Chị em làm sao “giỏi việc nước, đảm việc nhà”?
Khu tập thể ở ngõ 68 đường Xuân Thủy – Hà Nội tối nào cũng chứng kiến cảnh đổ vỡ loảng xoảng kèm theo những câu chì chiết: “ Cô làm gì mà giờ này mới về nhà?”
Bên công ty, bên nhà, bên nào “nặng” hơn?
Chị Hà nhân vật trong câu chuyện trên chỉ còn biết nghẹn ngào không thành tiếng. Làm việc trong đài truyền hình, hôm nào về sớm là 8 giờ, không thì đến tận 12 giờ. Về đến nhà chưa kịp thở lại lăn xả vào những việc nhà. Dạy con, dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa. Còn chồng chị chỉ biết chì chiết: “Gia đình quan trọng hơn hay công việc quan trọng hơn?”.
Hiện nay, nhiều chị em làm việc ở công ty liên doanh với nước ngoài cũng đầu tắt mặt tối vì công việc. Nhiều người đã phải thốt lên rằng: “Phụ nữ sau khi lập gia đình, sinh con mà vẫn giữ được cân bằng giữa công việc và gia đình thì khó như… hái sao trên trời, đặc biệt là với những người tương đối mê việc, hoặc bận rộn vì công việc”.
Trước đây, xã hội phân công người đàn ông bước ra ngoài, kiếm tiền, lo toan các việc đối ngoại, tài chính gia đình; còn phụ nữ là người chăm sóc con cái, gia đình, lo toan những việc đối nội. Bây giờ, sự phân chia này không còn rạch ròi nữa. Phụ nữ bước ra ngoài, cũng phải lo kiếm tiền, làm việc. Thế nhưng suy nghĩ họ vẫn phải đảm đang, phải lo việc nhà, phải gánh hết việc chăm sóc con cái thì dường như vẫn … không thay đổi.
“Tôi đi làm ở khu công nghiệp Hưng Yên. Thường là gần 7 giờ mới về đến nhà. Chồng về sớm nhưng chẳng bao giờ biết cắm hộ vợ nồi cơm. Nhiều hôm đi làm về, mệt quá chỉ muốn khóc. Cơm nước xong, mình lại dọn dẹp. Các ông ấy lại lên ghế vắt vẻo xem tivi. Chẳng biết lúc có con còn vội đến đâu”. Chị Lan đã nhiều lần ấm ức với bạn bè.
Cần lắm chị sẻ chia của chồng
Chị Hà trong câu chuyện trên luôn phấn đấu nỗ lực, nhanh chóng khẳng định mình trong công việc khiến không ít đồng nghiệp ngưỡng mộ. Nhưng ở nhà, chồng suốt ngày muốn cô bỏ việc. “Cô có ở nhà chơi không, tôi vẫn đủ sức nuôi cả hai mẹ con”.
Nhiều người bạn cũng khuyên chị cần gì phải lao đầu vào kiếm tiền, cẩn thận không lại đánh mất hạnh phúc gia đình. Nhiều tiền thế, tìm kiếm công việc làm văn phòng cũng được, nhưng chị chỉ lắc đầu.
“Mình phụ thuộc kinh tế vào gia đình chồng thì còn mệt mỏi hơn rất nhiều. Mẹ chồng so đo tính toán từng đồng. Thấy chồng đưa 1 tháng mấy triệu cho mình mà còn cằn nhằn đưa nhiều thế. Mình không kiếm được tiền, làm sao mà có những khoản chi này nọ, chưa kể lo việc nội ngoại hai bên”.
Đây là chưa kể những lần mẹ chồng bất thình lình xuất hiện, phân bua với hàng xóm: “Tôi chẳng biết nó giỏi giang thế nào. Nhưng bảy giờ, con cháu tôi chưa có cơm mà ăn thì cũng là loại đàn bà bỏ đi”.
Những đức lang quân đâu biết rằng vợ của họ phải gồng mình để lo trọn việc nước việc nhà, hầu như không có thời gian để giải trí và chăm lo cho bản thân. Giá như họ biết sẻ chia, thông cảm với vợ hơn chút nữa, chẳng lý do gì chị em không làm trọn được cả việc nước và việc nhà.