Cảnh tượng 'chẳng giống ai' ở quốc gia lạm phát vượt 110%: Người dân tiêu tiền 'xả láng', đổ xô đi ăn uống ở mọi nhà hàng
Ở Argentina, các nhà hàng từ bình dân đến cao cấp thời điểm này đều cực kỳ đông đúc. Song, điều bất bình thường là quốc gia này đang ở trong một cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc.
Tại buổi thử đồ uống mới trong nhà hàng Águila Pabellon ở Buenos Aires, rất đông thực khách đến để thưởng thức những ly rượu, đồ ăn và đồ tráng miệng. Pedro Díaz Flores, đồng sở hữu của nhà hàng này, chia sẻ về khung cảnh nhộn nhịp: “Bạn thấy đấy, chúng tôi đang đặt cược lớn vào cơ hội cho ngành ẩm thực của Argentina”.
Ở thủ đô của Argentina, nền ẩm thực được mệnh danh là đẳng cấp thế giới đang nở rộ. Tuy nhiên, một điều bất bình thường là quốc gia này đang ở trong một cuộc khủng hoảng tài chính sâu sắc.
Thà ăn tiêu còn hơn không làm gì cả
Tỷ lệ lạm phát của nước này là hơn 114%, cao thứ 4 thế giới. Giá trị của đồng peso cũng liên tục lao dốc và mất khoảng 25% trong 3 tuần liên tiếp của tháng 4.
Dẫu vậy, điều trớ trêu là, việc đồng peso rớt giá lại đang thúc đẩy ngành ẩm thực ở Argentina. Người dân nước này muốn nhanh chóng tiêu hết sạch tiền càng nhanh càng tốt. Do đó, tầng lớp trung lưu và thượng lưu sẽ ra ngoài ăn thường xuyên hơn. Và cũng bởi vậy, các chủ nhà hàng và đầu bếp đang chứng kiến doanh thu thăng hoa trở lại.
Đối với giới nhà giàu, việc đổ xô ăn uống ở nhà hàng là dấu hiệu cho thấy tầng lớp trung lưu đang thu hẹp. Họ không còn đủ khả năng chi trả cho những khoản chi tiêu lớn hơn hay đi du lịch. Họ lựa chọn sống ở đây vì không biết ngày mai sẽ ra sao, hay tiền của họ liệu còn có giá trị hay không.
Mỗi tháng kể từ năm 2015, Buenos Aires đều theo dõi số lượng suất ăn được bán tại các nhà hàng. Số liệu gần đây nhất là tháng 4 cho thấy lượng khách đến nhà hàng đạt mức cao gần nhất và cao hơn 20% so với thời kỳ đỉnh điểm vào năm 2019.
Không chỉ những địa điểm phổ biến mà những khu dân cư ít người biết nay cũng thành điểm đến của những influencer ngành ẩm thực. Họ kéo đến các quán bar, tiệm đồ chay hay nhà hàng phục vụ các món fusion. Thậm chí, nhà hàng Anchoita đã kín chỗ đến hết năm.
Dù đồng nội tệ mất giá cũng thu hút khách du lịch quay trở lại với Buenos Aires, song chính người dân địa phương mới chi tiêu mạnh tay.
Santiago Manoukian, nhà kinh tế tại công ty tư vấn Ecolatina, cho biết, sự bùng nổ của hoạt động dịch vụ nhà hàng diễn ra đối với mọi tầng lớp. Song nhìn chung phần lớn vẫn được thúc đẩy bởi những người có thu nhập trung bình và cao. Nhiều trong số đó có thu nhập bắt kịp lạm phát nhưng vẫn phải điều chỉnh vì khủng hoảng.
Ông cũng giải thích, đây là cách mà mọi tầng lớp làm để chi tiêu đồng peso trước khi tiếp tục bị mất giá.
Đối với tầng lớp trung lưu, những khoản chi tiêu như du lịch hay mua ô tô đã nằm ngoài khả năng. Do đó, họ đang “nuông chiều” bản thân theo những cách khác.
Theo Manoukian, ngay cả nhóm lao động theo hợp đồng có thu nhập thấp hơn (giảm 35% kể từ năm 2017) cũng tận hưởng dịch vụ ở các nhà hàng.
Ông nói: “Đó là hậu quả mà nền kinh tế Argentina phải gánh chịu. Đồng peso đang ‘tan thành mây khói’ vì lạm phát. Mọi người đều nghĩ mình phải làm gì đó vì điều tồi tệ nhất là không làm gì cả.”
Khủng hoảng là cơ hội cho một số người
Trong một vườn cây ở Buenos Aires bên cạnh sân tennis, Lupe García, chủ 5 nhà hàng trong thành phố, đang hái quả cucamelon, loại quả có kích thước tương đương với quả mâm xôi. Xung quanh cô là rất nhiều loại rau, gia vị khác được sử dụng trong nhà hàng.
Cô mới mở thêm một tiệm bánh pizza có tên Orno vào tháng 2 ở một khu phố của Palermo. Khủng hoảng tài chính và lạm phát dù mang đến nhiều khách hàng hơn nhưng lại gây khó khăn cho hoạt động của nhà hàng.
Để tiết kiệm chi phí, García đã đổi menu giấy thành mã QR. Ngoài ra, cô cũng phải tăng giá món ăn vì nguyên liệu đắt đỏ hơn một cách bất ngờ, ví dụ có lúc giá thịt bò đột ngột tăng hơn 20%.
Tuy nhiên, García lại nhận thấy sự bùng nổ này lại là thời điểm thú vị để kinh doanh. Các nhà hàng đều có ý tưởng mới về cách thu hút khách hàng.
Ở con hẻm nhộn nhịp gần khu Phố Tàu của Buenos Aires, Victoria Palleros, một nhân viên của chính phủ, đang đợi suất mì của mình ở Orei, nhà hàng ramen thuờng xuyên “cháy hàng”. Cô nói: “Tôi nghĩ là, thế hệ trước sẽ tiết kiệm còn chúng tôi thì không.”
Cô nói thêm, nhiều người Argentina mua USD để tiết kiệm, nhưng 100 USD lại gần bằng 1 nửa tiền lương hàng tháng của 1 người trẻ tuổi. Palleros thấy thà ăn tiêu sung sướng còn hơn là lúc nào cũng sống dè xẻn.
Palleros chia sẻ mình muốn tiết kiệm để mua một căn hộ mới, nhưng điều đó là không thể.
Mariano Vilches và Natalia Vela, một cặp vợ chồng, cũng đi đến quyết định tương tự về việc tận hưởng cuộc sống nhiều nhất có thể, bất chấp những vấn đề về kinh tế.
Vela, một trợ lý phòng hành chính, cho biết họ không còn đủ tiền đi du lịch nhưng vẫn ăn ở ngoài khoảng 3 lần/tháng. Vilches, 43 tuổi, một nhân viên môi giới bất động sản, chia sẻ: “Nhu cầu cơ bản cần phải được đáp ứng. Chúng tôi phải ăn mà không cần mua sắm thêm quần áo.”
Bởi vậy, những nơi như Miramar, nhà hàng trong khu dân cư của tầng lớp lao động ở San Cristóbal, vẫn đông kín người vào buổi trưa và tối. Nhà hàng bình dân này đã chứng kiến những cuộc khủng hoảng tài chính, kể từ lần đầu tiên mở cửa vào năm 1950.
Hiện tại, ngay cả khi nền kinh tế Argentina có lẽ đã bước vào một trong những thời điểm tồi tệ nhất thì Miramar vẫn cứ nhộn nhịp.
Tham khảo NYT