Cảnh báo mạo danh ngân hàng gọi mời làm thẻ và tăng hạn mức tín dụng
Trong 1 tháng trở lại đây, tình trạng gọi điện mời chào làm thẻ tín dụng và tăng hạn mức tín dụng của các ngân hàng tăng trở lại. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác vì có thể là chiêu trò lừa đảo mạo danh ngân hàng.
Chị Thanh Nhàn (ngụ tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho biết, liên tục trong 2 tuần qua chị nhận được các cuộc gọi mời chào nâng cấp hạn mức tín dụng của ngân hàng VIB và Techcombank. Đây là 2 ngân hàng chị có làm thẻ tín dụng nên không nghi ngờ gì.
“Nhân viên tự xưng đến từ ngân hàng VIB gọi cho tôi nhiều lần nhất. Mỗi lần gọi, người này đều nói tôi nằm trong danh sách được nâng hạn mức thẻ tín dụng hiện tại lên 150 - 200 triệu đồng.
Tuy nhiên, vì tôi không có nhu cầu xài tiền nhiều từ thẻ tín dụng và có ý định cắt bớt thẻ nên tôi đã từ chối. Thông thường, khi nhân viên thẻ tín dụng mời gọi mở thẻ đều thuyết phục tôi rất lâu khi tôi từ chối, nhưng những lần này, sau khi nghe tôi nói không có nhu cầu liền lập tức tắt máy mà không nói thêm lời cảm ơn nào”, chị Thanh Nhàn chia sẻ.
Với người tự xưng là nhân viên tín dụng Techcombank, chị Thanh Nhàn cho biết họ mời chào chị nâng hạn mức thẻ gấp 3 lần lương chị có. Với Vietinbank, mặc dù chị có tài khoản nhưng không có mở thẻ tín dụng bên này nên người gọi tự xưng bên nhân viên tín dụng Vietinbank chỉ mời chào mở thẻ.
Không chỉ riêng chị Thanh Nhàn mà rất nhiều người trong thời gian gần đây liên tục nhận được những cuộc gọi mời chào nâng mức thẻ tín dụng với hạn mức cao ngất ngưởng, khiến nhiều sẵn sàng cung cấp thông tin để nâng hạn mức. Tuy nhiên, mới đây, nhiều ngân hàng đã gửi thư thông báo đến khách hàng về tình trạng lừa đảo mạo danh thương hiệu ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) để lấy thông tin, đánh cắp tiền trong tài khoản.
Cụ thể, ngày 26/3, ngân hàng VIB lại một lần nữa gửi đi thông báo đến khách hàng về tình trạng lừa đảo mạo danh ngân hàng, TCTD đang diễn biến phức tạp trên diện rộng trở lại với nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, thủ đoạn gần đây nhất để lừa đảo chiếm đoạt tiền là hỗ trợ đổi lại thẻ tín dụng.
Thông qua hình thức này, đối tượng lừa đảo sẽ xin đến trực tiếp gặp và yêu cầu đưa thẻ vật lý, điện thoại cùng mật khẩu app MyVIB của khách hàng để lấy thông tin (số thẻ, số CVV), mã OTP và thực hiện giao dịch rút tiền từ thẻ tín dụng của khách hàng.
Ngoài ra, VIB còn khuyến cáo, tội phạm công nghệ cao còn tạo ra hàng loạt website giả mạo, email giả mạo gần giống với website, email ngân hàng. Cụ thể, thông qua email giả mạo, đối tượng lừa đảo tiếp cận và chào mời khách hàng dịch vụ nâng hạn mức, dịch vụ hủy thẻ, miễn hủy phí thường niên… kèm đường link dẫn đến website VIB giả mạo.
Nếu khách hàng nhập vào đường link, tội phạm mạng sẽ tiến hành thu thập thông tin, hình ảnh của khách hàng bao gồm: Hình ảnh căn cước công dân, ảnh chụp nhân dạng, ảnh chụp mặt trước, mặt sau thẻ tín dụng và mã OTP; sau đó khi thu thập thông tin, tội phạm mạng sẽ chiếm đoạt tiền qua giao dịch từ thẻ tín dụng hoặc chiếm đoạt tiền thông qua dịch vụ nâng điểm tín dụng bằng thông báo cáo tín dụng giả “CICB - Creditinfo” và yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của đối tượng lừa đảo.
Theo đó, VIB thông báo yêu cầu khách hàng nâng cao cảnh giác và không cung cấp các dịch vụ mời chào nâng hạn mức qua điện thoại và các dịch vụ trái phép thông qua các cuộc gọi từ các số điện thoại giả mạo, email giả mạo.
Ngoài ra, nếu khách hàng nhận được một khoản tiền hay tài khoản có dấu hiệu bất thường… và ai đó yêu cầu khách hàng xác nhận giao dịch, thay đổi mật khẩu… bằng nhập mã OTP hoặc truy cập vào tệp (file) hay đường dẫn (link) có chứa mã độc được gửi kèm, tuyệt đối không chia sẻ thông tin, không làm theo hay nhập các đường link trên để tránh bị chiếm đoạt quyền sử dụng ứng dụng ngân hàng điện tử và thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền.
Tương tự, ngân hàng Standard Chartered cũng gửi thông báo đến khách hàng khuyến cáo không được phép sử dụng giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân được sửa chữa, làm giả, lấy tên, địa chỉ giả để đăng ký, mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ATM, thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng trực tuyến; không mở hoặc duy trì tài khoản nặc danh, mạo danh, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán hoặc mua, bán thông tin tài khoản thanh toán, mở hộ thẻ…
Ngoài ra, Standard Chartered cũng lưu ý khách hàng không dùng các loại thẻ hay tài khoản thanh toán để tham gia các hoạt động trò chơi có thưởng, cờ bạc, cá độ bóng đá và các hình thức cá độ khác, tiền ảo, tiền điện tử, giao dịch kinh doanh ngoại hối trên website, chứng khoán quốc tế, nạp tiền vào ví điện tử ở nước ngoài, giao dịch nhằm mục đích rửa tiền, thanh toán cho các trò chơi điện tử trên mạng chưa được cấp phép phát hành tại Việt Nam…
Đặc biệt, Standard Chartered khuyến cáo khách hàng hết sức cảnh giác với các tin nhắn, cuộc gọi, email nặc danh, mạo danh nhân viên ngân hàng tiếp cận và mời thực hiện các giao dịch giao dịch bất hợp pháp, không được cho phép theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp khách hàng nhận được những yêu cầu nghi ngờ như trên, ngay lập tức từ chối và bỏ qua.
Nhiều ngân hàng khác cũng gửi thông báo khuyến cáo khách hàng không nên cài đặt những ứng dụng dịch vụ công theo lời các cuộc gọi như VneID, Bộ Công an, Tổng cục Thuế… Bởi nếu nhấp vào đường link do các đối tượng lừa đảo chia sẻ, khách hàng sẽ bị kiểm soát thiết bị và bị chiếm đoạt thông tin cá nhân do có chứa mã độc.
Theo đó, các khách hàng tuyệt đối không nên truy cập vào các ứng dụng, đường dẫn (link) lạ khi nhận được qua email, tin nhắn, mạng xã hội hoặc các cuộc gọi kèm theo việc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và thông tin truy cập dịch vụ.
Nếu nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, khách hàng nên thực hiện khóa thẻ, tài khoản thanh toán qua ứng dụng ngân hàng hoặc trình báo cơ quan chức năng nếu phát hiện các trường hợp yêu cầu chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, thông tin thẻ, tài khoản ngân hàng.