Cám gạo và dầu cám gạo - mặt hàng “cực hot” trong bối cảnh Ấn Độ thiếu hụt dầu ăn
Cám gạo đã trở thành mặt hàng được săn lùng ở Ấn Độ khi nước này đang cố gắng khắc phục tình trạng thiếu hụt dầu ăn do gián đoạn nguồn cung toàn cầu.
Là một sản phẩm phụ trong quá trình xay xát gạo, cám gạo từ trước đến nay thường được sử dụng làm thức ăn cho gia súc và gia cầm. Trong những năm gần đây, các nhà máy dầu đã bắt đầu chiết xuất dầu cám gạo, loại dầu ăn phổ biến đối với những người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe nhưng có giá thành cao hơn các loại dầu ăn khác.
Các quan chức ngành công nghiệp Ấn Độ cho biết, dầu cám gạo chiếm một phần nhỏ trong tổng lượng dầu ăn tiêu thụ ở nước này nhưng lại là một trong những sản phẩm tăng trưởng nhanh nhất trong số các loại dầu ăn, và sản lượng cũng như nhập khẩu dự kiến sẽ tăng để đáp ứng nhu cầu.
Giá dầu ăn toàn cầu đã tăng cao với các hạn chế của Indonesia đối với xuất khẩu dầu cọ và sự gián đoạn dầu hướng dương xuất khẩu từ Ukraine đã làm tăng giá trị và nhu cầu sử dụng dầu cám gạo so với các loại dầu đối thủ, theo đó đã làm tăng nhu cầu về dầu cám gạo có đặc tính hương vị tương tự như dầu hướng dương.
Mehta, Tổng thư ký Hiệp hội Dầu cám gạo quốc tế (IARBO), cho biết, khi lượng dầu hướng dương nhập khẩu từ Ukraine giảm đi, người tiêu dùng bắt đầu thay thế bằng dầu cám gạo. Ấn Độ thường đáp ứng hơn 2/3 nhu cầu dầu hướng dương thông qua nhập khẩu từ Ukraine.
Tại Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới, dầu cám gạo hiện được giao dịch ở mức 147.000 Rupee/tấn (1.879 USD) so với dầu hướng dương ở mức 170.000 Rupee.
(Ảnh: Times of India)
Dầu cám gạo thường có giá cao hơn khoảng 25% so với các loại dầu khác. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, giá loại dầu này đã rẻ hơn so với dầu thực vật nhập khẩu, khiến nó có giá cả phải chăng hơn đối với người dân, theo dữ liệu của Hiệp hội chiết xuất dung môi Ấn Độ (SEA).
Giá cả cạnh tranh đã thúc đẩy lượng tiêu thụ dầu cám gạo kể từ tháng 3 và khuyến khích các công ty chế biến dầu nhiều hơn.
Nhu cầu về dầu cám gạo tăng mạnh đã làm đảo lộn hoạt động của các nhà xay xát gạo đang ưu tiên sản xuất dầu cám.
Puneet Goyal, Giám đốc điều hành tại tập đoàn Ricela, nhà sản xuất dầu cám gạo lớn nhất Ấn Độ, cho biết: "Đối với các nhà máy gạo, thay vì phụ phẩm, bây giờ cám gạo đã trở thành một sản phẩm chính".
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, tập đoàn Ricela đang có kế hoạch tăng công suất lọc dầu lên 750 tấn mỗi ngày trong hai tháng tới từ 600 tấn.
Với tình trạng khan hiếm dầu thực vật, các nhà máy dầu sẵn sàng trả giá cám gạo cao kỷ lục.
Giá cám gạo đã tăng vọt lên 30.000 đến 36.000 Rupee/tấn so với giá lúa khoảng 19.000 Rupee, được xay để chiết xuất gạo.
Tuy nhiên, sự thiếu hụt các nhà chế biến dầu ở tất cả các khu vực xay xát gạo vẫn là một yếu tố hạn chế chính đối với nguồn cung dầu cám, vì cám gạo phải được chế biến thành dầu trong vòng 48 giờ sau khi tách khỏi trấu để phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng.
Hiện chỉ có 55% cám được chế biến, phần còn lại chuyển sang làm thức ăn chăn nuôi với giá thấp hơn.
Mặc dù vậy, một số nhà chế biến dầu đang tối đa hóa sản lượng dầu cám. Quốc gia này đang trên đà đạt sản lượng dầu cám kỷ lục 1,05 triệu tấn trong năm nay, tăng so với khoảng 950.000 tấn vào năm 2021. Điều này sẽ giúp Ấn Độ giảm nhập khẩu các loại dầu từ các nước khác.