Chỉ vì con ăn chậm, chồng tức tối đuổi vợ con ra khỏi nhà giữa đêm khuya
Thời tiết làm thay đổi tính nết con người. Chỉ mong đợt nắng nóng này mau qua, mang theo cả nhọc nhằn của gia đình Lan.
"Một túp lều tranh hai trái tim vàng", câu nói tưởng chừng như chỉ có trong chuyện nhưng lại diễn ra ở ngoài đời thực với gia đình nhà Lan. Tuy không hẳn là hai người ở "túp lều tranh" với bàn tay trắng, nhưng Lan và chồng đều có xuất phát điểm hoàn cảnh không được khá giả, mà có thể nói là thiếu thốn, vất vả đủ đường.
Hai vợ chồng Lan đều là người ở quê lên thành phố lập nghiệp, bén duyên gặp gỡ rồi yêu thương nhau, cùng nhau kết hôn vào năm Lan 26 tuổi. Khi đó cả hai vẫn là nhân viên làm thuê, chồng Lan có một căn nhà thuê tạm, đó cũng là "mái ấm" của vợ chồng sau khi kết hôn.
Lam lũ, khó khăn đủ đường, Lan và chồng cũng động viên nhau cố gắng, bố mẹ hai bên cũng không giúp gì được nhiều, của cải không có, nhưng họ đều mong tình yêu và sự nỗ lực có thể giúp cuộc sống được vẹn đầy, khá giả hơn.
Tuy cố gắng, nhưng sau 5 năm, gia đình Lan vẫn túng thiếu, chỉ tạm đủ sống qua ngày. Vì chồng Lan không có bằng đại học, nên công việc chỉ tạm bợ, không thể thăng tiến. Lan có bằng đại học tại chức, lương có ổn định hơn chồng, nhưng cưới được 2 năm Lan lại có em bé đầu lòng nên nghỉ làm ở nhà từ sau khi sinh.
(Ảnh minh họa)
Bố mẹ hai bên đều ở xa, tuổi cao sức yếu, không trông cháu đỡ cho Lan đi làm sớm được. Lan ở nhà trông con hơn một năm liền, mới cắn răng gửi con nhà trẻ để đi làm lại. Khó khăn chồng chất khó khăn, cái nghèo cái túng làm cho tình yêu của vợ chồng Lan thuở đầu mai một, chỉ còn chỗ cho những mệt mỏi, nhọc nhằn, hai người thường xuyên cãi vã, cùng chỉ vì chuyện tiền nong.
Lan đi làm lại sau thời gian sinh đẻ cũng không được thuận lợi, phần vì không có bằng đại học "xịn", phần vì sức khỏe của Lan không làm được lâu dài, nên nay đây mai đó, lương của Lan cũng không đủ để trang trải. Lương hai vợ chồng còn thiếu tiền mua bỉm sữa cho con, cứ khi nào phát sinh con đi tiêm, đi khám là chẳng đủ tiền.
Hà Nội mấy hôm nay nóng bức, kéo dài đã hơn tuần. Nhà Lan thì chật hẹp, có con nhỏ nên càng oi bức, con khóc quấy thì càng đau đầu. Mỗi khi chồng Lan về nhà, anh tỏ rõ sự mệt mỏi và cáu gắt, thường xuyên mắng vợ con vô cớ. Có lẽ anh đã phải gánh trên vai áp lực kinh tế quá lâu, mà lúc nào cũng thiếu tiền, trời thì nóng bức, hạn đóng tiền điện nước sắp đến, nên anh càng cục cằn, dễ nổi nóng.
Hôm đó trong bữa ăn tối, hai vợ chồng Lan ăn tạm cá rán với cà cho mát, còn cu con thì đang mọc răng nên Lan nấu cháo cho con. Nhà bé, bát cháo nóng hầm hập hơi, con thì mọc răng ốm sốt, ăn rồi lại nhè, rồi lại ăn, rồi lại khóc, lại nhè. Vợ chồng Lan không cho con ăn được, chồng Lan mới bực quá, cầm đũa giơ lên định đánh vào người con. Lan giơ vội tay lên đỡ cho con.
(Ảnh minh họa)
"Anh làm cái gì vậy? Đánh con như thế à, nó không ăn được thì từ từ con đang ốm thế này!"
"Để đấy, để tôi dạy con, tôi chán cái nhà này lắm rồi. Nó không biết thân biết phận mà ăn đi, đừng làm khổ người khác nữa."
"Anh có còn là con người không, con bé nó biết gì. Có khổ có túng thì trút lên tôi đây này."
"Cô im đi, cút đi, tất cả cút hết khỏi nhà, bao nhiêu tiền nong vất vả đổ hết lên đầu thằng này thôi. Tôi không chịu được nữa."
Giữa bữa cơm, Lan nuốt nước mắt dỗ con đang khóc òa đứng dậy, vơ tạm quần áo vào túi bỏ nhà đi. Lan cũng chưa biết đi đâu, Lan gọi cho bạn định sang đó ở nhờ nửa tháng. 10 giờ tối, hai mẹ con trên taxi, Lan nhìn đường mà nước mắt chảy không ngừng.
Lan thương cho phận mình, thương cho con, đang nằm ngủ ngon trong lòng mẹ. Vết đôi đũa hằn trên tay Lan lúc nãy đỡ cho con nổi lên đỏ ửng. Bao giờ mới hết nghèo, bao giờ mới đỡ vất vả, bao giờ bớt oi bức, để chồng Lan đỡ nóng tính, đỡ chán chường vợ con?