Chỉ bằng một hành động, bố đã cứu tôi khỏi những đau đớn của cuộc hôn nhân thất bại
Lần thứ hai, bố đã đem sự sống đến cho tôi.
Tôi đã từng tôn thờ cuộc hôn nhân của mình. Tôi trân trọng, nâng niu, tìm mọi cách vun đắp cho nó. Chồng tôi không hẳn là xấu, anh chỉ có một điểm đáng trách là quá nóng tính. Anh gần như chưa một lần biết nhường nhịn vợ, chủ động làm hòa với vợ khi cãi nhau. Cái anh đề cao không phải hạnh phúc gia đình mà chính là cái tôi của chính anh.
Tôi đã cố xây dựng một gia đình hoàn hảo nhưng chính anh lại đạp đổ nó đi. Anh đánh tôi khi tôi lỡ miệng chê mẹ anh nấu ăn không ngon. Anh xô tôi khi tôi trách móc anh không biết quan tâm vợ bầu. Dần dần, tình cảm của chúng tôi rạn nứt. Đến khi tôi sảy thai sau một trận cãi nhau lớn với anh thì mọi chuyện không thể cứu vãn được nữa. Tôi đưa đơn ly hôn, kết thúc cuộc hôn nhân bi kịch trong cái vỏ hoàn hảo.
Tôi đã cố xây dựng một gia đình hoàn hảo nhưng chính anh lại đạp đổ nó đi. (Ảnh minh họa)
Chia tay chồng, tôi mất phương hướng trong cuộc sống. Suốt ngày tôi chỉ biết khóc và nằm dài trong phòng. Tôi xin nghỉ làm một tháng không lương để cân bằng lại mọi thứ. Mẹ tôi thở dài, bố tôi thở dài. Tới bữa cơm, mẹ tôi lại đem cơm tới tận giường, ép tôi ăn.
Một hôm, bố tôi bảo tôi dậy sớm, đi với bố đến vài nơi. Ông bảo tôi đánh chút son phấn cho bớt phần mệt mỏi đi vì nơi đó không cần vẻ mặt sầu đời của tôi. Tôi miễn cưỡng đi theo ông mà không buồn hỏi vì sao ông lại đem theo quá nhiều đồ như thế.
Nơi đầu tiên chúng tôi đến là trại mồ côi. Khi xe dừng, tôi ngạc nhiên cực độ. Bố tôi bình thản xách đồ đi vào. Mấy đứa trẻ đang tập thể dục, thấy bố tôi thì chạy ào tới. Ông bế từng đứa rồi đi theo cô giáo vào phòng ăn. Tại đây, ông bảo tôi đút cơm cho tụi nhỏ. Nhìn tụi nhỏ ríu rít cười nói, tôi cay mắt. Tới trưa, chúng tôi ra về.
Nơi thứ hai bố dẫn tôi đến là khu điều trị bệnh hiểm nghèo của bệnh viện tỉnh. Ông đã làm việc riêng với trưởng khoa và ban giám đốc bệnh viện. Chúng tôi đem rất nhiều phần quà. Mỗi phần là 1 lốc sữa tươi và 1 gói bánh để phát cho từng bệnh nhân.
Ở đây, tôi cảm nhận được sự đau đớn, khắc khoải của những người đang chống lại cái chết. Tôi thấy những người buông xuôi vì biết mình không thể qua khỏi. Tôi nhìn thấy vẻ mặt buồn bã, mệt mỏi của người thân họ. Thế nhưng khi tôi trao quà tận tay họ, họ lại cố mỉm cười.
Suốt đêm hôm đó, tôi cứ nhớ lại những nụ cười hồn nhiên của tụi nhỏ. (Ảnh minh họa)
Khi về, bố tôi hỏi tôi rằng: “Khi vào hai nơi đó, con thấy thế nào?”. Tôi im lặng. “Con không thấy mình may mắn hơn họ nhiều sao. Những đứa trẻ mồ côi, những con người sắp rời bỏ sự sống, họ đau đớn hơn con nhiều nhưng họ vẫn cười đó thôi. Còn con, chỉ một cú sốc thôi mà đã muốn ngã quỵ rồi. Thời gian nằm dài trong phòng để khóc, để mọi người lo lắng cho mình, sao con không làm gì đó có ích hơn đi”.
Suốt đêm hôm đó, tôi nằm nhớ lại những nụ cười hồn nhiên của tụi nhỏ. Nhớ lại nụ cười của những người bệnh đang đối diện cái chết. Và tôi thấy mình thật nhỏ bé, thật khờ dại. Tôi đã tự vực dậy đời mình nhờ vào những nụ cười ấy.
Giờ thì tôi đã thành đạt, hàng tháng tôi và bố lại đến thăm các em một lần. Khi có điều kiện, chúng tôi lại đến các khu cấp cứu, khoa Nhi của các bệnh viện trên thành phố một lần. Ngẫm lại khoảng thời gian sống trong đau khổ, tôi tự thấy nhục nhã. Cảm ơn bố đã lần thứ hai đem sự sống đến cho tôi.
Nếu bạn có tâm sự thầm kín muốn được chia sẻ, vui lòng gửi bài viết về địa chỉ: tamsu@afamily.vn. Thư của bạn sẽ được phản hồi trong 24 giờ.