Cha mẹ già yếu gặp phải con cái "hổ mang"
Cha mẹ già yếu, con cái đùn đẩy trách nhiệm từ người nọ sang người kia, bạc đãi rồi cuối cùng bỏ mặc bố mẹ. Không dừng lại đó, có những đứa con bất hiếu, đẩy bố mẹ ra ngoài đường chỉ vì tranh chấp tài sản, tị nạnh phân chia không đều…
Bi kịch của cha già
Cách đây không lâu, ông S (TP. HCM) còn rưng rưng nước mắt khi nghe mấy người hàng xóm kể chuyện một ông già 87 tuổi người Bắc, ốm nặng bị con cháu để nằm trên lề đường. Họ tị nạnh nhau việc chăm nuôi ông cụ… Nhưng đến giờ, ông vẫn không ngờ, mình cũng có lúc rơi phải hoàn cảnh tương tự.
Ông S năm nay 83 tuổi, vốn có 4 người con trai và một cô con gái. Cả đời ông ăn ở hiền lành, lăn lộn cực nhọc nuôi con rồi dựng vợ gả chồng đến nơi đến chốn cho từng người.
Cách đây 2 năm, bà cụ nhà ông đi theo tổ tiên. Cảnh già ở lại một mình buồn bã, nhớ bà cụ, ông đâm ra sinh bệnh. Nghĩ mình rồi cũng không sống được bao lâu nữa nên ông gọi con cái đến lập di chúc, phân chia tài sản. Và cũng chính vì cái bản di chúc mà mọi chuyện bắt đầu bùng nổ, kéo theo bi kịch giáng xuống đầu ông.
Trước khi phân chia tài sản, ông phân tích rõ lý do, ai được phần nhiều hơn, ai nên nhường chút ít cho anh chị em do hoàn cảnh khó khăn. Những tưởng mọi chuyện sẽ êm xuôi. Thế nhưng trong số con cái của ông có những ngươi ấm ức, ngầm không tán đồng với ý kiến của ba. Đến khi ông đổ bệnh nằm một chỗ thì sự việc mới dần hé lộ.
Mấy người con của ông, người lấy lý do bận việc không chăm sóc thường xuyên được bố, người lấy lý do ở xa. Chuyện trở nên ầm ĩ khi tất cả gánh nặng chăm cha trút lên vai cô con út.
Vừa phải chăm lo nhà chồng, vừa phải tất tưởi chăm cha, được một thời gian, chị không nín nhịn nữa mà gọi các anh lại tuyên bố: “Các anh ngoài nghĩa vụ báo đáp ơn dưỡng dục của ba, giờ ai cũng có phần người ấy rồi thì nên lấy đó mà suy tính đến việc thay nhau chăm sóc ba ốm…”.
Chưa nghe cô em nói dứt lời, các anh con trai và con dâu hết người nọ chen lời người kia, phân bì: "Ai là người ra trước thì gánh trước…".
Mọi chuyện vẫn không ngã ngũ, anh nọ đùn cho anh kia, tị nạnh việc ông S “chia tài sản cho ai nhiều thì người ấy đi mà chăm”, “Ai được ba dấm dúi cho nhiều tiền thì phải lo mà phục vụ”. Cuối cùng con cái ai biết thân người đó, bỏ mặc ông một mình nằm ở góc nhà, hàng ngày cô con út lại sấp ngửa tạt qua.
Cũng cảnh rầu lòng khi tuổi về già, ông Thắng (Nam Định) có độc nhất một anh con trai. Tuổi trẻ không sao nhưng khi luống tuổi một chút thì con trai ông sinh cảnh rượu chè, cờ bạc.
Một ngày không biết bao lần con trai ông chửi mắng vợ con. Rồi khi chán chê, anh ta quay sang bạc đãi, quát tháo, dọa phá nhà nếu ông Thắng không đưa tiền cho anh ta đi đánh bạc và uống rượu.
Có hôm, nửa đêm anh ta đập cửa nhà ông cụ ầm ầm, đòi đưa sổ đỏ để thế chấp, lấy tiền đổ vào trò đỏ đen. Cay đắng hơn, những lúc chân nam đá chân chiêu, anh ta chỉ thẳng vào mặt ông Thắng gọi ông là “lão già vô dụng”. Nàng dâu nhiều khi thấy bố chồng lén khóc, đau xót nhưng cũng không biết làm thế nào.
Tuổi già đã cô đơn, đau yếu lại phải chịu sự bạc đãi của con cái khiến nhiều người làm cha, làm mẹ không khỏi rầu lòng (Ảnh minh họa).
Nỗi khổ của người mẹ gần đất, xa trời
Kể lại hoàn cảnh của bà cụ hàng xóm bị con cái bạc đãi cách đây vài năm, chị Thanh (Hải Phòng) hết sức bất bình. Theo lời chị Thanh, bà cụ M. năm đó 72 tuổi, sống cùng con trai và con dâu. Bà cụ vốn là người hiền lành, nhân từ nhưng nàng dâu lại là kẻ nanh nọc, suốt ngày để ý, bới móc, hằn học.
Vì không muốn mẹ chồng ăn chung với mình nên không biết bao lần cô vu vạ cho mẹ chồng ăn vụng. Đến khi bà cụ tách ra ăn riêng thì chị ta dựng chuyện. Lúc thì con dâu bảo bà cụ ăn cắp mì chính, lúc thì bảo đong trộm gạo… “Cứ thế chị ta chửi đổng xơi xơi bà cụ. Hàng xóm nghe mà thấy chói tai. Nhưng đúng là không phải việc nhà mình nên cũng không dám can thiệp sâu” - chị Thanh phân trần.
Bị con dâu ức hiếp là thế, con trai lại không tỏ ý bênh vực hay phân xử mâu thuẫn. Bà cụ M. cứ vờ điếc, không nghe thấy gì. Cứ thế, bà lầm lũi sáng đi khỏi nhà buôn mớ rau rồi bán lại, lấy tiền tự nuôi mình.
“Cho đến khi bà bị xe máy tông phải, gãy xương đùi phải nằm một chỗ thì nàng dâu càng hống hách. Cho mẹ chồng ăn được một bữa cháo thì chị ta mắng không tiếc lời. Bà cụ nằm đó, sức càng yếu rồi đầu óc ngày một lẫn, lúc nhớ lúc quên, chuyện vệ sinh lại mất kiểm soát… chị ta cũng bỏ mặc. Quá quắt hơn là chị ta cho bà cụ ở truồng vì ‘không ai lắm hơi mà giặt được’. Lắm hôm sang đúng lúc bà cụ tỉnh táo thì thấy cụ nằm quay mặt vào tường khóc” - chị Thanh xúc động kể lại.
Qua lời chị Thanh, được biết nửa năm sau ngày gặp tai nạn, bà cụ qua đời. Khi khâm liệm cho bà cụ thì người ta tìm thấy một tờ giấy bà cụ ghi ngoằn nghòe những dòng chữ “đánh dấu” ngày con dâu vu cho ăn cắp, ăn vụng… Nhìn vào đó, ai cũng ứa nước mắt.
Tạm kết
Theo các chuyên gia tâm lý, việc con cái bạc đãi, bạo hành với cha mẹ phản ánh sự tha hóa nhân cách con người. Xưa nay, người ta vẫn nói một mẹ có thể nuôi được mười con chứ một con chưa chắc đã nuôi nổi một mẹ. Những bậc cha mẹ khi bị con cái ngược đãi, bạo hành thường hay cam chịu vì “nước mắt vốn chảy xuôi”.
Vì thế, các chuyên gia tâm lý khuyên, để ngăn chặn vấn đề này thì rất cần có sự lên tiếng của những người ngoài cuộc. Cụ thể là những người chứng kiến đừng làm ngơ trước những hoàn cảnh thương tâm như vậy.