Ngoài nợ lương, nợ BHXH, bị phụ huynh đòi học phí…. Apax Holdings của Shark Thuỷ còn nợ hàng trăm tỷ tại BIDV, Vietcombank
Với các khoản vay dài hạn tại BIDV - chi nhánh Thanh Xuân, IBC đảm bảo bằng 35 triệu cổ phần IBC cùng các dự án, bất động sản tại Tp.HCM và Hà Nội...
Mới đây, thông tin ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) bị bắt đã lập tức trở thành đề tài được quan tâm. Ông Nguyễn Ngọc Thủy bị nhiều nhà đầu tư tố cáo "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua hình thức chuyển nhượng cổ phần CTCP Tập đoàn giáo dục Egroup.
Từ tháng 8/2022, Apax Leaders - chuỗi trung tâm dạy tiếng Anh cho trẻ em thuộc hệ sinh thái Egroup của Shark Thủy cũng từng xảy ra lùm xùm liên quan đến vấn đề học phí. Nhiều phụ huynh bức xúc vì đã đóng hàng chục triệu đồng học phí 12 tháng, thậm chí 2 năm nhưng trung tâm lại bất ngờ đóng cửa. Bên cạnh đó giảng viên từ hệ thống Apax Leaders cũng lên tiếng cho rằng đang bị nợ tiền lương, bảo hiểm xã hội một thời gian dài.
Đang vay nợ hàng trăm tỷ tại các nhà băng, chủ yếu tại BIDV – chi nhánh Thanh Xuân
Được biết, Apax Holdings là công ty con của CTCP Tập đoàn Giáo dục Egroup, đã niêm yết trên sàn chứng khoán với mã IBC. Đây cũng là đơn vị quản lý vận hành chuỗi anh ngữ Apax (Apax English/Apax Leaders).
Không chỉ nợ các nhà đầu tư, cá nhân… IBC được biết đang vay nợ hàng trăm tỷ tại các nhà băng, chủ yếu là BIDV – chi nhánh Thanh Xuân.
Ghi nhận tại BCTC soát xét bán niên 2022 của Apax Holdings - báo cáo chi tiết mới nhất mà đơn vị này công bố - thì tại thời điểm 30/6/2022, Apax Holdings đang vay nợ gần 621 tỷ đồng ngắn hạn. Trong đó, "chủ nợ" lớn nhất là BIDV - chi nhánh Thanh Xuân với dư nợ ngắn hạn gần 494 tỷ đồng; ngân hàng chính sách xã hội với hơn 16 tỷ cùng các cá nhân khác.
Apax Holdings khi đó cũng đang nợ dài hạn đến hạn trả hơn 70 tỷ tại BIDV - chi nhánh Thanh Xuân.
Dư nợ vay dài hạn của Công ty vào mức 1.361 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là trái phiếu với 1.204 tỷ; còn lại là BIDV - chi nhánh Thanh Xuân cho vay 78 tỷ và Vietcombank - chi nhánh HCM cho vay 44 tỷ đồng.
Với các khoản vay dài hạn tại BIDV - chi nhánh Thanh Xuân, IBC đảm bảo bằng 35 triệu cổ phần IBC cùng các dự án, bất động sản tại Tp.HCM và Hà Nội.
Doanh thu tăng mạnh song lợi nhuận liên tục giảm, lỗ kỷ lục trong năm 2022
Về IBC, hoạt động trong ngành giáo dục hàng tỷ USD, Công ty có giai đoạn tăng trưởng nóng. Các trung tâm mở với tốc độ Thánh Gióng và nhanh chóng trở thành chuỗi tiếng Anh lớn nhất Việt Nam. Doanh thu vượt mốc 1.000 tỷ vào năm 2018 và tăng gấp đôi lên 2.000 tỷ trong năm 2020.
Trước lùm xùm, hệ thống Apax được biết có hơn 120 trung tâm trên toàn quốc với thương hiệu Apax Leaders, trải rộng tại hơn 30 tỉnh thành với khoảng hơn 120.000 học viên đang theo học (tính đến đầu năm 2022).
Đang trên đà phát triển, đại dịch Covid xảy ra và các quy định giãn cách xã hội đã khiến cho các trung tâm giáo dục không còn cơ hội 'cựa quậy'. IBC cũng vậy.
Năm 2022, IBC đạt doanh thu 1.336 tỷ, tăng 35% so với kết quả 2021. Lỗ trước thuế 77 tỷ, lỗ ròng 87 tỷ - đây là mức lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động của IBC.
Trong số 3 Thành viên HĐQT trên, ông Quách Mạnh Hào là người đầu tiên nộp đơn xin từ nhiệm từ ngày 6/11 với lý do bận công việc cá nhân. Ông Quách Mạnh Hào bắt đầu gia nhập HĐQT Apax Holding từ giữa năm 2017. Kể từ khi tham gia vào Apax Holdings, ông Hào liên tục "chốt lời" khi giao dịch cổ phiếu IBC trong giai đoạn đầu năm 2021 – cũng là thời kỳ thăng hoa nhất của cổ phiếu IBC trước chuỗi ngày lao dốc thảm hại của các năm sau đó.