Cập nhật dịch Covid-19: Ít nhất 3,8 triệu người mắc, số ca tăng cao tại châu Phi
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 94.059 ca mắc bệnh và 6.781 ca tử vong mới do COVID-19.
Sáng 7/5, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam bước sang ngày thứ 21 không có ca bệnh mới trong cộng đồng. Hiện có tổng cộng 131 ca mắc được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Ca mắc COVID-19 mới nhất ở Việt Nam chiều ngày 3/5 là chuyên gia dầu khí người Anh, cũng được cách ly ngay sau khi nhập cảnh nên không có yếu tố lây nhiễm trong cộng đồng.
Còn trên thế giới, theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật sáng 7/5 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận ít nhất 3.818.577 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 264.807 ca tử vong. Đến nay, đại dịch đã lan ra hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới với 1.292.295 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh. Số bệnh nhân đang trong tình trạng nguy kịch giảm xuống còn 48.208 và 2.261.475 người đang phải điều trị tích cực.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 94.059 ca mắc bệnh và 6.781 ca tử vong mới.
Mỹ: Vùng Washington trở thành điểm nóng mới tại Mỹ
Trong 24 giờ qua, nước Mỹ có thêm 25.060 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 2.520 ca tử vong mới. Cho tới hiện tại, Mỹ vẫn là quốc gia có số ca mắc và tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới. Tổng số người nhiễm bệnh tại Mỹ là 1.262.693 và tổng số ca tử vong là 74.791 người.
Một ngày trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng lực lượng đặc nhiệm COVID-19 của Nhà Trắng sẽ ngừng hoạt động nhưng trong ngày thứ Tư (6/5), ông cho biết họ vẫn sẽ tiếp tục công việc, tập trung vào vắc-xin và phương pháp trị liệu.
Mặc dù đã có hơn một tháng thực hiện lệnh giãn cách xã hội, song vùng Washington vẫn trở thành điểm nóng mới của dịch COVID-19 tại Mỹ, trong đó những người Mỹ gốc Latinh hoặc gốc Phi là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Theo số liệu thống kê, Washington và các bang láng giềng như Maryland và Virginia đã ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 vượt quá 50.000 ca và khoảng 2.300 ca tử vong.
Dịch bệnh diễn biến phức tạp ở Mỹ Latinh
Dịch bệnh tại một số nước tại khu vực Mỹ Latinh như Mexico, Peru, Colombia có dấu hiệu phức tạp.
Brazil, một trong những điểm nóng COVID-19 mới nổi của thế giới. Ngày 6/5, Brazil đạt kỷ lục mới hàng ngày về số trường hợp mắc và tử vong do COVID-19 với 10.503 trường hợp mới được xác nhận và 615 trường hợp tử vong. Tính tới thời điểm hiện tại, Brazil đã có 126.148 người mắc bệnh và tổng số tử vong là 8.566 người.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nelson Teich nói trong một cuộc họp báo, ngày càng nhiều chính quyền địa phương có thể phải "phong tỏa", vì đường cong tăng trưởng của dịch COVID-19 tại đất nước này dường như chưa được san phẳng.
Thông báo của Bộ Y tế Mexico cho biết số ca mắc COVID-19 đã tăng 1.120 ca, nâng tổng số ca bệnh lên 26.025 người, trong đó có 2.507 ca tử vong. Trước tình hình sắp bước vào đỉnh dịch, Chính phủ Mexico đã triển khai kế hoạch ứng phó ở cấp độ cao nhất (trong trường hợp đối phó khủng hoảng, thiên tai và đại dịch). Theo đó, Mexico kêu gọi tăng cường các nguồn nhân lực, vật lực để đối phó dịch, các bác sĩ, y tá nghỉ hưu cũng được đề nghị quay trở lại làm việc...
Còn tại Peru, quốc gia chịu tác động nặng nề thứ 2 trong khu vực sau Brazil, chỉ trong vòng 10 ngày, số ca mắc COVID-19 tại đây đã tăng gấp đôi lên tới 54.817 người. Tổng số người tử vong do COVID-19 tại quốc gia này cho đến nay là 1.533 người.
Trong khi đó, Colombia thông báo có trên 8.600 ca mắc COVID-19, trong đó có 378 ca tử vong. Colombia áp dụng lệnh cách ly toàn quốc từ ngày 24/3 và ngày 5/5, Tổng thống Ivan Duque tuyên bố gia hạn lệnh cách ly bắt buộc thêm hai tuần, tức đến ngày 25/5.
Châu Âu: Các nước vẫn thận trọng với việc nới lỏng hạn chế
Anh: 201.101 người mắc bệnh, 30.076 người tử vong. Trong 24 giờ qua, nước Anh ghi nhận thêm 6.111 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và 649 trường hợp tử vong mới.
Vương quốc Anh đã vạch ra một kế hoạch gồm 3 giai đoạn để giảm bớt việc hạn chế quốc gia lần đầu tiên được áp dụng vào cuối tháng 3, tờ báo Times cho biết.
Tây Ban Nha: 253.682 người mắc bệnh, 25.857 người tử vong và 159.359 bệnh nhân đã hồi phục. Trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha ghi nhận thêm 3.121 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và 244 trường hợp tử vong mới.
Tây Ban Nha mở rộng tình trạng khẩn cấp thêm 2 tuần nữa kể từ Chủ nhật, cho phép chính phủ kiểm soát các phong trào của người dân khi các hạn chế dần dần nới. Việc hạn chế nghiêm ngặt đã khiến dịch bệnh bùng phát trong tầm kiểm soát, nhưng đã tàn phá nền kinh tế và dẫn đến mất việc làm rất lớn tại quốc gia có số ca nhiễm bệnh cao thứ 2 thế giới này.
Đức: 168.162 người mắc bệnh, 7.275 người tử vong, 137.696 trường hợp đã hồi phục. Trong 24 giờ qua, nước Đức ghi nhận thêm 1.155 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và 282 trường hợp tử vong mới.
Nhiều bang ở Đức nới lỏng biện pháp hạn chế. Nhiều bang của Đức đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế được ban bố nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19. Trên thực tế, các biện pháp này đã tỏ ra khá hiệu quả khi số ca nhiễm mới tại Đức trong tuần trước giảm còn khoảng 700 đến 1.600 ca nhiễm mới/ngày, thấp hơn con số 6.000 ca nhiễm mới/ngày vào thời điểm trước.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đều nhiều lần nhấn mạnh các biện pháp hạn chế chỉ có thể được dỡ bỏ nếu tỷ lệ lây nhiễm dưới 1, tức 1 người lây cho 1 người khác. Thực tế, tỷ lệ lây nhiễm ở Đức trong vài ngày qua ở mức 0,7 và 0,8 tùy địa phương.
Pháp: 174.191 người mắc bệnh, 25.809 người tử vong, 53.972 trường hợp đã hồi phục. Trong 24 giờ qua, nước Pháp ghi nhận thêm 3.640 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và 278 trường hợp tử vong mới.
Chính phủ Pháp ngày 4/5 đã quyết định gia hạn thêm 2 tháng, đến ngày 24/7 tới, tình trạng khẩn cấp y tế áp đặt từ ngày 24/3 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Pháp có kế hoạch bắt đầu tháo gỡ phong tỏa quốc gia vào ngày 11 tháng 5.
Nga: 165.929 người mắc bệnh, 1.537 người tử vong, 21.327 trường hợp đã hồi phục. Trong 24 giờ qua, nước Nga ghi nhận thêm 10.559 102 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 và 86 trường hợp tử vong mới.
Nga có trên 10.000 ca trong ngày thứ 4 liên tiếp. Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 6/5 cho biết nước này không nên vội vàng dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo rằng bất cứ hành động vội vàng nào trong việc dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa đều có thể phá hỏng nỗ lực của Moskva cho đến thời điểm này.
Châu Á: Số bệnh nhân nhiễm mới tiếp tục tăng tại nhiều nước trong khu vực ASEAN
Trong khi một số nước châu Á báo cáo ổn định về số ca mắc và tử vong do COVID-19 thì một số nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines lại có ca mắc bệnh gia tăng.
Tại Philippines, tổng số ca nhiễm COVID-19 đã vượt mốc 10.000. Trong thông báo ngày 6/5, Bộ Y tế nước này cho biết 320 ca nhiễm đã đưa tổng số ca nhiễm lên 10.004. Bộ này cũng thông báo 21 trường hợp tử vong, đưa tổng số trường hợp tử vong lên 658.
Ngày 6/5, Bộ Y tế Malaysia thông báo thêm 45 ca nhiễm COVID-19, đưa tổng số ca nhiễm lên 6.428. Số ca tử vong tại nước này hiện là 107 người.
Tại Indonesia, số ca nhiễm trong ngày 6/5 là 367 người và 23 ca tử vong. Như vậy, tổng số bệnh nhân COVID-19 tại nước này hiện là 12.438, trong đó 895 người đã không qua khỏi.
Còn tại Singapore, số trường hợp mắc COVID-19 đã tăng 20.198 người với 788 ca nhiễm mới, thêm 2 người chết. "Số lượng các trường hợp mới trong cộng đồng đã giảm, từ trung bình 16 trường hợp mỗi ngày trong tuần trước đó, xuống trung bình 10 mỗi ngày trong tuần qua", Bộ cho biết.
Trong khi đó, hàng trăm cảnh sát Ấn Độ đã thử nghiệm dương tính với coronavirus trong những ngày gần đây. Ấn Độ đã áp dụng biện pháp phong tỏa từ ngày 25 tháng 3 và xác nhận gần 52.987 trường hợp nhiễm COVID-19 và khoảng 1.785 trường hợp tử vong.
Nhiều nước châu Phi ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng cao
Nhiều quốc gia khác trong khu vực như Morocco, Algeria, Nigeria, Ghana, Cameroon, Senegal... cũng đang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đáng kể trong trong nhiều ngày qua.
Cụ thể, tính đến chiều 6/5 theo giờ địa phương, Algeria ghi nhận thêm 159 ca mắc mới và 6 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 4.997 người và 476 người tử vong. Hiện Algeria đã 3 lần gia hạn lệnh phong tỏa và lệnh hiện nay sẽ kéo dài đến hết ngày 14/5.
Còn tại Morocco, trong 24 giờ qua, số bệnh nhân tăng thêm là 189 người và 2 người tử vong. Bộ Y tế nước này cho biết tính đến chiều 6/5 đã có tổng cộng 5.408 ca mắc COVID-19 khiến 183 người tử vong.
Theo Reuters, Channelnewasia