Chán ngán

Theo PNO,
Chia sẻ

Chẳng buồn hồi đáp, chị lặng lẽ bỏ điện thoại vào ngăn bàn. Chiều nay có cuộc họp quan trọng, chị chuẩn bị tài liệu chưa xong. Lơ mơ là bị sếp la “tắt bếp”.

Chẳng buồn hồi đáp, chị lặng lẽ bỏ điện thoại vào ngăn bàn. Chiều nay có cuộc họp quan trọng, chị chuẩn bị tài liệu chưa xong. Lơ mơ là bị sếp la “tắt bếp”. Một mớ những đầu việc phải hoàn thành gấp trước cuối tuần. Rồi phong thanh rằng, sắp có một đợt giảm lương trong từng bộ phận nữa, chẳng biết sẽ thế nào. Càng không bao giờ mơ tới việc chia sẻ với anh những lo lắng của mình lúc này.

Vợ chồng chị ở chung với đại gia đình anh, gồm ba mẹ, cậu mợ, và mấy cặp vợ chồng anh chị em họ khác. Anh bảo: "Cuộc sống ổn định thế này, em còn nghi ngại điều gì nữa mà cứ thoái thác không chịu sinh con? Có nhà có cửa, cơm nước sẵn ba mẹ lo, em lại có công việc tốt, vậy thì còn gì cản trở nữa đâu?". Chẳng lẽ, chị lại nói thẳng cùng anh cái suy nghĩ khó nghe lúc ấy, là sinh con rồi thì ai nuôi? Lại do một mình chị phải cáng đáng nữa, đúng không nào?

Lần trước, đứa cháu bà con dưới quê lên khám bệnh, chị muốn đón cháu về nhà, ở nhờ vài hôm để tiện đưa đón. Anh bảo, để anh về xin ba mẹ. Chị đành bảo cháu thuê nhà trọ cho tiện. Lúc ấy, chị thất vọng vô cùng, cảm giác anh giống như một cậu bé, nhiều tuổi nhưng không “lớn”, chuyện gì con con cũng phải xin phép người lớn, rồi nơm nớp lo bị la rầy…

Chán ngán 1
Chị giờ chỉ cần một ba lô nhỏ là có thể bước ra khỏi nhà anh, nhẹ tênh, như thể chưa từng tồn tại cuộc hôn nhân hơn 5 năm, bên người-đàn-ông-không- chịu-lớn (Ảnh minh họa)

Đã hơn một năm rồi, anh thất nghiệp, rong ruổi những chuyến đi xa, trải nghiệm cuộc sống ung dung, tự do. Cần gì thì anh hỏi “mượn” vợ, từ cái laptop chị dùng cho công việc đến máy chụp hình, từ ít tiền đổ xăng, tiêu vặt đến “chút” vốn hùn hạp với bạn bè làm ăn gì đó... 

Chị ban đầu cũng muốn giúp chồng có điều kiện chứng tỏ bản thân, hoặc ít ra, anh cũng động tay động chân sau một khoảng thời gian nghỉ xả hơi không biết khi nào thì kết thúc. Nhưng hỡi ôi, đồng tiền chị nai lưng ra làm, vô tay anh, chỉ thấy một đi không trở lại. Điều quan trọng nhất là bắt đầu tồn tại trong chị ý nghĩ, anh “mượn” đến khi nào thì sẽ trả? Chị sẽ phải bảo bọc chồng như thế này trong bao lâu nữa đây?

Mới đây, anh bảo đưa anh ít tiền để lo cho em trai anh… cưới vợ. Cậu em trai cũng đã gần ba mươi tuổi, sau khi ly hôn bỏ mặc vợ cũ nuôi con không buồn cấp dưỡng, giờ muốn cưới vợ mới lại vô tư kêu mọi người đóng góp. Chị thật sự không hiểu nổi, ba mẹ nghĩ gì, anh và cậu em trai kia nghĩ sao khi kêu chị phải phụ vô để lo chuyện cưới xin. Chị chẳng biết phải cư xử sao cho đúng mà không thấy mình bị ấm ức với cảm giác bị “bóc lột” nữa.

Nghĩ lại, vợ chồng chị chẳng có ràng buộc gì ngoài một tờ hôn thú. Chị giờ chỉ cần một ba lô nhỏ là có thể bước ra khỏi nhà anh, nhẹ tênh, như thể chưa từng tồn tại cuộc hôn nhân hơn 5 năm, bên người-đàn-ông-không- chịu-lớn. 

Những muộn phiền bất mãn tích tụ lâu dài thật sự làm chị chán ngán. Mỗi lần muốn thẳng thắn cùng anh là đụng phải thái độ vô lo, “em hay quan trọng hóa vấn đề”, làm chị mỏi mệt, nản dần. 

Chị thậm chí cũng không dám tâm sự với bạn bè, người thân về hoàn cảnh của mình, bởi chị sợ chẳng ai tin, càng không muốn bản thân chuốc lấy sự bẽ bàng, thương hại của mọi người. Chị chỉ có thể tự hỏi, vì điều gì mà chị cứ phải kéo dài cảnh sống như thế này?

Chia sẻ