Cái Tết to cùng những mong ước giản dị trong năm mới của chị "triệu phú ve chai"

Hương Thu ,
Chia sẻ

Được giao lại toàn bộ số tiền 5 triệu yên nhặt được, năm nay chị Hồng ăn Tết to hơn mọi năm. Năm vừa qua, dù có nhiều tiền nhưng không vì thế chị ỷ lại mà còn làm việc chăm chỉ hơn trước cùng với mơ ước vẫn còn tiếp tục được làm nghề ve chai.

Năm 2015 đối với chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (37 tuổi, quê Quảng Ngãi, tạm trú quận Tân Bình, TP HCM) là một năm mà theo chị là đáng nhớ nhất từ trước giờ. Một người nhặt ve chai lương thiện, vô tình mua được chiếc loa cũ có 5 triệu yên Nhật. Đứng trước số tiền lớn, không chút lòng tham, chị liền đem giao nộp ngay cho công an nhờ thông báo tìm chủ nhân.

vechai
Niềm vui của chị Hồng ve chai khi được nhận số tiền mình nhặt được

Có tiền tỷ còn nhặt ve chai chăm chỉ hơn trước

Sau một năm, không có người nhận số tiền trên đương nhiên là của chị. Nhưng phút chót lại có người đến tranh giành. Khi đã rõ ràng các vấn đề pháp lý, chị cũng đã nhận được trọn vẹn 5 triệu yên, tương đương khoảng 900 triệu đồng. Nhiều người vui mừng khi chị ve chai có được số tiền lớn, họ gọi vui với cái tên “triệu phú ve chai”.

vechai1
Ngày cuối cùng trước khi về quê, chị vẫn làm việc đến tối.

Những ngày cận Tết “triệu phú ve chai” vẫn đi mua phế liệu từ sáng đến tối mịt mới về. Ngày cùng trước khi về quê ăn Tết, chị còn làm việc đến gần 9h tối mới bắt đầu thu dọn hành lý. Chiếc xe phế liệu to hơn người vẫn được đẩy đi thu mua khắp nơi. Nhiều người thắc mắc sao  không nghỉ Tết sớm, chị chỉ cười, khẽ nói bằng giọng đặc sệt Quảng Ngãi: “Cuối năm phải chăm chỉ làm mới cứ thưởng Tết chứ”.

vechai2
Chị còn làm chăm chỉ hơn cả khi đã nhận được tiền.

Thưởng Tết đối với những người nhặt ve chai là do dịp cuối năm người ta dọn nhà bán nhiều đồ cũ. “Mỗi năm được một đợt thôi nên phải cố sức, có ngày chăm chỉ cũng kiếm được gần 400 ngàn”, chị nói. Khoảng thời gian này, chị cùng chồng là anh Vương phải dậy từ sớm đẩy xe đi thu mua rồi về phân loại, sau đó bán cho đại lý, ngày nào cũng tối mới về đến nhà.

vechai6

Buổi tối, chị vẫn tiếp mục thu mua ve chai tại nhà

“Sau khi có được số tiền lớn, nhiều người khuyên tôi cứ nghỉ ngơi. Nhưng tiền tiêu bao nhiêu mà không chịu làm ăn thì cũng hết. Vì thế, sau ngày nhận tiền tôi còn làm chăm chỉ hơn trước kia nhiều. Tôi không mong sẽ có may mắn lần hai đâu, cứ cố gắng làm thôi”, chị bộc bạch. Ngoài ra, một phần do giá bán ve chai dang dần xuống giá hơn các năm, nên hai vợ chồng lại càng chăm chỉ hơn.

Cái Tết to nhất từ trước giờ

Sau khi nhận được tiền, hai vợ chồng thuê căn nhà nhỏ đón hai đứa con ở quê vào chung sống. Gia đình đoàn tụ sau nhiều năm anh chị phải gửi hai con cho cha mẹ ở quê chăm sóc vì quá nghèo, phải lặn lội vào Sài Gòn mưu sinh. “Căn nhà này dù xập xệ nhưng lại ở ngay chỗ cũ để tôi có thể gần họ hàng, chị em cùng nghề nên thuê với giá 3 triệu”. Chỉ tay vào hai con, chị cười cho biết, từ ngày vào ở với ba mẹ chúng vui tươi, có da có thịt hơn hẳn. Bản thân chị Hồng cũng "khoe" đã tăng lên 4 ký, sợ về quê nhiều người không nhận ra.

vechai4

Căn nhà thuê xập xệ, chị Hồng đang thu dọn đồ đạc trước Tết.

Ngày 26 âm, chị lên xe về quê. Trước đó, gia đình cũng đã sắm sửa được nhiều đồ đạc để chuẩn bị cho cái Tết mà chị gọi là “to” nhất từ trước giờ. Ấy vậy mà chỉ vào đống hành lý, cũng chỉ có chai dầu ăn, bột ngọt, đèn thờ và mấy đôi dép, quần áo mới cho con.

vechai4

Mua nhang đèn mang về quê vì ở đó không có đồ này

vechai5

Sắm sửa dép, quần áo mới cho hai con 

“Những năm trước, có tiền mua vé về quê đã là vui rồi chứ đâu có sắm được gì. Năm nay, về lì xì cha mẹ nhiều hơn, mua thêm bia. Rồi sau đó, sửa lại phần sân sau của nhà. Như vậy là ăn Tết to rồi”, chị cười giải thích.

vechai8

Chị chuẩn bị nhiều tiền lẻ để lì xì

vechai9
Làm cả lọ củ kiệu mang về quê

Rồi như chợt nhớ điều gì, chị nói tiếp: “À còn xấp tiền lẻ mới đổi nữa, tôi sẽ lì xì cho các bé trong làng lấy thảo, mọi năm không có dám lì xì nhiều vậy đâu. Sau khi thăm ông bà, cả gia đình cũng sẽ đi biển chơi”. Hai vợ chồng cùng huyện Mộ Đức, ở gần biển nhưng vì mưu sinh nhưng nên chưa bao giờ được đi biển một cách đàng hoàng. Vào Sài Gòn thì ước mơ được đi ấy càng xa vời. Nghĩ đến chuyện về quê, cả gia đình nôn nao phấn khởi khó tả.

Chỉ mong vẫn sống được với ve chai

Sau khi đổi hết toàn bộ 5 triệu yen. Vợ chồng chị Hồng đã dành 70 triệu mua gạo làm từ thiện; biếu hơn 100 triệu cho cha mẹ 2 bên sửa lại 2 căn nhà đã dột nát và giúp đỡ anh chị em khó khăn có vốn làm ăn, dành một phần gửi những chị em đồng nghiệp sống chung nhà hơn 10 năm qua.

Mọi việc xong xuôi, hai vợ chồng quay lại Sài Gòn tiếp tục nghề ve chai. Số tiền còn lại, anh chị gửi hết vào ngân hàng để lấy lãi. “Trời chỉ thương tôi một lần trong đời thôi, cũng là nhờ nghề ve chai nên có bao nhiêu tiền đi chăng nữa thì tôi cũng bám nghề”, chị chia sẻ. Ước mơ trong năm mới của chị là ve chai vẫn giữ giá để cả gia đình còn bám lấy nghề kiếm sống.

vechai3

Sang năm mới, chị chỉ mong vẫn làm nghề ve chai

"Còn nếu không thể làm được nghề này nữa thì tôi sẽ rời Sài Gòn về quê. Ở đó cả gia đình đều đi bán cá ở chợ nên mình cũng sẽ tiếp tục với việc này. Nhiều người bày tôi mua miếng đất nhỏ ở thành phố. Nhưng số tiền còn lại cũng không nhiều, mua đất rồi đâu đủ xây nhà, hơn nữa ở quê đất nhà rộng lắm, có gì thì mình về quê vẫn hơn", chị tâm sự.

vechai7

"Trời thương mình như vậy là quá đủ"

Với số tiền dành dụm, tạm thời chị vẫn gửi ngân hàng để lấy lãi trả trọ, cho con cái ăn hơn. Chỉ vào cô con gái 15 tuổi, “triệu phú ve chai” nói: “Bé lớn học sa sút, vào Sài Gòn không học nổi nên đã nghỉ. Qua năm chắc cho bé đi học nghề làm tóc, mong sớm có công việc ổn định”.

Bản thân chị cũng mong ước cho bản thân nhiều, chỉ luôn nghĩ trời thương mình như vậy đã là quá đủ. “Giờ tôi chỉ cần gia đình êm ấm, hạnh phúc là được rồi”, đó cũng là mong ước lớn nhất của chị Hồng ve chai trong những ngày đầu năm.

Chia sẻ