Cảnh giác với một số lý do phổ biến khiến bạn chán ăn, trong đó có cả bệnh nguy hiểm
Sụt cân là điều khó thể tránh khỏi nếu hiện tượng chán ăn xảy ra thường xuyên, kéo dài và khiến bạn cảm thấy buồn nôn khi nghĩ tới thức ăn.
Mất cảm giác ngon miệng hay chán ăn là hiện tượng không ít người gặp phải. Tình trạng này xảy ra đột ngột, có thể bắt nguồn bởi nhiều nguyên nhân, từ đơn giản như đau bụng cho đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Sụt cân là điều khó thể tránh khỏi nếu hiện tượng chán ăn xảy ra thường xuyên, kéo dài và khiến bạn cảm thấy buồn nôn khi nghĩ tới thức ăn.
Mất cảm giác ngon miệng trong thời gian ngắn thường là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang phải đối mặt với vấn đề nhiễm trùng hoặc căng thẳng đột ngột. Đừng ngại ngần đến gặp các chuyên gia y khoa nếu bạn nhận thấy hiện tượng này xảy ra trong thời gian dài và không rõ nguyên nhân. Đây có thể là triệu chứng cho thấy bạn gặp phải vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Dưới đây là tổng hợp một số lý do phổ biến gây chán ăn:
Tác dụng phụ của thuốc
Như đã đề cập, nhiễm trùng có khả năng dẫn tới chán ăn, mất cảm giác ngon miệng. Hơn nữa, tình trạng này sẽ trở nên tồi tệ hơn do tác dụng phụ của một số loại thuốc. Nicole Glassman, giám đốc Trung tâm y tế Mindful Health ở New York đã chỉ ra, một số loại thuốc như digoxin, fluoxetine, quinidine và hydralazine có thể gây mất cảm giác ngon miệng.
Trao đổi với bác sĩ là việc đầu tiên khi bạn đột ngột cảm thấy chán ăn, đặc biệt nếu tình trạng này kéo dài và dẫn đến sụt cân bất thường. Trong trường hợp nghiêm trọng, họ có thể đề xuất thay đổi loại thuốc đang dùng và đưa ra các phương pháp hiệu quả giúp người bệnh lấy lại cảm giác thèm ăn.
Đau mãn tính
Mất cảm giác ngon miệng là một trong các triệu chứng phổ biến mà những người mắc bệnh đau mãn tính phải đối mặt. Một số vấn đề sức khỏe như hội chứng đau cơ xơ hóa, đau nửa đầu và tổn thương thần kinh đều có thể dẫn tới chán ăn.
Seymour Diamond, chuyên gia y khoa kiêm người điều hành Tổ chức y tế Vanderbilt, Hoa Kỳ lưu ý, một số loại thuốc giảm đau được bác sĩ kê đơn cũng có khả năng ảnh hưởng tới cảm giác thèm ăn của người bệnh. Nếu các cơn đau mãn tính đi kèm với hiện tượng chán ăn và giảm cân bất thường, bạn hãy liên hệ với chuyên gia y khoa để được tư vấn càng sớm càng tốt.
Ngoài ra, mất cảm giác ngon miệng không phải là một trong những triệu chứng đặc trưng của hội chứng ruột kích thích (IBS). Dấu hiệu của vấn đề sức khỏe này thường bao gồm tiêu chảy, táo bón, đầy hơi và đau bụng. Trên thực tế, một số người cảm thấy chán ăn chủ yếu là do những cơn đau của IBS gây ra.
Ung thư
Theo Hiệp hội Ung thư học lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO), mất cảm giác ngon miệng có thể xảy ra do ung thư bụng và phình lá lách hoặc gan, từ đó tạo áp lực lên dạ dày, làm xuất hiện cảm giác no giả. Hơn nữa, tình trạng này cũng là dấu hiệu cho thấy sự tiến triển của ung thư.
Theo Deborah Levy, dược sĩ học kiêm nhà tư vấn tại Trung tâm sức khỏe Carrington Farms, một số loại thuốc, hóa trị hoặc xạ trị tác động lên các bộ phận ở cơ quan tiêu hóa đều có khả năng dẫn tới hiện tượng chán ăn.
Stress
Theo Phòng khám Cleveland, căng thẳng là yếu tố không nhỏ ảnh hưởng tới thói quen ăn uống của chúng ta. Stress làm cơ thể phớt lờ các tín hiệu đói, từ đó có thể khiến bạn bỏ bữa trong thời gian dài.
Nếu hiện tượng chán ăn xảy ra đột ngột và bạn không mắc phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, hãy lưu ý tới việc kiểm soát căng thẳng. Điều này có thể giúp bạn lấy lại cảm giác ngon miệng như trước. Những biện pháp giải tỏa cảm xúc tiêu cực hiệu quả và đơn giản nhất là tăng cường tập thể dục, ngủ đủ giấc và tập thiền.
Rối loạn tâm lý
Mất cảm giác thèm ăn và thay đổi cân nặng là vấn đề không ít người mắc bệnh trầm cảm đang phải đối mặt. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2016 đăng trên Tạp chí Tâm lý học Hoa Kỳ cho thấy, trầm cảm làm giảm hoạt động của thùy đảo nằm ở trung não, từ đó gây chán ăn.
Các vấn đề sức khỏe về tâm lý khác như rối loạn lưỡng cực và lo âu cũng liên quan mật thiết tới hiện tượng mất cảm giác ngon miệng. Ngoài ra, những tình trạng rối loạn ăn uống nghiêm trọng như chứng chán ăn tâm lý hay chứng ăn ói gây ảnh hưởng không nhỏ đến thói quen ăn uống và phản ứng của cơ thể với thực phẩm.
Nếu bạn gặp phải tình trạng chán ăn và đang mắc một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào đó, hãy tới gặp các chuyên gia để được tư vấn cách điều trị và lập kế hoạch ăn uống phù hợp nhất. Trong trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê thuốc giúp bạn lấy lại cảm giác thèm ăn.
(Nguồn: Livestrong)