"Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" - Khi những hồn nhiên không còn trong người lớn

Thảo Phương,
Chia sẻ

"Để sống tốt hơn, đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi học làm người lớn"…


Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ
 
Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh
Nxb. Trẻ
Giá bìa: 48.000đ
 


Tôi đã lặng lẽ soi mình vào cuốn sách ấy, một cuốn sách mỏng với lối viết nhẹ nhàng, với đủ những tiếng cười đậm chất Nguyễn Nhật Ánh - một nhà văn dành phần lớn cuộc đời của mình để viết cho trẻ em. Nhưng, chỉ thoáng qua những trang đầu, tôi đã cảm nhận được, cái mà nhà văn mang đến không chỉ là tiếng cười, mà là niềm thức tỉnh. Cái thức tỉnh chính bản thân, hay cũng là cho những ai đã, đang và sẽ là người lớn. Phải, người lớn bao giờ cũng cho rằng mình hay, mình đúng, họ chê bai trước một hành động ngớ ngẩn và bảo “Thật trẻ con!”, nhưng thực ra, ai trong đời cũng từng trải qua một thời trẻ con như thế! Và không ai khác, chính Nguyễn Nhật Ánh đã gom góp lại những hạt bụi kí ức lấp lánh của những người đã phủi vội đi nhằm “phi tang quá khứ”, để nói với chúng ta rằng: “Để sống tốt hơn, đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi học làm người lớn”…


“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là hồi ức của nhân vật trữ tình “tôi”, kể về câu chuyện ấu thơ của một nhóm bạn thân thiết gồm 4 người: Tôi (cu Mùi), con Tí sún, con Tủn và thằng Hải cò. Những gì bọn trẻ nghĩ, những gì bọn trẻ làm trong quá khứ ít nhiều cũng đã khắc hoạ trọn vẹn một thế giới ngây thơ, trong sáng và cũng không kém phần “u sầu”, “nổi loạn”. Tôi thực sự ấn tượng với văn phong của Nguyễn Nhật Ánh trong cuốn sách này, sự khéo léo đan cài giữa suy nghĩ trẻ thơ với suy nghĩ của người lớn, để những độc giả đang làm cha làm mẹ phải ngỡ ngàng nhận ra rằng - đôi khi mình đã sai khi cho tự bản thân cái quyền phán xét con trẻ…

Đầu tiên là “tư tưởng” muốn vượt thoát sự áp đặt. Kể ra thì những từ này đâu mấy xa lạ với người lớn, nhưng nếu có đứa trẻ làm ngược lại những quy tắc mô phạm thì sẽ bị cho là ngổ ngáo, khó trị. Nếu thấy con mình muốn ăn cơm bằng thau thay vì chén, muốn uống nước ngọt bằng chai thay vì cốc, muốn xoay ngược mũ lưỡi trai ra đằng sau gáy thì bạn cũng đừng quá ngạc nhiên. Sự thay đổi cách thức hay hoàn cảnh chẳng phải sẽ tạo nên nguồn cảm hứng mới? Đó là lý do mà một lời tỏ tình trên thảo nguyên sẽ dễ được gật đầu hơn là giữa chợ, là lý do tại sao các cặp vợ chồng thường khơi gợi lại cảm xúc bằng cách đi du lịch xa thay vì quẩn quanh trong 4 bức tường nhà quen thuộc.


Đó có thể là mong ước muốn “đặt tên cho thế giới”. Bọn trẻ đã dùng trí tưởng tượng biến cái gối thành búp bê, con chó thành bàn ủi, biến cái nón thành cuốn tập, gọi cái đầu là cái chân và thằng bạn thân là Thầy hiệu trưởng… Thực ra, đằng sau cái trò chơi “kì quặc” ấy là ước muốn được đổi thay cho thế giới xung quanh trở nên mới mẻ, tinh khôi như được sinh ra lần nữa, để chúng khỏi chán ngắt với việc ăn, ngủ, đến lớp, học bài... Chẳng phải người lớn cũng thế sao? Nhưng cái khác của họ là ở mục đích. Họ gọi "hối lộ" là tặng quà trên mức tình cảm, gọi "hành vi sai trái" là thiếu tinh thần trách nhiệm, gọi "tham ô" là thất thoát gây hậu quả nghiêm trọng… Mục đích của sự đánh tráo khái niệm này là “đẩy vô chỗ mù mờ những gì đang vô cùng sáng rõ và minh bạch đến mức dù muốn cũng không ai có thể hiểu khác đi”. Nếu vậy thì xem ra, trẻ con “đặt tên cho thế giới” ngây thơ và trong trẻo hơn nhiều…

Rồi lại nói đến tình yêu, cuốn sách đã khiến ta phải giật mình nhìn lại mối quan hệ bế tắc trong hiện tại. “Con ơi, những cặp vợ chồng tan vỡ là những người nghĩ rằng hôn nhân là điểm kết thúc của tình yêu trong khi thực ra nó là điểm bắt đầu”. Trước khi cưới nhau, con người ta chỉ tập yêu nhưng chưa thực sự biết yêu. Yêu là thứ con người ta cần phải học và cần phải nỗ lực suốt đời. Hôn nhân sẽ dạy người ta yêu! Tình cảm thời cắp sách đến trường hồn nhiên và trong trẻo thì khi lớn lên lại đầy toan tính. Tôi thực sự tâm đắc với ý tứ mà tác giả gửi gắm: Người lớn bảo trẻ con “tri thức mới là kho báu thực sự”, nhưng nhiều người trong số họ không hề muốn chinh phục mà chỉ thích săn tìm bằng cấp. "Người lớn cũng nói như vậy về tình yêu và đối xử với tình yêu cũng với cách thức thô bạo như họ đã đối xử với tri thức". Quả thật, con nít khi lớn lên có lẽ sẽ rất thất vọng về người lớn (hay cũng là thất vọng về chính bản thân mình?).


Và cuối cùng là cái ý thức về sự cô đơn và buồn chán. Nhà văn nói đúng, “người lớn thường thích cường điệu nỗi cô đơn trong cuộc sống, thích ca cẩm rằng biết tìm đâu cho ra một người tri kỷ, trong khi chính trẻ con mới cảm nhận điều đó sâu sắc hơn ai hết”. Vì sao ư? Vì người lớn có quyền phạm phải lỗi lầm, còn đứa trẻ thì không. Nếu phạm lỗi, nó sẽ bị đòn. Bố vẫn thường nhậu xỉn về khuya nhưng lại luôn gầm gừ với con “Mày đi đâu giờ này mới về?”. Mẹ vẫn thường để quên và lạc mất chìa khoá tủ, nhưng con lỡ làm mất chiếc xe đạp từ năm ngoái mà đến tận năm nay mẹ vẫn lôi ra trách móc “như thể con đã làm mất trăm cái xe rồi ấy”. Nếu có con mèo làm vỡ bình hoa mà bố mẹ không nhìn thấy thì đứa con phải là người chịu lỗi, nó oan ức nhưng không kịp giãi bày và lẽ dĩ nhiên là chẳng ai tin nó… Chính vì thế mà trong chương gần cuối tác phẩm đã có 1 phiên toàn xử bố mẹ do chính 4 cô cậu nhóc đóng vai. Có lẽ bạn cho đó là hỗn láo, nhưng không, chính chúng ta cũng từng có “1 phiên toà” như thế trong tâm thức của mình, và chẳng ai có thể xoá bỏ, chỉ là ta không chịu nhìn nhận nó mà thôi…


Cách viết của Nguyễn Nhật Ánh trong cuốn sách này khiến tôi cảm thấy rất thích thú, nó “tưng tửng” cái giọng điệu giữa trẻ con và người lớn, sự biến chuyển ngôn ngữ nhịp nhàng với ý tứ sâu sắc nhưng không hề “lên gân”, ngược lại rất nhẹ, và… rất thấm! Hẳn nhiên “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” là tác phẩm dành cho người lớn - "Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em, tôi viết cho những ai từng là trẻ em" - Nó vẫn còn rất nhiều điều lý thú mà tôi muốn bạn tìm đến, vì những gì chính bản thân khám phá, xem ra sẽ hay ho và thú vị gấp bội phần…

“Bạn có thể trở về thăm lại thời thơ ấu của mình bất cứ lúc nào, hay nói khác đi lúc nào mà bạn nhận ra rằng thỉnh thoảng tắm mình trong dòng sông trong trẻo của tuổi thơ sẽ giúp bạn gột rửa những bụi bặm của thế giới người lớn một cách diệu kỳ”… Cuốn sách chính là “tấm vé” trở về tuổi thơ mà nhà văn dành tặng bạn, và dĩ nhiên, trên con tàu ấy, sẽ không có một ai là người soát vé…
Chia sẻ