Chồng... "giữ của"

Cẩm Vân,
Chia sẻ

Việc nữ giới nắm giữ và kiểm soát tài chính dường như đã thành điều tất yếu trong phần lớn các gia đình. Tuy nhiên, việc nam giới “tay hòm chìa khoá” thay cho một nửa của mình cũng không phải là hiếm.

Bản tính vốn có

Từ ngày lấy chồng, Hạnh luôn tự cho mình là người đen đủi vì “rước” phải anh chồng “răng sít”. Thời còn yêu nhau, sự căn ke của Tùng luôn làm Hạnh thấy an tâm vì cho rằng với đức tính đó, sau này Tùng sẽ không bao giờ lãng phí tiêu xài ở bên ngoài, chỉ chú tâm cho gia đình thôi. Lấy nhau rồi, Hạnh mới biết những điều cô nghĩ trước đó không hoàn toàn đúng.

Không như chồng của mấy cô bạn thân, suốt ngày la cà quán xá, bia bọt hay cờ bạc, lấy tiền nhà đi tiêu xả láng vào những việc vô bổ, nhưng Tùng của cô lại chặt chẽ đến cả từng đồng trong chi tiêu gia đình. Tùng lấy cớ làm việc trong ngân hàng, nên thuyết phục vợ để mình nắm giữ chi tiêu. Hạnh cũng đồng thuận vì cho rằng Tùng có lí, thời buổi này “tiết kiệm là quốc sách”, chẳng có lí gì mà không đặt lòng tin vào người sát sao với lãi suất như chồng. Ai dè chặt chẽ đã thuộc về bản tính của Tùng từ trước. Mỗi món chi, thu đều được Tùng “bưng bê” vào sổ sách, hạch toán đàng hoàng. Mỗi lần Hạnh có chi hơi quá tay, ngay lập tức Tùng sẽ có chính sách thắt chặt khoản khác để bù vào.

Sau một thời gian, Hạnh rút cho mình một kinh nghiệm không được minh bạch hoá thu nhập của mình. Mọi khoản đều được cô cho vào vùng mập mờ trên sổ sách. Hạnh tâm sự: “Có làm như thế, mình mới thấy dễ thở hơn được. Mình đồng ý chi tiêu phải căn cơ, tiết kiệm. Nhưng mình cũng đi làm, cũng có thu nhập. Mình cũng xứng đáng được hưởng thụ chứ!”. Khi được hỏi tiếp:“Hai vợ chồng đều là những người hiểu biết, tại sao không trao đổi bàn bạc góp ý cho nhau, có như thế thì cuộc sống mới hạnh phúc viên mãn được” thì Hạnh cười buồn trả lời: “Có chứ, nhiều lần nữa là đằng khác, nhưng đâu vẫn đóng đấy. Nói ra thì mọi người cười, chứ mỗi lần thằng con trai xin tiền đóng học là phải trình lên bố nó chữ ký của giáo viên, thậm chí là học thêm thì bố nó mới vào sổ và duyệt chi cho đấy. Cũng may mà mình còn tự kiếm ra tiền đấy, chứ không thì…”.
 

Hay vì cực chẳng đã, đành giành lấy trọng trách

Khác với Tùng, thời thanh niên Thiên vốn là người không biết đến tiết kiệm là gì, làm bao nhiêu anh tiêu xài bấy nhiêu. Ấy vậy mà đến khi lấy Hoa, Thiên lại trở thành người như mẹ Thiên vẫn thường đùa là: “Người đàn ông đích thực của gia đình”. Ngày đầu về chung sống dưới một mái nhà, Thiên không nghĩ mình sẽ trở thành một người như vậy. Hoa - vợ anh không giống những người phụ nữ khác, cô là tín đồ của hàng hiệu và tiêu tiền không biết tiếc.

Thiên không phải là người đàn ông hẹp hòi, anh cũng thích vợ sành điệu và xinh đẹp nên chỉ đôi lần góp ý nhẹ nhàng rồi lại quên ngay.

Chỉ đến khi mẹ anh đột ngột nằm viện, hỏi đến tiền, Thiên mới tá hỏa vì vợ bảo chỉ còn vài đồng đi chợ. Thiên nhìn lướt bộ váy hàng hiệu vợ khoác trên người, sợi dây vàng lóng lánh và chiếc nhẫn có viên đá xanh to tướng mà Hoa hí hửng khoe “em mới tậu, đá vừa quý vừa hiếm, đảm bảo không đụng hàng”, lại nhớ đến cọc tiền lương vừa rút đưa cho vợ mới được vài ngày khiến anh bị sốc thực sự.

Sau lần đó, cực chẳng đã Thiên giành lấy việc giữ tiền, hòng kiểm soát sự tiêu xài quá đà của vợ. Tình hình tài chính gia đình được cải thiện đáng kể, nhưng Thiên thấy phiền phức nhiều hơn là thích thú mỗi lần nghe vợ mở lời “xin xỏ”. Thiên vẫn thầm mong vợ mình sửa đổi được tính tình, ngay lập tức anh sẽ bàn giao lại tài chính cho “rảnh nợ”.

Tài chính là vấn đề sống còn và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hôn nhân. Bất kể ai là người nắm giữ tài chính đi chăng nữa, thì “tiêu xài” và “tiết kiệm” cũng nên được cân đối và được trao đổi hoạch định giữa hai vợ chồng từ trước, nếu không “tiêu xài” sẽ làm cuộc hôn nhân của bạn có lỗ hổng, kể cả về tài chính và tình cảm; còn “tiết kiệm” sẽ là sợi dây thít lại cuộc hôn nhân của bạn đến nghẹt thở.

Chia sẻ