi cô chỉ bán được hai, ba chiếc áo.
Vốn tồn đọng nhiều, trong khi vẫn phải nhập hàng mới về, chồng Phương bắt đầu thấy bất an bởi anh vốn quen làm công ăn lương, không buôn bán bao giờ. Lãi chưa thấy đâu, mọi sinh hoạt hàng ngày chỉ trông cậy vào đồng lương công nhân còm cõi của chồng thành ra lúc nào Phương cũng thấy bí.
Nay cưới, mai hỏi, kia lại thăm con… Phương quay cuồng không biết xoay sở ra sao, chồng thì nhìn đống quần áo bao lớn bao bé chất ở góc nhà hết cằn nhằn lại đay nghiến vợ “Buôn với chả bán, có mà sang sông hết”. Đống quần áo trở thành nỗi hậm hực thường trực mỗi khi chồng Phương đi làm về. Để rồi trong một lần cãi vã, anh lôi hết ra giữa sân đốt, đuổi cô ra khỏi nhà “Làm không làm chỉ phá. Đã thế thì đi cho đỡ vướng mắt”.