Nếu bạn kiếm nhiều tiền hơn anh ấy

,
Chia sẻ

Không ít mâu thuẫn nảy sinh bởi một nguyên nhân: vợ kiếm tiền nhiều hơn chồng và trở thành trụ cột kinh tế của gia đình. Làm sao để tránh được mối bất hòa tế nhị đó?

Vấn đề không phải là tiền

Trong các gia đình có người vợ kiếm tiền nhiều hơn chồng, mâu thuẫn thực ra không nằm trong tiền bạc. Nó nằm ở chỗ điều đó phá hỏng "một hình ảnh chuẩn" về vai trò của người đàn ông và đàn bà. Đàn ông thường có phản ứng khá tiêu cực đối với những tình huống như vậy là do những thói quen tâm lý và suy nghĩ truyền thống về vị trí và trách nhiệm của mình.

Còn phụ nữ thì lại khó kiềm chế trước việc muốn nhấn mạnh vai trò và sự độc lập của mình. Thu nhập cao với người phụ nữ luôn luôn trở thành một biểu tượng cho sự thành công và sự độc lập. Những cảm xúc khác nhau đó chắc chắn sẽ là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn nghiêm trọng làm tan vỡ gia đình. Khi phụ nữ cố gắng chiếm vị trí lãnh đạo trong nhà thì cuộc hôn nhân ấy sẽ thất bại là điều hiển nhiên.

Nên cư xử như thế nào nếu bạn kiếm tiền nhiều hơn chồng?

- Thứ nhất là bạn không nên quá đề cao sự quan trọng trong vai trò là nguồn thu nhập chính của gia đình mình. Những cách cư xử như thế sẽ là sự sỉ nhục lớn đối với người đàn ông. Ngược lại, bạn nên cố gắng thể hiện rằng việc đó chỉ là tình cờ và có thời hạn nhất định của nó mà thôi.

- Thứ hai: đừng bao giờ tuyên bố rằng: “Em quyết định như thế, còn anh muốn thế nào là chuyện của anh, em không quan tâm”. Điều đó là hoàn toàn sai lầm, bởi trong một gia đình, ý kiến của mọi thành viên phải luôn luôn được đánh giá ngang bằng nhau.

- Thứ ba: Ngay cả trong các cuộc cãi cọ, bạn không bao giờ được đụng vào những yếu điểm của chồng, đừng đụng chạm đến các vấn đề vật chất, tinh thần, tâm lý hay địa vị xã hội của chồng. Thậm chí cả khi bạn muốn nổi khùng lên vì sự chậm chạp của anh ta, sự tàn lụi của anh ta, vì cách anh ta cư xử với đồng nghiệp, bạn bè, người thân, hãy đừng phê bình, chỉ trích.  

Đặc biệt, hãy giữ gìn điều này ngay cả trong các cuộc nói chuyện về những chủ đề hoàn toàn khác như thu nhập của bạn hay việc xây dựng những nguyên tắc mới trong gia đình. Mọi lời chỉ trích hay có vẻ chỉ trích cá nhân trong trường hợp này nhất định sẽ khiến người đàn ông mất hoàn toàn khả năng nói chuyện một cách bình tĩnh và công bằng. Anh ta sẽ không còn sáng suốt đề đánh giá tình huống nữa. 

Phân chia tiền bạc thế nào đây?

Sự phân chia tiền bạc và tài sản trong gia đình Á đông khó bao giờ có thể là điều mang đến sự hài lòng. Một ngân sách chung – đó là điều tốt đẹp nhất. Đó vốn là truyền thống. Và mọi cố gắng hay thử nghiệm chia chác rạch ròi đều có thể gây không ít những tổn thương. Nó có khi đồng nghĩa với sự tan rã gia đình.

Nhưng sự việc có thể sẽ khác hơn một chút nếu bạn xác định rõ những phần trăm tiền riêng cho mỗi người từ thu nhập chung của gia đình  một cách công bằng, cho cả hai vợ chồng, để mỗi người có thể có những chi tiêu hợp lý cho riêng mình. Chỉ là việc xác định các phầm trăm chứ không nên định ra con số cụ thể. Trong trường hợp đó, khi có những thay đổi trong thu nhập của gia đình thì túi tiền riêng của mỗi người sẽ tăng lên hay giảm đi theo tỷ lệ.

Việc phân chia này nên được xác định ngay cả khi chồng là người kiếm tiền chính cho gia đình. Lao động chăm sóc nhà cửa của người vợ chính là phần đóng góp của họ cho gia đình. Nó phải được đánh giá tương đương với tiền bạc mà người chồng kiếm ra. Và như thế, bất cứ thành viên nào trong gia đình - chồng hay vợ - cũng có quyền tham gia vào việc quyết định các chi tiêu trong gia đình.

Trong bất cứ trường hợp nào, bạn cũng không nên giữ những mâu thuẫn âm ỷ trong lòng, phải giải quyết chúng bằng mọi giá. Sức khỏe của người phụ nữ là hết sức mỏng manh dưới sức nặng của những vấn đề về tâm lý.
 
Theo  PNO
Chia sẻ