Cặp vợ chồng tiết kiệm 1 triệu USD để nghỉ hưu trước 40 tuổi và bài học chi tiêu cho dân công sở mùa dịch
Vấn đề tài chính cá nhân là thứ mà con người ta phải dùng cả đời để học và tình trạng hiện tại chính là phép thử chân thật nhất cho khả năng học hỏi và ứng dụng của mỗi người.
Đại dịch khiến nền kinh tế toàn cầu lâm vào trình trạng khủng hoảng một cách trầm trọng. Từ nhà hàng đến rạp chiếu phim, tất thảy đều phải đóng cửa để hạn chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh. Nhiều công ty đóng cửa, cắt giảm nhân sự vì không thể tiếp tục duy trì hoạt động trong tình trạng khó khăn kéo dài. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tính tới thời điểm hiện tại ước đạt con số 16 triệu người.
Ai ai cũng tranh thủ mọi cơ hội để có thể tích lũy thêm thu nhập cũng như áp dụng triệt để các chính sách thắt lưng buộc bụng nhằm giảm thiểu chi tiêu nhằm sống chung với thời đoạn khó khăn. Nếu chưa biết bắt đầu từ đâu, dân công sở có thể tham khảo cách thức của một cặp vợ chồng người Mỹ - Justin và Kaisorn McCurry, sống ở Bắc Carolina.
Họ lên kế hoạch tiết kiệm 1 triệu USD trong 10 năm bằng cách tiết kiệm 70% thu nhập. Dưới đây là 3 nguyên tắc cốt lõi trong kế hoạch tiết kiệm của cặp đôi hiện đang sống tại California này:
1. Điện thoại, mạng internet, bảo hiểm
Thời điểm đại dịch bùng phát, chấp hành nghiêm ngặt chỉ thị giãn cách xã hội, đa phần chúng ta ở nhà và không mấy khi ra đường. Vì lẽ đó, cách tốt nhất để cắt giảm chi phí đó chính là xem xét lại những gói cước dịch vụ như điện thoại cũng như mạng internet.
Đừng ngần ngại chuyển sang những gói cước cho giá thấp hơn vì dù gì chúng ta cũng chẳng cần sử dụng gì nhiều trong thời đoạn khó khăn này. Ngoài ra, hãy so sánh gói cước hiện có với gói cước của những nhà cung cấp khác để chọn lựa được sản phẩm có giá cả phù hợp nhất.
Bảo hiểm là khoản phí đều đặn mà gia đình nào cũng phải chi trả hàng tháng. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, khi mà tất cả mọi thứ dường như đóng băng và mọi hoạt động không còn nhộn nhịp như trước nữa, chúng ta có thể đặt vấn đề với đơn vị cung cấp bảo hiểm để có được một mức giảm trừ thật sự hợp lý.
Hãy tranh thủ thời gian để đọc hết những hạng mục trong hợp đồng bảo hiểm để có thể tìm ra được lý do yêu cầu giảm trừ phù hợp.
2. Nấu nướng đơn giản tại nhà
Mặc dù phải ở nhà trong suốt những ngày gần đây, tuy nhiên, có những chi phí không thể bị cắt giảm và ăn uống hàng ngày là một trong số đó. Một điều đáng mừng ở thời điểm hiện tại đó chính là các loại hình dịch vụ đều đã đóng cửa, chúng ta không thể tốn tiền để đến quán bar, nhà hàng hay đi hát karaoke được nữa.
Tuy nhiên, nếu những ai đã và đang suốt ngày gọi món từ bên ngoài về thì hãy cân nhắc chuyển sang hình thức nấu ăn tại nhà. Tự nấu ăn không những mang lại lợi ích cho sức khỏe, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn giúp chúng ta cắt giảm phần nào chi phí ăn uống hàng ngày.
Ngoài ra, hãy lên kế hoạch nấu nướng cho cả tuần rồi liệt kê ra những thực phẩm cần mua. Để rồi, khi ghé siêu thị, chúng ta chỉ cần bám sát vào danh sách và mua đúng những thứ bản thân và gia đình cần.
Điều này sẽ hạn chế tối đa tình trạng vung tay quá trán mà khi tình hình tài chính còn “rủng rỉnh” chúng ta vẫn thường mắc phải. Ngoài ra hãy đơn giản hóa những công thức nấu ăn để giảm phần lớn gia vị cũng như nước sốt - điều này cũng phần nào tối thiểu hóa chi phí cho mỗi lần đi chợ.
3. Hủy đăng ký dịch vụ không cần thiết
Chúng ta thường đăng ký những dịch vụ thường niên mà không cần suy nghĩ quá nhiều bởi về bản chất, mức giá của những dịch vụ kiểu này không ảnh hưởng nhiều lắm đến tình hình tài chính cá nhân.
Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát và thu nhập bị hạn chế, việc chi tiêu cho những dịch vụ kiểu này cũng mang lại không ít ảnh hưởng. Vì lẽ đó, hãy hủy đăng ký những dịch vụ mà bản thân đang không thật sự cần đến.
YouTube Premium, Spotify, Audible, Amazon Prime, Netflix… là những cái tên nằm trong danh sách có thể cân nhắc. Thiếu chúng, cuộc sống của chúng ta vẫn có thể tiếp diễn một cách đều đặn mà không bị ảnh hưởng quá nhiều, nếu không muốn nói là có thêm thời gian cho những hoạt động khác tích cực hơn.
Không quan trọng chúng ta có bao nhiêu tiền mà điều quan trọng là cách chúng ta sử dụng một cách có hiệu quả số tiền mình đang sở hữu.
Vấn đề tài chính cá nhân là thứ mà con người ta phải dùng cả đời để học và tình trạng hiện tại chính là phép thử chân thật nhất cho khả năng học hỏi và ứng dụng của mỗi người. Những ngày khó khăn rồi sẽ đi qua, thứ còn lại với chúng ta là những bài học và cách chi tiêu khôn ngoan hơn.