Vợ chồng trẻ lao đao vì nhà trọ tăng giá
Với đồng lương công chức, lại là dân tỉnh lẻ, nhiều cặp vợ chồng lao đao vì giá nhà trọ tăng trong thời điểm bão giá.
Đỏ mắt tìm nhà vừa túi tiền
Lang thang cả chiều trong mấy khu trọ sinh viên, anh Bùi Thế Hoàng ngán ngẩm nói: “phòng của hai vợ chồng mình được chủ nhà thông báo sẽ tăng lên 500.000 đồng/phòng. Chính vì thế nên tranh thủ giờ làm mình xem có phòng nào rẻ hơn chút thì thuê. Chứ giờ thứ gì cũng tăng, chỉ lo tiền nhà, điện, nước cũng đã khổ, huống chi thực phẩm cũng tăng giá ầm ầm.”
Sau khi xem xét khu trọ tại phố Phùng Khoang một hồi, anh Hoàng cho hay: “tại những khu trọ sinh viên thì có khá nhiều phòng, tầm 1 – 1,5 triệu thì khá nhiều. Nhưng điều kiện sống xem ra vẫn không tốt lắm, giá điện nước lại kinh doanh nên tôi đang phân vân. Phòng vợ chồng tôi ở hiện có giá 2 triệu, nhưng khá sạch sẽ và an toàn, điện nước lại tính theo hộ gia đình nữa.”
Lương tháng của hai vợ chồng anh tính ra được 10 triệu/tháng, chi trả tiền đi thuê nhà đã mất 1/3 số lương. Phần còn lại hai vợ chồng tằn tiện chi tiêu mới sống được đến cuối tháng. Đấy là chưa tính đến việc sinh con.
Chung cảnh ở thuê như bao đôi vợ chồng khác, vợ chồng chị Hương Linh thuê hẳn một căn nhà riêng biệt, với giá 5 triệu đồng/tháng. “Nhưng cái khó nhất đấy là việc những căn nhà này thường bắt đóng tiền một cục, 6 tháng một lần, nên đâm ra hai vợ chồng tôi lo tiền cũng thấy khó khăn. Được cái điều kiện ở đây tốt hơn và sống như một gia đình nhỏ, không phải chịu cảnh chung đụng như xóm trọ.”
Tuy nhiên, sắp hết hợp đồng 6 tháng, chủ nhà đòi tăng giá, lên 6 triệu/tháng và yêu cầu nộp tiền ngay, nên vợ chồng chị Linh đành ngậm ngùi tìm phòng trọ khác.
Giá các khu nhà trọ xập xệ cũng rục rịch tăng
“Bây giờ, muốn thuê cả một căn nhà không phải chuyện dễ, lại nơm nớp lo vì chủ nhà có thể lấy nhà bán bất cứ lúc nào họ muốn. Mà thuê ở các xóm trọ sinh viên thì giá cũng chẳng rẻ, lại phải ở chung,” chị Linh cho hay.
Chen chúc trong phòng trọ chỉ đủ 12m2 tại Triều Khúc, đường vào thường lầy lội những lúc trời mưa gió, chị Hạnh than: “tận sâu trong ngõ hẻm, ướt át thế mà cũng phải trả 1,5 triệu/tháng đấy. Hai vợ chồng mình lấy nhau về tu sửa lại phòng cho gọn, đẹp hơn thì chủ trọ lại đòi tăng giá. Mình ở thì ở, chứ họ cũng không cần, nên tăng giá vẫn phải chịu thôi.”
Khu trọ của vợ chồng chị thuê có 10 phòng, với 2 nhà tắm và nhà vệ sinh, không có khu nấu ăn riêng nên vợ chồng chị phải nấu ngay tại phòng, và buổi tối thì chỉ đủ chỗ nhét vừa 2 chiếc xe máy.
Chịu sống cảnh chật hẹp, đông đúc là cách duy nhất để tiết kiệm chi tiêu của nhiều cặp vợ chồng
Cảnh ở chật chội không riêng gì gia đình chị, mà còn là tình cảnh chung của 3 đôi vợ chồng cùng xóm. Vốn lương không cao, lại là dân tỉnh lẻ, nên việc thuê những phòng trọ rẻ phù hợp với thu nhập của họ. “Bão giá thế này, lo chi tiêu cho gia đình đã đủ mệt, đấy là chưa nói đến việc sắp tới chủ nhà còn đòi tăng giá. Mình chuyển đi đâu thì cũng đắt như nhau cả. Trước còn tằn tiện được chút tiền, giờ thì toàn tiêu hụt vào số dư đó. Chẳng biết bao giờ mới mơ nổi một căn nhà, dù ở xa trung tâm đi chăng nữa,” chị Hoa – một người thuê trọ cho hay.
Nhịn sinh con vì bão giá
Dù lấy nhau đã hơn 2 năm nay, lại cũng có tuổi, nhưng vợ chồng chị Hải Yến chưa lúc nào nghĩ đến chuyện sẽ sinh con, dù bố mẹ hai bên gia đình đã giục. Chung quy lại cũng chỉ vì bão giá.
Mỗi tháng, tiền lương của hai vợ chồng chị đủ chi tiêu ăn uống, và trả tiền nhà trọ. Nay, chủ trọ tăng lên giá mới, thực phẩm đắt đỏ, khiến bữa cơm của hai vợ chồng cũng lao đao. “Chẳng có tiền tích lũy mà nghĩ đến việc sinh con, có một đứa con là trăm thứ phải lo. Dù rất muốn nhưng vợ chồng tôi cũng phải tính toán thật kỹ.”
Khu trọ cho các cặp vợ chồng thuê ở Đồng Xa (Mai Dịch, Hà Nội) được xây theo kiểu phân lô. Mỗi phòng chừng 25m2, phụ khép kín. Bếp chỉ là nơi vừa đủ để đặt cái bàn. Giá của mỗi phòng khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Chị Hoa, làm việc ở phố Quan Thánh, cho biết: “Thuê nhà ở đây, cả hai vợ chồng tôi đều phải đi làm xa. Nhưng nếu thuê nhà ở khu trung tâm thì không thể kiếm được. Mà nếu có kiếm được thì tiền lương cũng không đủ để trả tiền nhà. Nói gì đến chuyện sinh con, lúc nhỏ thì lo tiền ăn, tiền sữa, lớn chút lo cho con đi học. Khó khăn lắm! Hơn nữa, tôi cũng muốn hai vợ chồng cố gắng làm, dành tiền, đến khi sinh con thì chuyển tới một khu trọ khác đầy đủ hơn, đỡ sập xệ hơn, chứ ẩm thấp như thế này, trẻ con dễ mắc bệnh mất thôi.”
Nhiều cặp vợ chồng ngại cảnh sống thiếu thốn tại các khu trọ mà chưa dám sinh con
Nếu các cặp còn son rỗi khó khăn một trong chuyện thuê nhà trọ, thì những vợ chồng trẻ đang có con nhỏ lại càng khốn khó bội phần. Điều kiện sống không đảm bảo, ẩm thấp nhiều muỗi, nước dùng bằng giếng khoan cũng là một trong những căn nguyên gây nên bệnh tật ở trẻ.
Gia đình anh Nam, chị Liên đã có một cháu gần 2 tuổi. Tuy gia đình 2 bên đều cùng ở Hà Nội, nhưng là nhà ở phố cổ chật chội. Anh chị quyết định thuê nhà ở ngoài cho cuộc sống được thoải mái, dù phải chi phí thêm một phần không nhỏ trong quỹ thu nhập của cả 2 người.
Gặng hỏi, anh Nam miễn cưỡng tâm sự: “cháu còn bé, hơn nữa hai vợ chồng đi tối ngày, không có thời gian để chăm cháu. Bà nội đề nghị đưa cháu về nuôi, sau khi tính toán thiệt hơn, bọn mình cũng đành đồng ý. Một tuần chỉ được chơi với con 1 ngày chủ nhật. Nhớ lắm, nhưng cũng đành chịu. Còn hơn là bắt con ăn bột bằng nước giếng khoan, ở nhà ẩm thấp…”.
Trong điều kiện sống sập xệ, thiếu gần hết các điều kiện sinh hoạt tối thiểu thì việc có con thật sự là một quyết định “liều lĩnh” với nhiều cặp vợ chồng thuê trọ. Nhưng chờ đến lúc dành được tiền mua một căn nhà nhỏ, hoặc nhà thu nhập thấp cũng chẳng biết đến lúc nào mới mua nổi.