Cách để xử lý 4 trường hợp cấp bách về tài chính và lý do tại sao bạn nên có một quỹ khẩn cấp
"Nếu cuộc đời cho ta một quả chanh, vậy hãy làm ly nước chanh" - tương tự như vậy, nếu cuộc đời ném cho bạn những bất ngờ không vui, nhất là những bất ngờ làm "đau" ví, vậy thì hãy có những phương án chuẩn bị tốt nhất ngay cả khi chúng chưa xuất hiện.
Hãy cố gắng lên kế hoạch trước cho những điều bất ngờ, có thể sẽ đến lúc cuộc đời ném cho bạn những khó khăn khi bạn không ngờ nhất. Điều này đã được chứng minh với đại dịch coronavirus hiện nay.
Khi tình huống khẩn cấp phát sinh, chúng sẽ làm xáo trộn thói quen hàng ngày của bạn cũng như túi tiền của bạn. Tuy nhiên, khi tình hình trở nên căng thẳng, việc có kế hoạch tài chính và quỹ khẩn cấp có thể giúp bạn giảm bớt áp lực.
Dưới đây là 4 trường hợp khẩn cấp phổ biến cần xem xét và cách tốt nhất để xử lý chúng về mặt tài chính.
1. Mất việc
Cho dù bạn nghỉ việc hay bị sa thải, mất việc làm là một trong những tình huống đau đầu nhất với mỗi người. Nhưng bạn không đơn độc.
Theo nghiên cứu, một con số khổng lồ 96% người Mỹ trải qua nhiều hơn 4 giai đoạn mất thu nhập trong những năm làm việc của mình - thường là do thay đổi công việc hoặc mất việc làm. Do vậy, điều quan trọng là phải nhắc nhở bản thân rằng bạn có thể tìm công việc tiếp theo, ngay cả khi phải mất một thời gian.
Do vậy, lo lắng khi mất việc là điều đương nhiên. Cũng chính vì vậy, hãy dành thời gian cần thiết để xử lý mọi thứ trước khi quay trở lại tìm việc. Trong thời gian tìm việc làm, hãy tìm hiểu xem bạn có đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không và bắt đầu quy trình nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bạn cũng nên kiểm tra lại các khoản thanh toán định kỳ của mình - nợ ngân hàng, hóa đơn điện, nước, tiền thuê nhà, tiền trả góp các khoản khác để có thể cân đối chi tiêu, hoặc có khoản chi trả nào mà bạn có thể lùi lại trong thời gian khó khăn này hay không.
Đây cũng là thời điểm tốt để sử dụng ngân sách của bạn và loại bỏ bất kỳ mục không thiết yếu nào, như nhiều đăng ký xem các chương trình trực tuyến hoặc thẻ thành viên phòng gym... Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm được một chút cho đến khi tình hình ổn định và bạn có thể xoay xở trở lại.
2. Cấp cứu y tế
Cho dù bạn bị thương hay bị bệnh, việc đối mặt với tình trạng khẩn cấp y tế có thể khiến bạn lo lắng. Điều này cũng có thể khiến bạn phải nghỉ việc ít nhất là vài ngày hoặc thậm chí lâu hơn.
Trước tiên, hãy liên lạc với cấp trên và xin nghỉ phép. Với quy định của Việt Nam, hầu hết các công ty đều có 12 ngày phép có lương, một số công ty có áp dụng quy định tăng ngày nghỉ phép dựa theo thâm niên làm việc, hoặc với một số doanh nghiệp nước ngoài hay liên doanh, bạn sẽ có thể có nhiều ngày phép hơn. Ngoài ra, hãy tìm hiểu những gì bảo hiểm của bạn chi trả, bạn đang nằm viện đúng tuyến hay trái tuyến, bảo hiểm sẽ chi trả bao nhiêu. Bằng cách này, bạn sẽ không phải đối mặt với các hóa đơn y tế bất ngờ.
Với các gia đình có con nhỏ, ngoài trường hợp bạn bị ốm có thể được trợ cấp từ bảo hiểm y tế, thì khi con của bạn ốm bạn cũng được trợ cấp từ bảo hiểm xã hội với số ngày quy định. Do vậy, hãy tìm hiểu thật kỹ hoặc nhờ sự giúp đỡ của bên Hành chính nhân sự hay Kế toán để nắm rõ được các quy định cũng như quyền lợi của bạn.
3. Hỏng xe bất chợt
Đây là một vấn đề lớn và nó có thể đã xảy ra với bạn. Bạn đã sẵn sàng cho ngày mới, lấy chìa khóa của mình và chuẩn bị lên đường - rồi nhận ra rằng xe bị xẹp lốp hoặc ắc quy xe đã chết. Cứ như vậy, mọi hy vọng của bạn về một ngày làm việc dễ dàng và hiệu quả sẽ tan thành mây khói.
Mặc dù điều này khiến bạn bực bội, nhưng tốt nhất bạn nên bình tĩnh và bắt tay vào việc xử lý vấn đề.
Bạn có thể gọi cứu hộ, hoặc đưa xe đến cửa hàng sửa chữa hay các trung tâm bảo dưỡng của hãng xe nếu như chưa quá muộn giờ làm. Hoặc có thể bỏ lại xe và dùng xe ôm, sau khi tan làm về nhà thì bạn có thể dành thời gian sửa xe.
Chi phí sửa xe máy thường không quá đắt, nhưng các lỗi hỏng nên được khắc phục ngay để tránh tình trạng kéo dài dẫn đến bạn phải thay toàn bộ thay vì có thể sửa chữa chúng sớm hơn.
Trường hợp bạn bị hỏng ô tô, bước đầu tiên tốt nhất là liên hệ với nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp. Bằng cách này, bạn có thể thay lốp ngay tại chỗ hoặc đưa xe đến cửa hàng sửa chữa gần nhất. Sau đó, liên hệ với nhà cung cấp bảo hiểm của bạn. Tùy thuộc vào những gì được bao gồm trong chương trình hỗ trợ hoặc chính sách bảo hiểm, bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ tối đa.
Cũng như nhiều chi phí khẩn cấp, việc sửa chữa ô tô có thể trở nên đắt đỏ. Nếu bạn thấy mình có một hóa đơn khổng lồ, đừng hoảng sợ. Hãy chắc chắn đặt nhiều câu hỏi và tìm ra những gì cần phải ưu tiên khắc phục so với những gì tùy chọn.
Một số cửa hàng sửa chữa sẽ cung cấp cho bạn danh sách bảo dưỡng được đề xuất bao gồm cả những sửa chữa không khẩn cấp. Khi đó bạn có thể lựa chọn những gì cần sửa theo thứ tự cấp bách tùy theo tình hình tài chính của mình.
Khi bạn đã có bảng báo giá cuối cùng, hãy tìm hiểu xem có thể thanh toán trả góp không. Ngoài ra, hãy xem xét các phương tiện di chuyển khác - bao gồm phương tiện công cộng hoặc đi chung xe với bạn bè - nếu bạn cần thêm thời gian để tiết kiệm tiền sửa chữa.
4. Sửa chữa nhà
Giống như những rắc rối về xe hơi, việc sửa chữa nhà đột xuất cũng là một vấn đề đau đầu khác có thể khiến bạn tiêu tốn rất nhiều tiền. Tuy nhiên, đừng bỏ qua các vấn đề như bình nóng lạnh bị hỏng hay trần bị nứt và những hỏng hóc này sẽ biến mất, vì vậy tốt nhất là nên sửa chữa sớm.
Trước hết, hãy thử xem bạn có thể tự xử lý chúng hay cần phải thuê người sửa chữa. Đối với những công việc sửa chữa đòi hỏi trình độ chuyên môn cao hơn, bạn nên nhờ đến sự giúp đỡ của những chuyên gia trong lĩnh vực này (ví dụ nhà bị thấm nước do trời mưa thì nên tìm đến thợ thay vì tự làm trong khi bạn không hiểu lắm về xây dựng). Nếu khoản tiết kiệm của bạn không đủ để trang trải chi phí, hãy xem xét vay một khoản vay cá nhân hoặc thẻ tín dụng lãi suất thấp hoặc bằng không. Tuy nhiên, đây nên là phương sách cuối cùng.
Dù chúng ta không muốn nghĩ đến những sự kiện bất ngờ, nhưng tốt hơn hết bạn nên lên kế hoạch cho chúng trước thời hạn. Chính vì vậy, hãy luôn có một khoản tiền cho trường hợp khẩn cấp (khoản tiền này cần đủ dùng cho ít nhất 6 tháng sinh hoạt kể cả khi bạn không kiếm được một đồng nào). Bằng cách này, bạn sẽ luôn có sự chuẩn bị sẵn sàng về mặt tài chính nếu cuộc đời ném cho bạn một bất ngờ chẳng mấy vui vẻ.